"Hàng hot" mất giá
Trái với mong đợi của các chuyên gia, chỉ số HNX30 (tốp 30 mã hàng đầu tại sàn chứng khoán Hà Nội) đã mở hàng hôm 9/7 với diễn biến khá thê thảm. Chốt phiên, không có mã nào trong rổ này tăng giá. Trong số 29 mã giảm có 9 mã giảm sàn như PVL, TH1... (SCR dư bán gần 400 nghìn đơn vị giá sàn). Khá nhiều mã không hoặc gần như không có giao dịch như NTP, QNC, SDU...
Một số mã thuộc danh sách "tuyển chọn" nói trên hiện đang có giá ngang ngửa với 1 mớ rau như IDJ (4.100 đồng/cp vào ngày 9/7), PFL (4.400 đồng/cp), DCS (4.700 đồng/cp), PVL (4.900 đồng/cp).
Trong khi đó, rất nhiều mã khác thuộc HNX30 hiện đang có giá dưới 10.000 đồng/cp như: SDH (5.400 đồng), QNC (7.200 đồng), SHB (8.100 đồng), SD9 (8.500 đồng), ICG (8.900 đồng), SCR (9.000 đồng), KLS (9.100 đồng), PVX (9.000 đồng), VND (9.200 đồng), HUT (9.700 đồng).
Đó là các mã được xét chọn dựa trên các tiêu chí như thanh khoản cao, quy mô lớn, hoạt động tốt hàng đầu trên sàn Hà Nội...Nếu xét hàng "lởm" hơn thì trên sàn chứng khoán Hà Nội có rất nhiều mã có giá khéo không bằng 1 lần gửi xe máy hay một cốc trà đá như: AME (2.600 đồng/cp), APS (3.200 đồng), AVS (3.400 đồng), CIC (3.200 đồng), HHG (2.900 đồng), HHL (2.300 đồng), HST (3.100 đồng), KSD (2.700 đồng), KTT (2.800 đồng), LM3 (3.100 đồng), MCL (2.300 đồng), MCO (3.300 đồng), NVC (2.200 đồng), PCT (2.900 đồng), PSG (2.400 đồng), S27 (2.600 đồng), SDY (2.800 đồng), SHN (1.900 đồng), THV (1.800 đồng), TLC (2.400 đồng), V11 (2.000 đồng)...
Trên sàn TP.HCM, tình hình bi đát không kém. Nhiều cổ phiếu giảm sàn 4-5 phiên liên tiếp. Nhiều mã hiện có giá đã giảm trở lại xuống dưới 5.000 đồng/cp như: DCT (4.700 đồng), ASP (4.900 đồng), CIG (3.700 đồng), CMX (4.100 đồng), CYC (2.400 đồng), DDM (2.900 đồng), DRH (3.700 đồng), HLA (4.200 đồng), HT1 (4.300 đồng), KMR (3.900 đồng), MTG (3.700 đồng), NVT (4.200 đồng), SBS (3.300 đồng), VOS (3.300 đồng), VSG (1.500 đồng)...
Tính chung trên thị trường, tính từ khoảng giữa tháng 5 cho tới phiên giao dịch 9/7, các chỉ số VN-Index và HNX-Index đều giảm gần 20% (VN-Index từ 490 về 408, HNX từ gần 84 điểm về 68) về mức cuối tháng 2/2012 và chỉ cần nửa nhịp giảm như thời gian qua là về mức đáy cuối năm 2011.
Mặc dù giá giảm mạnh như vậy nhưng sức cầu có dấu hiệu ngày càng yếu đi. Trong phiên giao dịch sáng ngày 10/7, cả 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index tiếp tục đi xuống. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn chưa được 400 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 30-40% so với thời kỳ sôi động cách đây 2-3 tháng.
Tâm lý bi quan: Mọi tin tốt đều vô nghĩa
Đa phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ tỏ ra thất vọng não nề với sự thiếu sức sống của TTCK thời điểm hiện nay.
"Vái lạy với cái thị trường này. Thanh khoản cạn kiệt. Toàn nhỏ lẻ lùa nhau. Không có tín hiệu nào cho thấy tay to vào thị trường. Có lẽ vì họ chả dại gì. Vĩ mô không hề tích cực tí nào như một số chuyên gia nói, mà thực tế là đang rất xấu. Thị trường không thể hồi quá T 3. Đa số những ai lãi trong vài tháng đầu năm mà tiếp tục theo thị trường trong đợt giảm vừa qua đều mất hết lãi, thậm chí nhiều người lỗ nặng", 1 nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết.
Theo một số nhà đầu tư cá nhân có kinh nghiệm chứng trường lâu năm, các mã lớn dẫn dắt thị trường đều đang phát ra những tín hiệu kỹ thuật không mấy sáng sủa.
"MSN, VIC, VNM, BVH có đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước. Bộ tứ siêu đẳng này luôn là chỉ báo rõ và chính xác nhất cho sức khỏe VNI. Thật khó dám dự báo gì cho thị trường này", một nhà đầu tư chia sẻ.
Hiện nay, thông tin về nợ xấu của khối ngân hàng khá rối rắm. Có con số cho biết tỷ lệ nợ tới cuối tháng 4/2012 là hơn 4%, tương đương khoảng gần 110.000 tỷ đồng. Gần đây, con số 10% (do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo trước Quốc hội vào thời điểm cuối tháng 6/2012) làm nhiều người giật mình. Nếu với tỷ lệ này thì tổng nợ xấu gấp gần 2,5 lần so với con số trước đó. Nó khá gần với đánh giá của một số tổ chức quốc tế như Fitch (phân loại theo chuẩn kế toán quốc tế) và đang gây ra sự lo ngại rất lớn đối với giới đầu tư.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư không chỉ quan tâm tới các vấn đề kinh tế đơn thuần (trong đó có một số chỉ báo như lạm phát đang tiến triển theo hướng tích cực) mà họ còn quan tâm tới nhiều vấn đề khác, trong đó có sự ổn định ở khu vực Biển Đông.
Nhiều người có tiền cũng tính tới phương án mua bắt đáy đối với những mã có cơ bản. Tuy nhiên, dường như sự thiếu sức sống của TTCK, hay nói cách khác là tính thanh khoản đang suy giảm nghiêm trọng, đang ảnh hưởng tới các quyết định xuống tiền của họ.
Nhiều người lo ngại TTCK còn trầm lắng lâu dài khi mà ngân hàng đang bị giám sát chặt chẽ hơn tình hình bơm tiền vào các CTCK; các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phải đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành; khối ngoại đang thoái vốn khá mạnh...
Ở chiều ngược lại, cũng có một số nhà đầu tư cho rằng, thời điểm bi quan nhất là thời điểm có thể mua vào cổ phiếu. Theo họ, giá nhiều cổ phiếu đã hấp dẫn trở lại và không cần suy nghĩ nhiều, bỏ tiền vào các mã cơ bản tốt và chờ là sẽ chắc thắng.
Một trong những lý do được đưa ra cổ vũ cho xu hướng đi lên là khả năng bị đánh xuống.
"Thời gian qua, TTCK đón khá nhiều tin tốt. Tuy nhiên vẫn bị nói xấu và đánh xuống. Tới đây các doanh nghiệp ra báo cáo quý II (dự báo không xấu), khi đó thị trường sẽ tự khắc đi lên. Những đội short-sell sẽ phải mua lại hàng gấp. Thị trường theo đó sẽ tăng lên mạnh mẽ", ông Tâm - một nhà đầu tư dự báo.
Một số chuyên gia chia sẻ tại hội thảo "Giải cứu doanh nghiệp và cơ hội đầu tư trên TTCK" tuần qua cũng nhận định, kinh tế Việt Nam đã qua thời điểm khó khăn nhất khi các chỉ số đang tốt lên như định mức tín nhiệm, tăng trưởng kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp, mức bán lẻ, nhập khẩu và tồn kho giảm... Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng, TTCK sẽ sớm trở lại mức đỉnh của tháng 4 vừa qua, và đây là cơ hội đầu tư theo danh mục của các quỹ đầu tư...
Còn theo chuyên gia Lê Đăng Doanh, sẽ rất mạo hiểm nếu sử dụng TTCK để đánh giá sức khỏe một nền kinh tế bởi đó là một tấm gương phóng đại chứ không phải là một tấm gương trung thực chính xác. Chứng khoán còn phụ thuộc vào yếu tố tâm lý. Hơn thế, TTCK Việt Nam còn non trẻ, khung pháp lý chưa được hoàn thiện, mức độ công khai minh bạch còn thấp, năng lực giám sát của các cơ quan quản lý còn hạn chế. Vì vậy, thay vì TTCK là một kênh đầu tư dài hạn thì TTCK ở Việt Namcòn nhiều bất ổn. TTCK rất cần một quá trình cải cách và tái cơ cấu để có thể đáp ứng yêu cầu đầu tư dài hạn của nền kinh tế trong tương lai.
Theo Mạnh Hà (VEF)