Đây là một việc rất quan trọng giúp cho việc chẩn đoán và điều trị viêm ruột thừa cấp được thuận lợi. Tôi xin kể câu chuyện của 2 bệnh nhân viêm ruột thừa cấp mà tôi từng gặp liên quan đến thời điểm sớm và muộn.
Bệnh viêm ruột thừa cấp cần được mổ kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Ngày…tháng…năm 1985
Phòng khám chuyển đến khoa nội một bệnh nhân nữ, 36 tuổi với chẩn đoán: Đau bụng chưa rõ nguyên nhân.
Thăm khám bệnh nhân: Sốt nhẹ 380C, vẻ mặt mệt mỏi, đau bụng vùng quanh rốn, phản ứng thành bụng không có (âm tính), đại tiện, tiểu tiện bình thường. Thời gian xuất hiện đau bụng vào sáng sớm nay. Khi tôi nhận và thăm bệnh là 9h sáng. Vậy thời gian đau kéo dài khoảng 4h.
Tôi chờ đợi kết quả xét nghiệm công thức máu. Trong khoảng thời gian chờ đợi, tôi cứ băn khoăn vì vẻ mặt mệt mỏi của bệnh nhân. Vào độ tuổi 36, khỏe mạnh, thông thường phải có nhiễm trùng ở bộ phận nào đó trong cơ thể thì mới có vẻ mặt mệt mỏi như vậy. Tôi bèn khám bụng lại cho bệnh nhân. Ấn từ từ, sâu vào hố chậu phải, bệnh nhân kêu đau. Tuy nhiên, phản ứng thành bụng vẫn không rõ.
10h sáng có kết quả xét nghiệm công thức máu: Bạch cầu tăng. Tôi mời hội chẩn với chẩn đoán nghi viêm ruột thừa cấp. Kết luận của hội chẩn: Viêm ruột thừa cấp. Mổ cấp cứu. Chẩn đoán sau mổ: Viêm ruột thừa cấp. Phương pháp điều trị: Cắt ruột thừa. Kết quả ca mổ tốt. Bệnh nhân ra viện sau đó khoảng 1 tuần, khỏe mạnh.
Ngày… tháng… năm 2018
Nhập viện vào phòng cấp cứu lúc 17h30 phút là một bệnh nhân nữ, 16 tuổi. Tình trạng bệnh nhân: mệt mỏi li bì, sốt cao, đau bụng dữ dội. Hỏi người nhà, được biết cháu đau bụng từ tối hôm qua. Khám bụng: Phản ứng thành bụng rõ. Không còn thời gian cho bất cứ việc nào khác, kíp trực bệnh viện quyết định: mổ cấp cứu. Chẩn đoán sau mổ: viêm ruột thừa cấp đã vỡ. Điều trị: cắt ruột thừa, hút sạch mủ, dẫn lưu mủ. Cho sử dụng kháng sinh chống nhiễm trùng liều cao. Theo dõi chặt chẽ những biến chứng sau mổ.
Vẫn còn may, nếu bệnh nhân vào viện muộn hơn chừng vài giờ đồng hồ nữa thì không biết hậu quả sẽ xấu đến mức nào.
Cũng phải 3 ngày sau, bệnh nhân tạm ổn chúng tôi mới được biết câu chuyện xảy ra như sau: Vào tối hôm trước phải đi cấp cứu, cháu thấy đau bụng lâm râm. Nghĩ chẳng sao, cháu vẫn đi ngủ. Gần sáng, cháu tỉnh dậy vì đau bụng nhiều hơn nhưng vẫn chịu được nên không cho bố mẹ biết. Không ngờ càng ngày càng đau khiến cháu không đi học được. Đến trưa, bố mẹ đi làm về, cháu đành phải nói. Lúc bố mẹ hỏi có ăn uống gì lạ không, cháu mới nhớ ra tối qua có uống liền một lúc 2 ly trà sữa trân châu ngoài quán. Bố cháu bèn đi mua mấy viên thuốc đau bụng cho cháu uống. Tuy nhiên, bụng cháu càng lúc càng đau hơn, tới mức không thể chịu nổi, bố mẹ cháu vội vàng đưa cháu vào viện như đã kể trên. Thời gian đau bụng đến khi được mổ cấp cứu kéo dài khoảng 24h. Đây là khoảng thời gian rất muộn, nếu không muốn nói là quá muộn, cho việc phát hiện và điều trị (mổ cấp cứu) viêm ruột thừa cấp.
Ta thử làm so sánh giữa hai bệnh nhân trên xem sao. Bệnh nhân của năm 1985 ta gọi là bệnh nhân số 1 (BN1). Bệnh nhân của năm 2018 gọi là bệnh nhân số 2 (BN2).
- Về thời gian phát hiện và mổ: BN1 trước 6h. BN2 xấp xỉ 24h.
- Về phương tiện điều trị: Vì cách nhau đến 33 năm nên phương tiện điều trị cho BN2 tốt hơn nhiều.
- Về đội ngũ thầy thuốc: Dĩ nhiên năm 2018 sẽ có kinh nghiệm và tiến bộ khoa học kỹ thuật hơn năm 1985. Cho nên việc mổ và điều trị cho BN2 sẽ thuận lợi hơn.
- Về biến chứng sau mổ: BN1 hiếm gặp và nếu có gặp cũng nhẹ hơn. BN2 thường gặp và những biến chứng thường nặng.
Qua 2 trường hợp viêm ruột thừa trên, một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng: Thời gian phát hiện sớm vô cùng quý giá cho việc điều trị và tránh những biến chứng đáng tiếc của bệnh viêm ruột thừa cấp. Thời gian đó được gọi là “thời gian vàng”. Có được thời gian vàng trong điều trị viêm ruột thừa cấp hay không phụ thuộc trước hết vào việc bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm hay muộn. Vậy nên bất cứ tình trạng đau bụng nào (đặc biệt là kèm theo sốt), chúng ta cần quan tâm đến khả năng có thể viêm ruột thừa cấp, đừng đánh mất thời gian vàng vô cùng quý giá.