Thời khắc lịch sử qua lời kể của người lái xe chở Dương Văn Minh ra đầu hàng

30-04-2014 14:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Vinh dự được chứng kiến thời khắc vô cùng thiêng liêng của dân tộc dưới vai trò là người cầm vô lăng trong chuyến xe đặc biệt chở Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh

Vinh dự được chứng kiến thời khắc vô cùng thiêng liêng của dân tộc dưới vai trò là người cầm vô lăng trong chuyến xe đặc biệt chở Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh ra đài phát thanh công bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng miền Nam; đối với hạ sỹ, nguyên lái xe Trung đoàn E66 Đào Ngọc Vân, thời khắc ấy dù đã qua gần 40 năm nhưng khí thế tiến công hãy còn hừng hực như mới ngày hôm qua…

Chiếc xe Jeep lịch sử sau khi được phục dựng

Chiếc xe Jeep lịch sử sau khi được phục dựng

“Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”

Ông Đào Ngọc Vân (SN 1950) tại phường Phú Sơn, Thị xã Thanh Hóa, là công nhân giao thông của Phòng Thị chính (như đơn vị trực thuộc Sở Giao thông vận tải bây giờ). Từ những năm 1965, khi quân Mỹ ồ ạt ném bom xuống cầu Hàm Rồng với mục tiêu hòng cắt đứt con đường giao thông huyết mạch chi viện cho miền Nam. Ông Vân đã tích cực tham gia đội xe giải phóng giao thông tại cầu để đảm bảo con đường luôn thông suốt. Những ngày tháng gian khổ này đã giúp ông tích lũy được kỹ thuật lái xe điêu luyện mà không trường lớp nào đào tạo.

Năm 1970, mặc dù chỉ nặng chừng 35 kg ông vẫn xin đi khám nghĩa vụ nhưng không được tuyển vì quá thấp bé. Tháng 5/1972, trong đợt tổng động binh để chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng tiến công giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, ông được đứng vào hàng ngũ quân đội. Ông gia nhập tiểu đoàn 649, trung đoàn 14, đại đội 4, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Sau 2 tháng huấn luyện tân binh, ông đi B. Đến tháng 8/1972 ông được điều vào Quảng Trị bổ sung vào đơn vị Cối thuộc Trung đoàn 66, sư đoàn 304. (sau này là Quân đoàn 2). Giải phóng Quảng Trị, đơn vị ông gặp phải sự phản công dữ dội của địch, nên đóng quân tại khu vực giáp đường 9 - Nam Lào vừa huấn luyện vừa làm đường.

Chiến sĩ lái xe Đào Ngọc Vân và Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ bên chiếc xe sau ngày giải phóng

Chiến sĩ lái xe Đào Ngọc Vân và Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ bên chiếc xe sau ngày giải phóng

Tháng 7/1974, nhận được lệnh chiến đấu, Trung đoàn 66 hành quân tiến sâu vào khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Đơn vị đi tới đâu đánh tới đó, đánh tới đâu giải phóng tới đó. Thấy nguy cơ sẽ sẽ mất Đà Nẵng, vị trí trọng yếu nằm giữa hai đầu đất nước, nơi có cảng biển quan trọng, quân Mỹ ào ạt kéo quân từ Tây Nguyên ra chặn đánh. Với khí thế tiền công hừng hực như “chẻ tre” Trung đoàn 66 cùng các đơn vị đuổi đánh quyết liệt. Sau một tháng quần nhau với giặc, địch yếu thế lùi dần ra biển Đông. Lúc này đã là những ngày giữa tháng 3 nắng gió. Chiến sĩ Đào Ngọc Vân cùng Trung đoàn 66 truy đuổi quân địch đến khu vực Đại Lộc (Quảng Nam), tại đây chúng bỏ lại phương tiện, vũ khí tháo chạy hướng ra biển. Trong các chiến lợi phẩm chúng ta thu được có chiếc xe Jeep mang biển hiệu đã mờ có các số 1577... Là đơn vị Cối nên ông Vân lái luôn chiếc xe Jeep chở theo vũ khí cùng các đồng đội đuổi theo địch tới tận bờ sông Hàn. Sang bán đảo Sơn Trà, quân Mỹ lên tàu rút chạy ra biển Đông. Mấy ngày sau khi sạch bóng quân thù ở đây, các tiểu đội được lệnh tập trung về Trung đoàn đồng thời mang theo chiến lợi phẩm để ban lãnh đạo phân công tiếp quản. Đơn vị ông được phân công tiếp tục sử dụng chiếc xe Jeep, giao cho chiến sĩ Đào Ngọc Vân vẫn tiếp tục cầm lái.

Ông Vân vinh dự được gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Ông Vân vinh dự được gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan

Một tuần sau, các đơn vị nhận được lệnh tấn công vào giải phóng Sài Gòn. Trên thế thắng, quân ta hừng hực tiến từ dải đất miền Trung vào miền Nam, đi đến đâu giải phóng đến đó. Đánh đuổi quân Mỹ ra đến tận biển tháo chạy, ta lại tiếp tục hành quân. Giải phóng một dải đất dài từ Miền Trung vào đến tận Long Thành (Đồng Nai). Tại đây, chúng ta gặp phải phản kháng quyết liệt của quân địch vì đây là đơn vị thuộc Trung tâm huấn luyện tăng thiết giáp của Mỹ. Sau hơn một tuần đánh nhau, chúng ta mới dành thắng lợi. Đây cũng là trận đánh mà ta đã phải chịu nhiều tổn thất, nhiều chiến sĩ đã hy sinh tại đây.

Giờ G đã điểm

Ngày 29/3/1975 - một ngày sau khi Dương Văn Minh được quân Mỹ dựng lên lên làm Tổng thống “bù nhìn” của chính quyền ngụy quyền Sài Gòn. Trung đoàn của ông được lệnh tấn công vào sào huyệt của chúng tại nội đô Sài Gòn. Với nhiệm vụ “mũi thọc sâu” trung đoàn sẽ kết hợp với các đơn vị pháo, tăng, cối…tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, trung tâm đầu não của ngụy quyền, bắt sống Dương Văn Minh cùng toàn thể nội các.

Nhận nhiệm vụ tối quan trọng, sau khi lệnh tổng tiến công được phát đi, 3h30 phút ngày 29/3/1975, trung đoàn 66 do chiến sĩ lái xe Đào Ngọc Vân điều khiển chiếc Jeep xuất quân từ bến cảng Sài Gòn. Khí thế hừng hực vừa tiến vừa đánh. Tới gần trưa, đơn vị đã tiến sát vào cửa ngõ Sài Gòn. Hoảng loạn, quân Mỹ phản kháng trong thế mất tự chủ. Đến cầu Sài Gòn, chúng chặn đánh tại đây. Quân Mỹ ồ ạt ném bom nhằm đánh sập cầu, chặn đường tiến công của ta vào cơ quan đầu não của chúng. Sau hàng loạt bom ném trật, chúng chống trả yếu ớt, cầm cự.

Nghe quân giải phóng tiến vào nội đô, nhân dân đã túa ra chật kín hai bên đường cờ hoa vẫy chào, hò reo càng thêm khí thế bộ đội giải phóng. Chiếc xe Jeep chạy phăng phăng trên đường lớn thênh thang. Nhưng do chưa quen đường vào nội đô nên chiến sĩ Đào Ngọc Vân vừa chạy xe vừa phải hỏi đường. Cứ đến mỗi ngã rẽ lại được nhân dân chỉ đường.

Lúc này trên chiếc xe Jeep ngoài lái xe Đào Ngọc Vân còn có 5 người khác gồm: Trung đoàn phó Đại úy Phạm Xuân Thệ, trung úy tác chiến Nguyễn Khắc Nhu, trung úy Phùng Bá Đam, lính thông tin Bàng Nguyên Thất, đồng chí thuộc Ban liên lạc Nguyễn Huy Hoàng. Ông Vân nhớ lại, khi còn cách dinh Độc Lập chừng 500m, có một người đàn ông dáng người chắc nịch vác lá cờ giải phóng rất to xung phong lên xe chỉ đường. Ông Vân cho người dân này đứng ngay cạnh tay lái tay cầm lá cờ giơ lên cao. Tới trước ngôi nhà nhiều tầng, trên nóc nhà có treo cờ ba sọc người đàn này nói to “Đây chính là Dinh Độc Lập”. Hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 384 của Đại đội 4, Lữ đoàn Xe tăng 203 đi trước làm nhiệm vụ một phá cổng chính, một phá cổng phụ để chiếc xe Jeep tiến vào.

Ảnh tư liệu xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Ảnh tư liệu xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

Tuy nhiên, khi chiếc xe tăng phá cổng phụ thì bị mắc kẹt, không thể nhúc nhích, chiếc thứ hai đã nhanh chóng húc đổ cổng chính tiến thẳng vào sân. Lúc này, tình hình tại Dinh Độc Lập càng trở nên nhốn nháo. Trung đội bảo dinh như “rắn mất đầu” chạy toán loạn bỏ lại toàn bộ nội các bên trong. Ông Vân bình tĩnh lái chiếc xe Jeep nhanh chóng lao theo sau xe tăng vào trong. Tiến qua cánh cổng sắt đã đổ sập, ông đánh xe vòng cua bên phải sảnh chính, cùng chiếc xe sau vòng cua bên trái, khép kín vòng vây. Đồng chí Phạm Xuân Thệ dẫn đầu đội bắt sống nhanh chóng xuống xe tiến thẳng vào hội trường. Dương Văn Minh trong bộ đồ quân phục áo cộc tay, dáng người to, cao, đen; đứng bên cạnh là Vũ Văn Mẫu với dáng người thấp, bé, cùng nội các đang bước ra. Gặp quân giải phóng, Dương Văn Minh lên tiếng: “Xin chào các anh giải phóng, chúng tôi đang đợi các anh đến để bàn giao!”. Dứt câu nói của Dương Văn Minh, trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ quát lớn “Không bàn giao gì cả, chúng tôi đến bắt sống các ông, các ông phải đầu hàng vô điều kiện!”. Trước câu nói đanh thép của đồng chí Phạm Xuân Thệ, Dương Văn Minh cúi đầu im lặng, khuôn mặt biến sắc xanh xao. Ngay lập tức, các chiến sĩ của chúng ta dồn toàn bộ nội các của Dương Văn Minh khoảng hơn 10 người vào hàng ghế phía cuối hội trường và yêu cầu Dương Văn Minh đứng lên giới thiệu. “ Tôi - Dương Văn Minh, Tổng thống. Còn đây là ông Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng…!” Đồng chí Thệ nghiêm nghị “Các ông không thể nói miệng ở đây được. Chúng tôi đưa các ông ra Đài phát thanh kêu gọi anh em binh lính, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn bỏ vũ khí đầu hàng vô điều kiện lực lượng giải phóng!”. Ông Vân nhớ lại, lúc này nhân dân đã vào bên trong cổng Dinh rất đông. Ngoài phố người chật như nêm. Đoạn đường từ Dinh Độc Lập đến Đài phát thanh chừng 1km. Lo ngại nguy cơ mất an toàn ông Mẫu đề nghị lấy xe đưa đi. Đồng chí Phạm Xuân Thệ vẫn khảng khái “Không cần xe của các ông, chúng tôi cũng có xe đưa các ông đi”. Chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm vào vị trí. Ông Vân cùng các đồng đội nhanh chóng áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra xe. Lúc này chiếc xe Jeep làm nhiệm vụ chở thêm Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ngoài sáu người của đội bắt sống.

Thời khắc này với ông thật khó phai mờ. Đường phố Sài Gòn chật ních người. Nhân dân đủ các tầng lớp ùn ùn kéo ra các đường. Cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu..ngập phố phường. Thời khắc lịch sử sắp đến…Chiếc xe chở đội bắt sống áp giải Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu lao vụt đi khỏi Dinh Độc Lập trong tiếng pháo rền vang trên bầu trời. Tới Đài phát thanh thì chỉ còn lại một ông bảo vệ. Đồng chí Phạm Xuân Thệ tiến lại hỏi người bảo vệ làm thế nào để phát thanh đi lời nói của Dương Văn Minh. Ngay lập tức, ông bảo vệ lấy xe máy chạy đi tìm các nhân viên đang chạy loạn. Sau 5 phút ông dẫ về ba cô gái làm nhiệm vụ trực đài. Các đồng chí trong đội bàn soạn lời để đồng chí Thệ viết ra giấy đưa cho Dương Văn Minh đọc. Tuy nhiên, do chữ viết nghệch ngoạc mà Dương Văn Minh không thể đọc trôi chảy được. Ngay lập tức, ông Vân cầm tờ giấy “dịch” lại nội dung để đồng chí Chính ủy lữ đoàn xe tăng Bùi Văn Tùng chép lại.

Thời khắc thiêng liêng

Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, tất cả các đài phát thanh ở Sài Gòn phát đi lời nói dõng rạc của Dương Văn Minh: “Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ Trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam…!”. Ông Vân nhớ lại giây phút hàng vạn con tim như nín thở dõi theo. Sau khi Dương Văn Minh phát biểu, đến lượt Thủ tướng Vũ Văn Mẫu: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Chuyên viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng!”. Đại diện cho lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam Chính ủy Bùi Văn Tùng đáp lời: “Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn!”. Tất cả như vỡ òa sung sướng, cả thành phố hò reo như sấm dậy. Từng lá cây, ngọn cỏ cũng như hòa vào niềm vui chung của dân tộc. “Tôi nhảy khỏi xe lên ôm lấy đồng đội mà reo trong hai hàng nước mắt: giải phóng rồi!”, ông Vân nhớ lại thời khắc thiêng liêng của dân tộc.

Bức ảnh chụp cảnh dẫn Dương Văn Minh (đi giữa, cúi đầu) ra xe đến Đài phát thanh.

Bức ảnh chụp cảnh dẫn Dương Văn Minh (đi giữa, cúi đầu) ra xe đến Đài phát thanh.

Sau lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chiếc xe Jeep do tài xế Đào Ngọc Vân tiếp tục lăn bánh chở Dương Văn Minh trở lại Dinh Độc Lập, bàn giao Ủy ban Quân quản Sài Gòn-Gia Định do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch. Hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về đơn vị đóng quân tại bến cảng Sài Gòn, chờ lệnh rút khỏi thành phố. Chiếc xe Jeep cũng “chia tay” đơn vị từ đây. Tháng 2/1976, đơn vị ông lại nhận được lệnh lên Đà Lạt để truy quét quân ngụy từ Sài Gòn dồn lên. Hơn một năm, sau khi Đà Lạt không còn bóng dáng của quân phản động, đơn vị ông rút ra Đà Nẵng tiếp tục huấn luyện.

Tháng 7/1977, ông nhận lệnh ra quân. Trở về cơ quan cũ tiếp tục công tác, đến năm 2006 ông về nghỉ hưu quây quần cùng gia đình. Đầu năm 2008, Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam phục dựng chiếc xe Jeep của thời khắc lịch sử ấy, ông Đào Ngọc Vân cung cấp thêm một tư liệu rất quý đó là bức ảnh ông chụp kỷ niệm với đồng chí Phùng Bá Đam bên cạnh chiếc xe Jeep tại Sài Gòn vào tháng 8- 1975. Phóng to bức ảnh, xác định được trên biển xe có một ngôi sao trắng và một dãy số 1577…, Viện Kỹ thuật hình sự (Bộ Công an) đã giám định và xác định được số 0 nằm ở cuối. Và chiếc xe Jeep “lùn”, kiểu M151A2 mang biển số 15770 đã được phục dựng thành công, như một chứng tích của lịch sử hào hùng của dân tộc./.

Bài & ảnh: Thanh Thảo

 


Ý kiến của bạn
Tags: