Hà Nội

Thổi phồng công dụng của thực phẩm gây hiểu nhầm như thuốc: Lần xử phạt nào cũng có

20-03-2019 09:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ngày 19/3, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho biết đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 180.000.000 đồng.

Cùng với xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc các cơ sở thu hồi và tiêu hủy các lô sản phẩm vi phạm, tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin theo quy định.

Đủ các kiểu vi phạm về quảng cáo thực phẩm

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, từ ngày 1/2/2019 -18/3/2019, qua thanh tra giám sát, Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện, xử lý sai phạm của 5 công ty kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng.

Cụ thể, Công ty cổ phần dược liệu Phương Đông (ngách 69B/33 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên Gutmetaherb trên website: duoclieuphuongdong.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Với hành vi này, Công ty cổ phần dược liệu Phương Đông bị phạt số tiền 50.000.000 đồng.

Công ty TNHH DUTUNO & HAVA (Số 34 Lương Ngọc Quyến, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội) đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe Giảm cân Bona trên website https://giamcanbona.com gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Công ty bị phạt 50.000.000đ cho hành vi này.

Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sản xuất thực phẩm chức năng Học viện Quân y (số 158A đường Phùng Hưng, phường Phúc La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội) đã sản xuất, bán ra thị trường 3 lô sản phẩm thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Cốm dạ dày Ami Progast (số lô: 010518, NSX 23/05/18, HSD: 5/2021); trà giảm béo Slimutea (số lô: 010118, NSX 3/1/18, HSD: 1/2021) và Trà tam thất xạ đen (số lô: 010618, NSX 12/6/2018, HSD: 6/2021) không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm. Với các vi phạm này, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sản xuất thực phẩm chức năng Học viện Quân y bị phạt 30.000.000.

Công ty Cổ phần Thương mại và Dược phẩm Hưng Việt (số 46 lô M2 khu đô thị mới Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nacubest trên website: http://hungvietpharma.vn, nội dung quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định và bị xử phạt số tiền 25.000.000 triệu đồng.

Công ty TNHH Nubest (số 13 đường số 7, phường Tây Thạnh, quận Tân phú, TP. Hồ Chí Minh) đã có hành vi quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Nubest tall trên website http://www.nubesttall.com và http://tvbuy.vn nội dung quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định, bị phạt 25.000.000 triệu đồng.

Thanh tra Bộ Y tế đang kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng

Thanh tra Bộ Y tế đang kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng

Quảng cáo “lập lờ đánh lận con đen” - có thể gây ra hậu quả khôn lường cho người sử dụng

Trong số 5 cơ sở bị xử phạt trên có hai cơ sở bị xử phạt vì đã quảng cáo thổi phồng sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh - một hành vi bị cấm đối với quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, hành vi như thế này không phải là hiếm vì trong các đợt công bố xử phạt hành chính của Cục An toàn thực phẩm, không lần nào không có danh sách các cơ sở vi phạm.

PGS.TS.  Nguyễn Thanh Phong cho hay hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh luôn xử phạt rất nghiêm. Bởi thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe nên tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người. Trong khi đó, nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn muốn quảng cáo quá lên công dụng để thu hút người dùng.

Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp “lập lờ đánh lận con đen” như vậy, có thể gây ra hậu quả khôn lường. Không ít người bệnh vì tin lời quảng cáo, đã bỏ khá nhiều tiền ra mua thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để trị bệnh, bỏ lỡ quá trình điều trị, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.

“Tôi kêu gọi người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có quảng cáo dưới các hình thức như: dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo, sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo. Bởi với những hành vi quảng cáo này, chưa cần kiểm tra đã cho thấy quảng cáo không đúng quy định. Trong khi cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý, người tiêu dùng kiên quyết không mua sản phẩm quảng cáo như vậy” -  Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nói.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn