Lịch sử ghi nhận không ít nhà văn nổi tiếng thế giới không chỉ qua những sáng tác để đời, mà cả thói quen thật sự kỳ lạ, đến mức khó tin. Dưới đây là vài trường hợp điển hình.
1. John Cheever
Nhà văn Mỹ John Cheever sinh năm 1912, qua đời năm 1982 là một trong những cây bút vĩ đại nhất thế kỷ XX về mảng truyện ngắn.
Quán quân truyện ngắn Mỹ bắt đầu một ngày, như đa số thường dân - thức dậy, mặc quần áo và đi làm. Nhà văn tụt thang máy chui xuống tầng hầm tòa nhà nơi ông sống, nhưng khác mọi người - nhà văn... cởi quần áo và ngồi vào bàn viết trong bộ đồ lót!
2. Gertrude Stein (1874 -1946)
Là công dân, nhà văn Mỹ, tuy nhiên bà Gertrude Stein sống chủ yếu ở Pháp. Trong suốt cuộc đời bà kết bạn với những người nổi tiếng và tiên phong trong thế giới nghệ thuật và văn học.
Nữ văn sĩ yêu người cùng giới đặc biệt thích làm việc trên ghế dành cho hành khách trong chiếc xe hơi của mình. Khi nữ đối tác của bà, người đẹp Alice Toklas đánh xe ra phố đi chợ, Stein thường tháp tùng nàng, ngồi viết trên xe.
3. Oscar Wilde (1854-1900)
Là nhà văn nổi tiếng Ireland. Ngay thời còn là sinh viên đại học, Oscar Wilde đã nổi tiếng là một học giả xuất sắc kiêm nhà thơ đầy hứa hẹn. Wilde được biết đến như một nhà mỹ học nổi bật, ông còn là người đầu tiên thuyết giảng về phong trào nghệ thuật vị nghệ thuật. Nhà văn còn nổi tiếng về tài tranh luận và phong cách ăn mặc lịch lãm.
Ngay thời học đại học, Wilde đã nổi tiếng lập dị. Dạo bộ quanh khuôn viên Đại học Oxford, tay dắt con… tôm hùm là thú vui đặc biệt của văn sĩ! Phòng ở tại ký túc xá của nghệ sĩ dị thường được trang trí bằng hàng trăm bông hoa hướng dương, lông công và đồ sành sứ màu xanh da trời.
4. Virginia Woolf (1882-1941)
Tiểu thuyết gia kiêm nhà văn tiểu luận nổi tiếng người Anh, Virginia Woolf được xếp trong nhóm những nhân vật văn học hiện đại lừng danh nhất thế kỷ XX. Trong các sáng tác của bà, tác phẩm luận văn Một căn phòng riêng (A Room of One’s Own, 1929) có câu châm ngôn rất nổi tiếng: “A woman must have money and a room of her own if she is to write fiction” (Một người phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng nếu cô ta phải viết tiểu thuyết).
Virginia Woolf đặc biệt ngưỡng mộ màu tím. Phần lớn cuốn tiểu thuyết Mrs Dalloway - một trong những cuốn sách văn học tiêu biểu đầu thế kỷ XX (được đánh giá là một trong 100 cuốn tiểu thuyết nên đọc trong đời) được Woolf viết bằng chính thứ mực màu tím.
Oscar Wilde nhà văn nổi tiếng Ireland với thú vui dạo bộ với... tôm hùm.
5. Friedrich Schiller (1759-1805)
Thi sĩ kiêm nhà soạn kịch nổi tiếng được mệnh danh là “Shakespeare của Đức” Friedrich Schiller được gia đình hướng nghiệp học ngành y, làm bác sĩ, song cuộc đời ông lại gắn với đam mê làm thơ tình và viết kịch bản sân khấu. Những sáng tác có tiếng vang lớn của Schiller trong văn học thế giới là hai vở kịch Những tên cướp (1781), Âm mưu và Ái tình (1784).
Nhà thơ lãng mạn Đức thường viết thâu đêm. Để tránh ngủ gật, Schiller ngâm hai chân vào xô nước băng giá. Đó không phải là mẹo dị thường duy nhất của văn sĩ - trong ngăn kéo bàn viết của ông lúc nào cũng có ít nhất một quả táo đã... ủng thối bốc mùi - hương vị kích thích khả năng sáng tác của Schiller.
6. Aleksander Dumas (1802-1870)
Trong giới văn hào Pháp thành danh hồi thế kỷ XIX, Alexandre Dumas không phải là nhà văn lớn nhất, song ông lại là nhân vật có tác phẩm được công chúng tìm đọc nhiều nhất. Dumas viết nhiều, viết khỏe, viết đủ loại, trong đó, chỉ với mấy tác phẩm kiểu như Ba người lính ngự lâm, Hoàng hậu Margot, Bá tước Monte Cristo đã đủ để tên tuổi ông vĩnh viễn ở lại trong ký ức độc giả...
Dumas nghiêm túc thực hiện nguyên tắc đánh dấu bằng màu sắc các thể loại sáng tác văn học do bản thân đề ra. Ông viết tiểu thuyết chỉ trên giấy màu xanh da trời, các bài tiểu luận - trên giấy màu hồng và làm thơ trên giấy màu vàng.
7. Demosthenes (384–322 trước Công nguyên)
Demosthenes là chính khách kiêm nhà hùng biện xuất chúng người Athena thời Hy Lạp cổ đại. Các bài hùng biện của ông đã trở thành dẫn chứng nổi bật về sức mạnh trí tuệ của người Athena đương thời và cung cấp một cái nhìn sâu sắc về nền chính trị và văn hóa của Hy Lạp cổ đại trong thế kỷ 4 tr.C.N. Demosthenes có bài diễn thuyết tranh tụng đầu tiên vào năm 20 tuổi, trong đó ông đã biện luận thành công để thu hồi tài sản thừa kế từ những người giám hộ.
Nhà hùng biện huyền thoại Hy Lạp thường phải tự buộc mình phải làm việc. Để tránh mọi cám dỗ và không ra khỏi nhà trong thời gian cần lao động, ngồi vào bàn viết, Demosthenes tự cạo trọc nửa đầu. Mái tóc quái đản khiến cho khổ chủ không thể bước chân ra khỏi nhà và nhờ đó có thể tập trung hoàn thành công việc.
8. Honoré de Balzac (1799-1850)
Nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ XIX, Honore de Balzac được giới phê bình văn học thế giới tôn vinh như bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực.
Honore de Balzac nổi tiếng là một trong số những nhà văn cần cù nhất mọi thời đại. Balzac thường thức dậy vào lúc 1 giờ sáng và viết liên tục suốt 7 tiếng; ngả lưng ngủ giấc ngắn, dậy lúc 9 giờ 30; tiếp theo nhà văn dạo bộ, thăm viếng bạn bè và đi ngủ quãng 18 giờ. Để duy trì đầu óc tỉnh táo, Balzac ham làm việc uống trên dưới 50 ly cà phê/ngày!
9. Jerome David “J.D.” Salinger (1919 - 2010)
Nhà văn Mỹ Salinger nổi tiếng với tiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh (tiếng Anh The Catcher in the Rye, xuất bản năm 1951) cũng như bởi cá tính khép kín của mình. Từ năm 1965, ông không xuất bản bất cứ tác phẩm nào, cũng không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông từ năm 1980.
Bữa sáng Salinger “tự giấu mình” chỉ ăn món khoái khẩu: hạt đậu Hà Lan ướp lạnh. Nhà văn tin rằng, việc nấu nướng sẽ loại bỏ mọi giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Tác giả thiểu thuyết Bắt trẻ đồng xanh nổi tiếng cũng có thói quen uống nước... tiểu của mình!
(Nguồn: Ekscentryczne zwyczaje znanych pisarzy)