Thói quen gây hại khi ăn dứa cần loại bỏ

20-05-2015 13:39 | Đời sống
google news

Nếu không sử dụng dứa một cách khoa học, hợp lý và đúng lượng cần thiết hàng ngày, dứa cũng sẽ là loại thực phẩm gây nguy hiểm đối với sức khỏe của bạn.

Men dứa giúp dạ dày phân giải protein, làm thức ăn dễ tiêu. Sau khi ăn nhiều thịt, mỡ, ăn dứa rất có lợi. Ngoài ra, chất đường, muối và men trong dứa còn có tác dụng lợi tiểu, chữa viêm thận, cao huyết áp, phù thũng. Đối với bệnh viêm phế quản, ho, nó cũng có tác dụng điều trị hỗ trợ.

Men dứa giúp dạ dày phân giải protein, làm thức ăn dễ tiêu.

Nhưng nếu không sử dụng dứa một cách khoa học, hợp lý và đúng lượng cần thiết hàng ngày, dứa cũng sẽ là loại thực phẩm gây nguy hiểm đối với sức khỏe của bạn.

Không ăn dứa bị dập, nát

Dứa là loại cây bụi mọc sát mặt đất, vỏ lại xù xì nên quả dứa là nơi cư trú của nấm. Khi dứa bị dập nát, dịch bào thấm ra, nấm sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi cho nấm xâm nhập sâu vào trong quả dứa, gây ngộ độc cho người ăn.

Thực tế, có không ít người bị ngộ độc, nặng là tử vong vì ngộ độc dứa. Các triệu chứng ngộ độc thường thấy là mệt mỏi, khó chịu, ngứa ngáy, nổi mề đay… Để đề phòng tai biến, nên ăn dứa tươi, còn nguyên, không dập nát.

Tránh ăn dứa xanh

Ăn dứa chưa chín hoặc uống nước ép dứa chưa chín rất nguy hiểm. Lúc này, dứa vô cùng độc hại, rất dễ gây tiêu chảy nặng và nôn mửa. Ăn quá nhiều lõi dứa có thể khiến cho những búi chất xơ hình thành trong đường ruột.

Tránh ăn dứa khi đói

Dứa là trái cây nhiều nước, mát, rất thích hợp trong mùa hè. Tuy nhiên, ăn dứa khi đói sẽ khiến cơ thể bị nôn nao, khó chịu. Nguyên nhân là do các chất hữu cơ và bromelin có trong dứa tác động mạnh vào niêm mạc dạ dày, ruột.

Cách ăn dứa an toàn

- Chọn mua dứa tươi và lành lặn, không bị dập nát.

- Gọt bỏ hết vỏ và mắt dứa.

- Nếu ăn dứa trực tiếp (ăn sống) thì cần cắt nhỏ miếng dứa rồi ngâm vào nước muối nhạt chừng 10 phút để loại bỏ nấm độc đồng thời ức chế enzym phân giải protein khiến người ăn không bị rát lưỡi.

- Đối với người có cơ địa mẫn cảm, hay bị dị ứng và trẻ em nên ăn dứa đã xào, nấu vì khi xào nấu dưới tác động của nhiệt khả năng gây dị ứng của dứa không còn nữa.

- Không nên ăn dứa khi đói vì các acid hữu cơ của dứa và bromelin tác động mạnh vào dạ dày, ruột, gây nôn nao khó chịu.

- Người có bệnh chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu (chảy máu cam, sốt xuất huyết, vết thương lớn, phụ nữ băng huyết…) không nên ăn dứa.

Thu Nguyễn (Tổng hợp)

 


Ý kiến của bạn