Nguyễn Ngọc Anh (Hưng Yên)
Súc họng là để làm sạch khoang miệng họng (loại bỏ mảng bám, vi khuẩn…) giúp phòng ngừa bệnh, khử mùi hôi do các vi khuẩn gây ra hoặc hỗ trị điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn tại chỗ vùng mũi họng, răng miệng…
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại thuốc súc họng khác nhau, của nhiều nơi sản xuất (trong nước và ngoài nước) với các màu sắc rất bắt mắt. Tên gọi cũng rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, thuốc súc họng thường được chia làm các loại sau: Kháng sinh (tyrothricin), sát khuẩn (givalex, betadin) và trung hoà PH (nước muối 0,9%, natribicarbonat)… Ngoài ra, tùy từng loại mà trong thành phần của thuốc súc họng còn có thêm một số chất làm dịu ho, giảm đau, giảm viêm...
Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, do lo sợ nhiễm bệnh, nhiều người đã tìm đến với các loại nước súc họng với hy vọng giúp phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng.
Đối với các thuốc súc họng được các bác sĩ kê đơn (để hỗ trợ điều trị bệnh), thời gian dùng cần theo đơn của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Đối với các loại không kê đơn, trừ nước muối sinh lý, chỉ nên dùng các loại nước súc họng này dưới 10 ngày.
Bởi việc lạm dụng các thuốc súc họng cũng có thể gây bất lợi như: Dùng lâu dài có thể làm mất cân bằng sinh thái của lớp thảm vi khuẩn tại miệng, họng và gây ra một số bệnh như nấm họng, viêm loét họng, mất sức đề kháng vùng họng (tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển).
Ngoài ra, các thuốc súc họng cũng có thể gây các tác dụng không mong muốn như: Phồng rộp môi, phát ban, ngứa họng và miệng… Trong trường hợp dùng thuốc súc họng mà gặp các biểu hiện trên, cần ngừng thuốc và đi khám.
Để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, ngoài việc tiêm phòng, người dân cần thực hiện tốt 5K theo khuyến cáo của ngành y tế.