Đó là phóng viên Mar - tin Woollacott - một chứng nhân lịch sử, người chứng kiến những thời khắc cuối cùng khi người Mỹ tháo chạy khỏi miền Nam Việt Nam cách đây 45 năm - ngày 30/4/1975. Theo Woollacott, sáng ngày 30/4/1975, người dân Sài Gòn đổ ra đường hân hoan trong tiếng nhạc chiến thắng vang lên từ các loa phóng thanh ở khắp mọi nơi.
Martin Woollacott hồi tưởng lại rằng, ông cảm thấy vui và xúc động trong thời khắc đó. Đến nay, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng ông cứ ngỡ sự việc như vừa diễn ra. Theo Woollacott, chỉ 1 ngày sau khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, thành phố đã được đánh thức bởi bài ca chiến thắng. Suốt buổi đêm trước đó, các chiến sĩ giải phóng phải làm việc quên cả thời gian cho công tác chuẩn bị ngày lễ khải hoàn ca. Từ 5 giờ sáng, giai điệu giải phóng được phát liên tục trên hệ thống loa phóng thanh. Ngày 30/4/1975 là sự kiện chưa có tiền lệ, đánh dấu thất bại nặng nề nhất trong lịch sử quân sự của Mỹ - quốc gia có tiềm lực quân sự và kinh tế mạnh nhất những năm 70 ở thế kỷ trước.
Người dân Sài Gòn đổ ra đường chào đón đoàn quân giải phóng năm 1975.
Martin Woollacott viết: Thời tiết ngày 30/4/1975 đẹp “chưa từng thấy” với ánh nắng ban mai trong lành chiếu rọi mọi ngõ ngách của Sài Gòn mà trước đó vài ngày vẫn còn vắng tanh, bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường, mặc dù nhiều người không hề biết họ sẽ phải làm gì và liệu chiến tranh còn tiếp nữa hay không? Kể từ khi quân giải phóng xuất hiện, các binh sĩ, tướng lĩnh, chính trị gia và cả những viên chức của chế độ cũ đều mất hút. Họ đang di tản khỏi quốc gia này.
Cũng cần nhắc lại rằng, trong thời gian chiến tranh, Sài Gòn không mấy khi bị đánh phá, ngoại trừ những vụ tấn công của quân giải phóng vào Đại sứ quán Mỹ trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Người Việt Nam nói đùa rằng quân giải phóng tiến vào Sài Gòn “mà không làm vỡ một chiếc bóng đèn”. Điều đó không hẳn đúng bởi thương vong ở cả hai phía là rất lớn nhưng giao tranh đã không nổ ra trong thành phố. Tại trung tâm, mối lo ngại lớn hơn chính là tình trạng cướp bóc và vô pháp luật.
Theo phóng viên Stewart Dalby của tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) Anh, thực sự không có sự tàn sát đẫm máu như báo chí phương Tây loan tin. “Tôi đang đi bộ dọc đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) - một trong những con phố chính của Sài Gòn thì bất chợt một người đàn ông nhỏ thó mặc chiếc áo sơ mi để lộ thắt lưng dắt khẩu súng xuất hiện, bất thình lình giật chiếc máy ảnh đắt tiền của tôi đang đeo trên vai. Những sự cố kiểu này cho thấy, không chỉ những người nước ngoài như chúng tôi mà ngay cả người dân Sài Gòn cũng mong bộ đội giải phóng tiếp quản hoàn toàn thành phố càng sớm càng tốt”, Stewart Dalby kể lại.
Quân lính Mỹ rút chạy bằng máy bay trực thăng năm 1975
Vào ngày đầu tiên của kỷ nguyên mới, không một người Mỹ nào còn ở tòa đại sứ - nơi từng được xem là “bất khả xâm phạm” nằm trên Đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn). Nó hoàn toàn trái ngược với cảnh hỗn loạn 1 ngày trước đó. Tại tòa thị chính lộng lẫy – nơi quốc hội cũ từng nhóm họp nay cũng không một bóng người. Ở Dinh Độc Lập không còn vị tổng thống nào có mặt sau khi Nguyễn Văn Thiệu đã rời đi. Người kế nhiệm ông ta chỉ nắm quyền 1 tuần trước khi bàn giao cho Dương Văn Minh.
Mọi thứ rồi cũng trôi qua, vài ngày sau, một cuộc duyệt binh diễn ra và sau đó nhiều chiến sĩ giải phóng được lệnh rời khỏi Sài Gòn. Những người ở lại đều lịch thiệp, đôi khi đi thành cặp và nắm tay nhau - một cử chỉ khiến cho người Sài Gòn cảm động pha chút tò mò. Rõ ràng họ được huấn luyện bài bản và đáng ngưỡng mộ. Các chiến sĩ giải phóng quân lẫn quân chủ lực miền Bắc tiến vào Sài Gòn ngoài ý chí chiến đấu, lòng dũng cảm còn được trang bị mọi thứ của một đội quân hiện đại.
Mặc dù chiến tranh Việt Nam qua đi hơn 4 thập kỷ nhưng dư chấn về cuộc chiến vẫn còn tồn tại trong lịch sử người Việt Nam và âm ỉ trong dư luận thế giới, được mọi người nhắc đến với sự khâm phục, kính nể.