Để nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và tâm hồn con người cần phải tôi luyện cả đời. Nhớ lại thời bao cấp, cuộc sống của người dân còn khó khăn nhưng con người sống trong sáng và giản dị.
Tôi vừa có dịp đi sang Trung Đông ít ngày. Nhìn những thành phố giàu có nhưng thanh bình (mặc dù phát triển rất nóng - cũng trong vài chục năm từ 1971 tới nay) và những người Hồi giáo, cả nam lẫn nữ đẹp như giấc mơ, tôi miên man nghĩ về dân mình, nước mình. Cũng chẳng phải như ai nói, nhiễm bệnh mặc cảm tự ti. Nhưng nghĩ ngợi còn hơn là chẳng nghĩ gì. Nhất là gần đây trên mạng những thông tin như: ra nước ngoài thì tiếp viên hàng không, cơ phó vận chuyển hàng ăn cắp, khách du lịch Việt không biết cách buffet cho lịch sự, ở trong nước thì có những người tuổi đời còn rất trẻ mà lĩnh án tử vì đâm chém giết hiếp, có những người học vị cao, vị trí cao nhưng lĩnh án tham nhũng, tham ô, gây hậu quả nghiêm trọng...
Miên man nghĩ, chẳng lẽ tuyệt vọng sao sau ngần ấy năm chúng ta đã thoát nạn ngoại xâm? Nhớ lại thời bao cấp, cuộc sống của người dân còn khó khăn nhưng con người sống trong sáng và giản dị. Cả nước sau chiến tranh sống trong nghèo khó, mọi người chấp nhận sự thiếu thốn, cùng nhau cố gắng vươn lên, nhìn về phía trước trong tinh thần tin tưởng lẫn nhau. Có người cho rằng, cuộc sống thay đổi, vật chất thay đổi khiến tinh thần thay đổi, nghèo thì cách tư duy sẽ khác giàu, điều tất yếu đó chẳng có gì phải bàn. Nhưng, bạn thấy đấy, tôi vẫn cho rằng, vật chất có thể làm một người từ nhẹ cân trở nên béo phì trong vòng 3 năm, nhưng để nuôi dưỡng tâm hồn con người phải tâm luyện cả đời. Sở dĩ, cuộc sống thay đổi giàu có lên nhưng tội phạm tăng, đạo đức xuống cấp là ở chỗ này. Chỗ, tâm không tu, đức không luyện, có học cũng chỉ học vẹt, học lấy văn bằng, đi đến chùa, đến nhà thờ không phải để tu tâm mà để cầu lợi. Dĩ nhiên, không phải là tất cả, nhưng con số làm nên gương mặt xấu xí, để một vài nơi người ta phải cảnh báo về thói xấu Việt cũng không còn là nhỏ.
Đền thờ Hồi giáo ở Abu Dhabi
Làm thế nào để có cuộc sống thanh bình với bầu không khí trong lành như ngày nào, hay như Abu Dhabi, Dubai... những nơi tôi vừa ghé thăm? Ngày ấy người béo được mô tả: “mặt béo ngẫy, có cảm giác chọc cái kim vào là mỡ chảy ra”, mọi người dù biết giàu có đồng nghĩa với sức mạnh, với tiện nghi nhưng không mấy người quá chạy theo vật chất, cư xử với nhau ai cũng giữ chừng mực và đó là văn hóa. Cha mẹ dạy con phải sống có văn hóa, để khỏi bị coi là vô học. Tôi nhớ mãi những con người gầy gò nhưng có đôi mắt trong veo và nụ cười rạng rỡ. Bây giờ điều đó khó tìm. Tôi cũng nhớ rất rõ cảm tưởng an toàn của mình trước cuộc đời, ra đường không phải lo va chạm (giao thông, kẻ cướp giật), trong cơ quan, hay khu dân cư không phải lo đối phó với lòng ghen ghét và hai tiếng Việt Nam là hai tiếng tự hào khắp năm châu bốn biển.
“Tôi ơi đừng tuyệt vọng”
Chắc hẳn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết bài hát có tựa đề này khi giây phút tuyệt vọng thoảng qua. Có lẽ ông nói đúng, đừng tuyệt vọng. Và tôi đã nghĩ nhiều hơn. Một là ở đâu chẳng có người tốt kẻ xấu. Ăn cắp và tham nhũng là những căn bệnh nan y, khó chữa. Không chỉ nghèo, hay ít học, không chỉ ở những quốc gia chậm tiến mà ở cả những đất nước tiên tiến bậc nhất cũng có kẻ cắp, còn tham nhũng thì... thôi rồi... Những căn bệnh ấy, muốn chữa chỉ bằng 2 cách: luật pháp nghiêm minh, có tội thì bị xử, (chạy cửa giời cũng không thoát), ngoài ra tự bản thân phải nuôi dưỡng tâm hồn. Tâm hồn sẽ mách bảo: tham thì thâm, ăn mặn thì khát nước, nhân nào thì quả nấy, đời này không trả đời sau trả gấp nhiều lần... và nhất là tâm hồn dạy cho con người có cảm giác xấu hổ và day dứt. Cái cảm giác ấy sẽ xuất hiện vào lúc con người cần an ủi nhất, cần thảnh thơi nhất. Cụ thể là, dân gian có câu “chết không nhắm được mắt”. Nhiều vụ án xử gần đây cho thấy đâu chỉ người ra tòa, thụ án mới khổ, mới xấu hổ, day dứt mà người thân còn khổ theo và khổ hơn.
Vài nét về Abu Dhabi - Thủ đô của Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất
Từ một thị trấn khiêm tốn với vài ngàn dân với cuộc sống sa mạc khô cằn, thành phố đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng vượt bậc trong mấy thập niên qua nhờ vào dầu mỏ. Khi xây dựng mới, người đứng đầu Abu Dhabi với một bộ óc thông thái đã biến nó thành một Thủ đô hiện đại với nhiều toà nhà chọc trời, tiện nghi chẳng kém New York và đẹp đẽ có thể nói sánh ngang với những nơi đẹp nhất thế giới với hơn một triệu dân. Quy hoạch theo ô vuông với các tuyến đường phố theo hướng Đông - Nam đến Tây Bắc, các tòa nhà cao ốc xen với nhiều công viên, vườn hoa, tổ hợp thể thao và trung tâm văn hóa. Mặc dù chính quyền theo thể thức Tiểu vương nhưng người dân được hưởng rất nhiều phúc lợi xã hội. Người dân Abu Dhabi ai cũng giàu có và được làm việc tương xứng với trình độ học vấn, những công việc nặng nhọc được thuê từ lao động ở các nước nghèo. Giàu có là thế, nhưng ít người béo phì. Theo đạo Hồi nhưng ai nấy tôn trọng các tôn giáo khác và đền thờ Hồi giáo mới xây dựng của Abu Dhabi thuộc hàng lớn và đẹp nhất thế giới.
Bài, ảnh: Trần Thị Trường