Thời tiết ấm hơn sẽ làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2?

17-03-2020 19:43 | Quốc tế
google news

SKĐS - Các chuyên gia cho biết ánh sáng mặt trời và nhiệt độ sẽ hạn chế sự phát triển và quyết định tuổi thọ của virus đang gây dịch COVID-19, tuy nhiên việc vệ sinh đúng cách sẽ đem lại hiệu quả phòng bệnh tốt hơn.

Trong khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát  ở các nước phương Tây, đặc biệt là châu Âu và Mỹ với số ca mắc và tử vong  vượt qua cả “tâm dịch” Trung Quốc, các chuyên gia y tế cho rằng thời tiết ấm hơn có thể  giúp giảm bớt sự lây lan của dịch bệnh này.

Tiến sĩ Stefan Baral, một chuyên gia dịch tễ của Đại học Johns Hopkins hy vọng số ca mắc bệnh COVID-19 tại Mỹ sẽ giảm khi thời tiết ấm hơn.

Dẫn lời Tiến sĩ John Nicholls, Giáo sư của  Đại học Hồng Kông cho biết, có 3 điều sẽ tác động tới virus SARS-CoV-2 là  ánh sáng mặt trời, nhiệt độ và độ ẩm. "Ánh sáng mặt trời sẽ làm giảm khả năng phát triển của virus xuống một nửa,  mặt trời thực sự rất tốt trong việc tiêu diệt virus", ông Nicholls nói.

Trang Deutsche Welle cũng trích dẫn lời chuyên gia Thomas Pietschmann, một nhà virus học từ Trung tâm nghiên cứu nhiễm trùng lâm sàng và thí nghiệm của Đức. Vị chuyên gia này khẳng định virus corona "không chịu được nhiệt độ cao, nó có khả năng bị phá hủy ở môi trường nhiệt độ cao".

Theo cơ quan dự báo thời tiết AccuWeather, mùa xuân tại Mỹ bắt đầu vào ngày 19/3, khi đó thời tiết sẽ ấm hơn. Còn trang  Climate-Data.org dự đoán, nhiệt độ ở thủ đô Rome của Italy  sẽ tăng lên 16-17 độ C vào ngày 20/3. Tại Iran,  mùa xuân thường bắt đầu vào khoảng ngày 20/3.

Virus SARS –CoV-2 có thể gây dịch kể cả ở những nước có khí hậu ấm

Mặc dù các chuyên gia y tế đều thống nhất thời tiết ấm dần là yếu tố ngăn chặn sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên virus SARS-CoV-2 vẫn có thể gây dịch ở một quốc gia, khu vực. Bởi nó phụ thuộc vào  phản ứng của mỗi quốc gia với dịch bệnh, phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của mỗi nước và cả  việc quốc gia đó ứng phó với dịch thế nào, thái độ của người dân với dịch bệnh ra sao…..

Nếu chỉ dựa vào yếu tố thời tiết mà không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và các giao thức y tế khác sẽ dẫn đến những rủi ro cho về sức khỏe của người dân ở quốc gia đó.

Theo một nghiên cứu tại Đức được công bố trên tạp chí Nhiễm trùng bệnh viện, ngay cả khi thời tiết ấm lên ở  Bắc bán cầu, coronavirus vẫn có thể tồn tại nhiều ngày ở nhiệt độ lên tới 25 độ C.

Nghiên cứu cho thấy, một virus corona  có thể tồn tại trong 5 ngày ở nhiệt độ 21 độ C trên bề mặt gốm hoặc thép. So với hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) có thể tồn tại trên bề mặt nhựa trong hơn 5 ngày ở nhiệt độ 22 -  25 độ C.

Một đám cưới ở Hồng Kông trong mùa dịch COVID-19

Nhiệt độ  có thể vô hiệu hóa virus nhanh hơn nếu ở trên bề mặt, nhưng nó không ảnh hưởng đến việc lan truyền virus từ  người sang người qua giọt bắn, khi người  bệnh ho hoặc hắt hơi, Tiến sĩ Edsel Maurice Salvana, Giám đốc Viện Sinh học Phân tử và Công nghệ Sinh học tại Đại học Philippines  cho biết.

Độ ẩm cao làm giảm khả năng truyền bệnh của virus?

Tiến sĩ Abdul Ghafur, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm có trụ sở tại thành phố Chennai của Ấn Độ, cho biết nếu so tỷ lệ dân số Ấn Độ với khoảng hơn 100 người mắc bệnh  ở nước này thì "không phải là một con số lớn". Nhiệt độ và độ ẩm ở Ấn Độ có khả năng làm giảm sự lan truyền của dịch bệnh, Tiến sĩ Abdul Ghafur nói.

Tại châu Âu và ở Mỹ, nơi có khí hậu lạnh và khô, là điều kiện lý tưởng  khiến virus sinh sôi và tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài. Ở Iran, nơi có nhiệt độ trung bình khoảng 0 đến 10 độ C trong thời gian này của năm, Iran đã ghi nhận khoảng 15.000 trường hợp mắc bệnh và 850 trường hợp tử vong. Tuy nhiên năng lực của hệ thống y tế Iran sẽ khiến nước này không thể ngăn chặn được sự bùng phát của dịch bệnh.

Vệ sinh cá nhân - cách phòng dịch bệnh COVID-19 hiệu quả nhất

Vệ sinh cá nhân-  cách phòng bệnh đúng

Tiến sĩ Michael Chi Wai Chan, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hồng Kông, lưu ý hoạt động của virus  có thể chậm hơn ở nhiệt độ cao, nhưng thực tế cho thấy ở các quốc gia có nhiệt độ quanh năm nắng nóng như  Indonesia, Philippines, hoặc  Ấn Độ, vẫn xuất hiện hàng chục  ca bệnh. Đó là do khi xuất hiện ca bệnh, việc  lây truyền bệnh qua giọt bắn trong môi trường tiếp xúc gần vẫn có khả năng xảy ra.

Nên TS Chan cho rằng, điều quan trọng hơn cả là các cá nhân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân đúng cách, "điều này thực sự là nguy cơ lớn nhất dẫn đến khả năng lây nhiễm bệnh".

TS Chan, cũng là người đã nghiên cứu dịch SARS năm 2004 cho rằng, so với Italy – nơi có hơn chục nghìn người nhiễm bệnh, hơn 800 người tử vong thì  Hồng Kông dù ngay gần Trung Quốc đại lục,  đã ngăn chặn sự lây lan của COVID-19  tương đối hiệu quả với hơn 160 ca nhiễm bệnh và 4 người tử vong.

Bên cạnh thời tiết ở Hồng Kông nóng hơn, TS Chan cho rằng, nguyên nhân của việc phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn là do  người dân Hồng Kông có ý thức đeo khẩu trang nhiều hơn ở Italy.

TS Chan cho biết tình hình ở Italy  bây giờ là "khá tồi tệ", tuy nhiên dịch bệnh ở Mỹ mới  rất đáng  lo.


Hải Yến
Ý kiến của bạn