Về vấn đề này, ThS.BS Thân Văn Thịnh - Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, ăn thịt nướng, dưa muối, cà muối được chứng minh là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư, bởi lẽ rất nhiều chất trong quá trình nướng thức ăn được phân hủy. Một số chất trong dưa muối, đặc biệt là dưa cải muối (như kim chi) thì các chất bị chuyển hóa, trong đó có nitrosamin chuyển hóa và ảnh hưởng đến dạ dày, nguy cơ cao gây ung thư dạ dày.
"Điều này cũng phù hợp với thống kê cho thấy, Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 nước có tỉ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Chúng ta thấy nó có liên quan mật thiết đến tập tục ăn uống như vậy, tuy nhiên nó là cả quá trình kéo dài chứ không phải chỉ ăn một hai bữa thịt nướng, dưa cà muối là có thể gây ung thư được"- BS. Thịnh cho hay.
Ngoài ra, cũng theo BS. Thịnh, các nhà khoa học cũng đã chứng minh được trong các đồ muối như thịt muối, cá muối có virus gây ung thư vòm rất cao. Do đó thường thấy, ở những nơi có tập tục ăn đồ muối, mắm cáy, mắm cua là nơi có tỉ lệ mắc ung thư vòm cao.
Không nên thường xuyên ăn các thức ăn nướng, dưa cà muối vì không tốt cho dạ dày. Ảnh minh họa.
Thực tế quá trình điều trị, các bác sĩ gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân ăn uống kiêng khem, thậm chí không ăn vì nghĩ rằng thức ăn sẽ nuôi dưỡng tế bào ung thư phát triển. BS. Thịnh khẳng định đây là quan niệm sai lầm, bệnh nhân không ăn sẽ suy kiệt, gầy sút không thể đủ sức chiến đấu với bệnh tật.
"Chúng tôi thường khuyên bệnh nhân là người thường ăn được gì, bệnh nhân ung thư ăn được cái đó, quan trọng là đảm bảo đủ dinh dưỡng để bệnh nhân sống được, khỏe mạnh. Thậm chí bệnh nhân phải ăn nhiều hơn bình thường để có sức khỏe chống chọi với phác đồ hóa chất xạ trị trong quá trình điều trị.
Có bệnh nhân ung thư thiếu bạch cầu trầm trọng vì ăn kiêng, bác sĩ phải động viên rất nhiều trong ăn uống. Bởi lẽ số lượng bạch cầu trong cơ thể suy giảm một phần cũng vì chế độ ăn uống không lành mạnh, đời sống tinh thần không tốt, bị căng thẳng, stress, cùng một số nguyên nhân khác..."- BS. Thịnh nhấn mạnh.
Nâng cao thể trạng cho bệnh nhân ung thư
Theo ThS.BS Thân Văn Thịnh, việc khám sớm, tầm soát sớm ung thư là cực kỳ quan trọng, nó đem lại hiệu quả vô cùng lớn trong quá trình điều trị, và là điều kiện quan trọng để có thể chữa khỏi ung thư cho bệnh nhân. Đây là vấn đề cấp thiết hiện nay với tất cả người dân chúng ta.
Theo công bố mới nhất của WHO, số ca mắc mới ung thư của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 165.000 ca và đang có xu hướng tăng ở các năm tới. Việc điều trị ung thư hiện nay vẫn sử dụng 3 phương pháp chính là hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Đây được xem là 3 “hòn đá tảng” trong điều trị ung bướu hiện nay bởi tác dụng diệt ung thư mạnh cũng như triệt để.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất khiến nhiều bệnh nhân khó theo hết phác đồ điều trị là tác dụng phụ nặng nề do hóa xạ trị gây ra. Việc giảm nhẹ độc tính hóa xạ trị, nâng cao thể trạng, hỗ trợ trong điều trị ung bướu đang là vấn đề trọng tâm được đặt ra bên cạnh các phương pháp điều trị chính.
GS.TS Đào Văn Phan chia sẻ về ứng dụng hoạt chất mới trong hỗ trợ điều trị ung bướu.
Nhằm giảm thiểu những gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra, ngày 30/7, tại Đại học Y Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng hoạt chất mới: Resveratrol trong hỗ trợ quá trình điều trị ung bướu”. Các nhà khoa học cho biết, đây là một thành phần quý được chiết xuất nhiều từ vỏ nho tím và đã được rất nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh khả năng chống viêm, ức chế tạo mạch máu mới nuôi khối u và cũng là chất chống oxy hóa mạnh.
Theo TS. Hà Phương Thư - Trưởng phòng Vật liệu Nano Y sinh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: "Thành công này mới chỉ là bước đầu trong hành trình nghiên cứu của chúng tôi. Với vai trò là nhà khoa học, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình vì người bệnh, cố gắng cập nhật và ứng dụng những công nghệ mới để tạo ra những sản phẩm tốt hơn cho bệnh nhân ung bướu”.
Hy vọng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ sẽ ngày càng có nhiều các công trình nghiên cứu khoa học thiết thực sẽ được đưa vào thực tiễn, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bệnh nhân ung bướu ở Việt Nam.