Cơ quan chức năng vừa xử phạt hai doanh nghiệp buôn bán thực phẩm chức năng (TPCN), trong đó điểm chung sai phạm của cả hai đơn vị là thổi phồng chất lượng của sản phẩm. Trên thực tế, theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất TPCN cố tình thổi phồng chất lượng của sản phẩm TPCN không phải là hiếm, mặc dù cơ quan chức năng đã thường xuyên xử phạt, công bố rộng rãi tên đơn vị sai phạm...
Quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế ngày 10/3 cho biết, Thanh tra Bộ Y tế vừa xử phạt 2 công ty vi phạm quy định về ATTP 360 triệu đồng. Đó là Công ty TNHH SSBio Pharma Vina (ở số 81B Phạm Ngọc Thạch, phường Lộc Hạ, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) với 4 hành vi vi phạm: Nhập khẩu TPCN Dung dịch Sâm Hàn Quốc (Ginsenoside 1mg/g) - Korea red Gingseng Extract Royal có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố; Bán TPCN Dung dịch Sâm Hàn Quốc (Ginsenoside 1mg/g) - Korea red Gingseng Extract Royal (lô NSX:26/9/2014; HSD:25/9/2017) có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố; Không kiểm nghiệm định kỳ TPCN Dung dịch Sâm Hàn Quốc (Ginsenoside 1mg/g) - Korea red Gingseng Extract Royal; Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung về ngày tháng trên phiếu kết quả kiểm nghiệm TPCN Dung dịch Sâm Hàn Quốc (Ginsenoside 1mg/g) - Korea red Gingseng Extract Royal. Tổng số tiền xử phạt là 278.000.000 đồng. Cùng với hình thức phạt tiền, Thanh tra Bộ Y tế đã buộc công ty này thu hồi sản phẩm vi phạm để tái xuất hoặc tái chế, tiêu hủy.
Lực lượng chức năng kiểm tra thuốc và TPCN tại một cửa hàng.
Công ty TNHH SSBio Pharm K-V (ở 95D5 khu đấu giá 18,6ha đường Lạc Long Quân, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) với 3 hành vi vi phạm: Quảng cáo TPCN Dung dịch Sâm Hàn Quốc (Ginsenoside 1mg/g) - Korea red Gingseng Extract Royal mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Quảng cáo Dung dịch Sâm Hàn Quốc (Ginsenoside 1mg/g) - Korea red Gingseng Extract Royal gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Sửa chữa nhãn phụ TPCN Dung dịch Sâm Hàn Quốc (Ginsenoside 1mg/g) - Korea red Gingseng Extract Royal làm sai lệch thông tin về hàng hóa. Tổng số tiền xử phạt là 82.000.000 đồng.
Không “thần thánh hóa” công dụng của TPCN
Thống kê từ Cục ATTP cho thấy, trong năm 2015, Cục trưởng Cục ATTP đã ra quyết định xử phạt 261 công ty vi phạm về ATTP với tổng số tiền phạt gần 4,8 tỷ đồng, trong đó có 203 công ty vi phạm về quảng cáo bị phạt gần 3,6 tỷ đồng; thu hồi 74 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, 8 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, 2 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tạm dừng lưu thông 71 lô sản phẩm, thu hồi tiêu hủy 5 sản phẩm và 230kg sản phẩm vi phạm về chất lượng, chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng khác xử lý 15 trường hợp. “Chưa năm nào Cục ATTP phát hiện, xử lý số cơ sở sai phạm về ATTP nói chung, TPCN nói riêng nhiều đến vậy” - TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP cho biết.
Cũng liên quan đến thị trường TPCN, cách đây không lâu, tại Hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng sử dụng TPCN” do Văn phòng Ban chỉ đạo 389, Cục ATTP phối hợp tổ chức, theo Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Trần Hùng, phần lớn các mặt hàng TPCN làm giả, kém chất lượng đều được nhập qua đường tiểu ngạch, về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ. Đáng nói, những sản phẩm làm giả này đều được bán ra thị trường với giá cao hơn hàng thật.
Bổ sung thêm thông tin, TS. Nguyễn Thanh Phong cũng đã chỉ ra những vi phạm khá phổ biến trong kinh doanh TPCN như: sản xuất, kinh doanh TPCN không đúng chất lượng đã công bố. Đặc biệt, việc quảng cáo TPCN sai sự thật, cường điệu hóa, thần thánh hóa công dụng của TPCN đã làm người tiêu dùng hiểu lầm, coi TPCN là thần dược, thậm chí có người bỏ cả thuốc chữa bệnh để sử dụng TPCN. Nhiều doanh nghiệp rõ ràng quảng cáo sản phẩm sai trên trang wesite nhưng không thừa nhận, Cục ATTP phải gửi công văn sang Bộ Thông tin Truyền Thông, đồng thời thông báo trên website của Cục để người tiêu dùng biết...
Để tiếp tục siết thị trường TPCN, theo ông Phong, trọng tâm năm 2016, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai xây dựng, hoàn thiện để ban hành các văn bản nhằm tăng cường hiệu quả quản lý ATTP đối với TPCN; Xây dựng quy phạm thực hành sản xuất tốt (GMP) đối với TPCN và ban hành thông tư hướng dẫn trình tự, thủ tục và lộ trình áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh tăng cường quản lý, thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm, công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về đảm bảo ATTP trong sản xuất, kinh doanh TPCN cũng được đẩy mạnh. “Đồng thời cơ quan chức năng sẽ tiếp tục công khai tên các cơ sở, sản phẩm TPCN sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng” - ông Phong cho hay.