Thói thực dụng hủy hoại văn hóa

17-10-2008 10:12 | Văn hóa – Giải trí
google news

Từ khi đất nước bước vào thời kinh tế thị trường đổi mới và hội nhập, các di tích lịch sử văn hóa luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại do quá trình phát triển đô thị hóa và việc triển khai các dự án kinh tế đủ các loại hình.

Từ khi đất nước bước vào thời kinh tế thị trường đổi mới và hội nhập, các di tích lịch sử văn hóa luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại do quá trình phát triển đô thị hóa và việc triển khai các dự án kinh tế đủ các loại hình. Chỉ riêng ở nội thành Hà Nội đã có hàng trăm di tích lịch sử văn hóa bị xâm hại. Căn nguyên sâu xa của thực trạng này là thói thực dụng kinh tế ngày càng phát triển, làm xáo trộn các bậc thang giá trị và đảo lộn các tiêu chuẩn hành vi trong nền tảng văn hóa truyền thống. Cần một giải pháp chiến lược để bảo vệ các giá trị văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển tương lai.

Sự xâm hại di tích ngày càng trầm trọng

Dự án xây khách sạn Hà Nội Vàng, dự án xây nhà máy chế biến rác thải cạnh chùa Hương, dự án xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, dự án xây Trung tâm Tài chính Thương mại Điện lực "đè bẹp" Hồ Gươm... đã bị các cơ quan quản lý văn hóa và báo chí lên tiếng mạnh mẽ kịp thời ngăn chặn lại. Nhưng không ít các di tích vẫn tiếp tục bị xâm hại nghiêm trọng do các địa phương và các cơ quan cố tình phớt lờ ý kiến của công luận và các cơ quan quản lý về văn hóa.

 Giếng Ngọc bị ô nhiễm.
 
Giếng Ngọc thuộc di lích lịch sử Đình làng Kim Liên, một quần thể di lích nằm trong Thăng Long Tứ trấn được xây dựng từ thời vua Lý Công Uẩn. Giếng Ngọc được coi là viên ngọc của đầu rồng. Ngày xưa giếng rộng, nước trong vắt, cung cấp nước ăn hàng ngày cho dân làng và cung cấp nước thiêng cho khách thập phương về xin nước những ngày đại lễ. Thế nhưng, hiện nay giếng Ngọc đã bị bốc mùi hôi thối do các hộ dân quanh khu vực này đua nhau lấn chiếm, xả rác, phân và nước thải xuống giếng từ nhiều năm nay. Từ năm 2007, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án trùng tu di tích lịch sử văn hóa trong đó có giếng Ngọc, trị giá 21,3 tỷ đồng. Nhưng trong lúc dự án chưa triển khai, giếng Ngọc vẫn tiếp tục bị xâm hại một cách "hồn nhiên", vô ý thức.

Khu di tích Làng Cả nằm thuộc tỉnh Phú Thọ là một vùng đất thiêng mà rất nhiều truyền thuyết, huyền tích và sử liệu cho rằng ngày xưa kinh đô Văn Lang đã xây dựng trên đất ấy. Năm 2005, Bảo tàng Phú Thọ và Viện Khảo cổ học VN đã tổ chức khai quật trong khu vực làng Cả và tìm ra được nhiều hiện vật giá trị, cho thấy đây là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa sầm uất từ thời Hùng Vương đến thời Bắc thuộc và thời phong kiến tự chủ. Thế nhưng, tháng 1/2006 tỉnh Phú Thọ vẫn ra quyết định cấp đất cho Công ty Miwon mở rộng diện tích nhà máy. Ngay sau đó, Cục Di sản Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) đã có công văn gửi tỉnh Phú Thọ yêu cầu lập lại hồ sơ di tích với đầy đủ phần diện tích còn lại của Làng Cả, cả phần đất đã cắt cho Công ty Miwon, với lý do đây là vùng đất thuộc di tích cần khoanh vùng bảo vệ. Nhưng tỉnh đã phớt lờ yêu cầu của Bộ Văn hóa. Đến nay, Công ty Miwon không chỉ mở rộng diện tích trên đất khu di tích, mà còn xả nước thải làm ô nhiễm sông Hồng. Trong một bài trả lời PV báo chí gần đây, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng thừa nhận rằng đây là một thất bại không thể khắc phục vì đất đã biến dạng rồi thì không còn giá trị di tích nữa. Ông cũng cho rằng để cho Miwon xẻ thịt cố đô Văn Lang là một bài học đau xót về quản lý văn hóa.

Thói thực dụng kinh tế thời đổi mới

Không ai có thể nói rằng, nếu các cơ quan quản lý văn hóa nhanh nhạy mạnh tay hơn thì những vụ xâm hại di tích lịch sử văn hóa trong tương lai sẽ không còn nữa hoặc sẽ ít đi. Bởi vì căn nguyên sâu xa của các hành động xâm hại, phá hoại này là ở ý thức văn hóa trong phạm vi toàn xã hội. Có thể nói, nền tảng văn hóa tinh thần của xã hội ta đã suy giảm nghiêm trọng trong thời đổi mới và hội nhập, dẫn đến những dự án trục lợi bằng mọi giá, bất chấp nguyên tắc, bất chấp công luận và bất chấp cả tổ tiên.

 Chùa Kim Liên biến thành chợ cóc.
 
Nhà sử học người Mỹ David S.Landes cho rằng những người Hồi giáo phương Đông và những người Cơ đốc giáo phương Tây đều chiến thắng trong hai cuộc chiếm lĩnh đỉnh cao quyền lực thống trị thế giới, nhưng cuối cùng, phương Tây phát triển hơn vì biết lấy cảm hứng từ lợi nhuận, biết sử dụng tri thức và công nghệ để tăng lợi nhuận. Ông này cũng cho rằng phương Tây đã ăn trộm tiền bạc, dùng nó để mua quyền chính trị tối cao và thương mại ở châu Á, rồi đánh đập các dân tộc có học thức hơn, sau đó lại tự ca ngợi mình là đã có công khai hoá, đem đến sự giàu có và kỹ thuật cho các dân tộc đó. Từ ý kiến của David S.Landes có thể thấy cảm hứng sống gắn liền với ý nghĩa và các giá trị tinh thần trong xã hội ta đang dần nhường chỗ cho cảm hứng sống gắn liền với lợi nhuận. Đó là căn nguyên sâu xa dẫn đến sự bành trướng ngày càng mạnh mẽ của các loại dự án bất chấp các giá trị văn hóa, tâm linh. Khi bảo vệ các dự án xâm hại di tích lịch sử văn hóa, có một luồng ý kiến đứng trên quan điểm kinh tế và thực dụng. Chẳng hạn như khi biện hộ cho dự án làm đường hầm xuyên lòng Hồ Tây bị công luận phản ứng gần đây, có ý kiến cho rằng làm đường hầm này sẽ có những thuận lợi về giao thông từ Nội Bài về Hà Nội. Chưa kể việc xây thêm, đổ hàng trăm tỷ cho một đường hầm cách cầu Thăng Long vài cây số là một suy tính khó hiểu, việc chấp nhận dễ dàng một dự án có dấu hiệu chiến tranh tâm linh như dự án này là biểu hiện nhãn quan thực dụng nông cạn của những người ủng hộ nó.

Đem những lợi ích kinh tế thực dụng cục bộ của một địa phương, một tổ chức, một thời kỳ để phớt lờ hay chà đạp lên những giá trị tâm linh văn hóa thiêng liêng mà tổ tiên đã đổ máu để xây dựng và bảo vệ, truyền lại cho ngàn đời con cháu, đó là dấu hiệu biến thái văn hóa thấy rõ nhất trong những năm gần đây. Vì thế, vấn đề của ngành văn hóa không phải chỉ là chạy theo ngăn chặn các dự án xâm hại di sản văn hóa của dân tộc theo kiểu "cố đấm ăn xôi" hay theo lối “lấy thịt đè người”, mà phải có những giải pháp chiến lược xây dựng lại nền tảng văn hóa tinh thần của xã hội. Các nước Á đông như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là những nước rất phát triển, nhưng họ không học theo văn hóa phương Tây một cách nhẹ dạ và mù quáng. Chính vì vậy, họ nuôi dưỡng được niềm tự hào dân tộc, một nguồn nội lực lớn để thúc đẩy dân tộc họ ngày càng phát triển. Chúng ta đang hồ hởi bước vào kỷ nguyên đổi mới và hội nhập, không tránh khỏi có những điều ngây thơ dại dột dẫn đến việc bán rẻ các giá trị văn hóa, các nguồn lực tinh thần tích tụ hàng ngàn đời để hy vọng có những nguồn lợi nhỏ trước mắt. Nhưng chúng ta cần sớm tỉnh ngộ, học các bài học kiên định văn hóa của các nước này để tránh những hành vi liều lĩnh hay thiển cận gây thiệt thòi lớn cho các thế hệ con cháu mai sau.

KTS. Trần Cương


Ý kiến của bạn