Thời điểm vàng đi bộ cho người già

14-11-2024 05:58 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Đi bộ hay các hoạt động thể chất khác được duy trì hàng ngày là thói quen tốt đối với người già. Tuy nhiên, đi bộ ở mỗi thời điểm trong ngày lại đem đến những lợi ích khác nhau cho sức khỏe người già.

Thời điểm vàng đi bộ cho người già- Ảnh 1.

PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức).

Lợi ích khi đi bộ vào buổi sáng

Với người già, buổi sáng được xem là thời điểm nhiều người lựa chọn để đi bộ, tập thể dục nhất là vào khung giờ 5-7 giờ. Nếu đi bộ hay hoạt động thể chất trong khung giờ này sẽ giúp người già tăng cường sức lực nhưng lại giảm cảm giác thèm ăn. Đây cũng là khung giờ để người già đi bộ, hoạt động thể chất với mục đích rèn luyện, nâng cao thể chất của các khối cơ bắp.

Những hoạt động thể chất trong khoảng 5-7 giờ sáng sẽ giúp cơ thể sản sinh ra testosterone đạt đỉnh. Bên cạnh đó, khi đi bộ vào thời điểm sáng sớm, cơ thể sẽ sản sinh ra endorphin giúp người già cải thiện tâm trạng, giảm lo lắng, trầm cảm.

Để việc đi bộ hay hoạt động thể chất hiệu quả vào khung giờ này, người già cần lựa chọn một khẩu phần ăn giàu protein để duy trì khối cơ. Theo đồng hồ sinh học, thân nhiệt và các yếu tố khác như hô hấp, hormone, tích trữ năng lượng… sẽ có tác động nhất định đến các hoạt động của cơ thể. Với thân nhiệt, từ 17-19 giờ mỗi ngày thân nhiệt sẽ tăng lên và sau đó giảm dần đi cho tới khi chúng ta đi ngủ.

Thời điểm vàng đi bộ cho người già- Ảnh 2.

Đi bộ là bài tập tốt cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là người già.

Các nghiên cứu cho thấy thân nhiệt chạm đáy vào khoảng 5 giờ sáng, so với mức nhiệt cao nhất của cơ thể trong ngày thì có thể chênh nhau đến 0,9 độ C. Điều này có thể khiến người già gặp chấn thương hoặc căng cứng cơ bắp khi đi bộ. Do vậy, khi đi bộ hay tập luyện vào buổi sáng người già nên lưu ý lựa chọn lúc thân nhiệt lên cao, cơ thể đủ ấm để bắt đầu hoạt động. Trước khi đi bộ người già nên khởi động hoặc tập luyện dần dần để cơ thể thích nghi với khí hậu, môi trường xung quanh và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Nên đi bộ trước hay sau khi ăn tối?

Nếu điều kiện không cho phép, người già không thể đi bộ vào khung giờ buổi sáng thì có thể lựa chọn các khung giờ 15-17 giờ và 18-20 giờ để đi bộ. Việc đi bộ vào những khung giờ này cũng đem lại những lợi ích đáng kể cho sức khỏe người già. Bởi sau một ngày hoạt động, làm việc khả năng hoạt động của cơ thể vẫn còn và người già hoàn toàn có đủ năng lượng để đi bộ hay vận động rèn luyện sức khỏe.

Thời điểm vàng đi bộ cho người già- Ảnh 3.

Người già nên hạn chế đi bộ vào buổi tối để giảm thiểu các nguy cơ chấn thương do ánh sáng yếu, khuất tầm nhìn.

Thời điểm buổi chiều là lúc lý tưởng để cơ thể tổng hợp protein xây dựng cơ bắp cũng như tăng cường sức đề kháng bởi lúc này các hormone testosterone và cortisol đều ở mức lý tưởng. Sau buổi trưa, cơ thể sẽ sản sinh ra các hormone như epinephrine và norepinephrine, những hormone này sẽ giúp tim bơm máu tốt hơn giảm đau và cải thiện tâm trạng tốt hơn. Đây cũng là lúc người già trở nên dẻo dai, linh hoạt nhất và không gặp khó khăn khi vận động như lúc buổi sáng vừa thức dậy. Các yếu tố này sẽ giúp người già không gặp chấn thương ngoài ý muốn khi đi bộ, tập luyện.

Nhiều người quan niệm rằng việc đi bộ vào buổi tối sẽ giúp người già có giấc ngủ ngon hơn, dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, nếu việc đi bộ hoặc tập luyện quá mức gây hưng phấn thần kinh sẽ gây phản tác dụng. Ngoài ra, việc đi bộ vào buổi tối muộn có thể khiến người già gặp chấn thương do hạn chế tầm nhìn, ánh sáng yếu khó xác định phương hướng. Ngoài ra việc ăn quá no, ăn sát giờ đi bộ hoặc đi bộ quá khuya (sau 21 giờ) cũng đem lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. Thời điểm buổi tối không được khuyến khích để người già đi bộ.

Tùy thuộc vào nhịp độ sinh học của từng người, điều kiện sinh hoạt, người già có thể lựa chọn những khung giờ hợp lý để đi bộ. Mỗi khung giờ đều có ưu và nhược điểm khác nhau, người già nên cân nhắc lựa chọn để phù hợp với thói quen của bản thân.

Xem thêm video được quan tâm:

Nên đi bộ bao nhiêu km mỗi ngày để cơ thể khỏe đẹp? | SKĐS


PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Kim Liên
Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Ý kiến của bạn