Thời điểm tốt nhất để đánh răng
Đánh răng là thói quen hàng ngày nghe tưởng chừng như đơn giản nhưng nhiều người vẫn chưa biết mỗi ngày nên đánh răng bao nhiêu lần là đủ? Và nên đánh răng khi nào là tốt nhất.
Mỗi ngày, bạn cần đánh răng ít nhất 3 lần và thời điểm tốt nhất để đánh răng là sau khi ăn khoảng 30 phút. Việc đánh răng hàng ngày sẽ giúp hạn chế được các mảng bám trên bề mặt răng. Điều này cũng giúp hạn chế được việc vi khuẩn trú ngụ và phát triển, sinh sôi. Ngoài ra, bạn cần lưu ý đánh răng đúng cách và đủ thời gian. Bạn nên xoay tròn bàn chải trên bề mặt của răng và chải răng bằng những chuyển động tròn nhỏ. Lưu ý bàn chải nên để nghiêng 45 độ so với nướu của bạn. Mỗi lần đánh răng cần duy trì ít nhất 2 phút, đây là thời gian tối thiểu để các mảng bám trên bề mặt răng được làm sạch. Tuy nhiên bạn cũng không nên đánh răng quá lâu.
Trước khi đánh răng, bạn có thể dùng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để vệ sinh các thức ăn còn dư thừa trong kẽ răng hoặc các khu vực bàn chải không tiếp cận được hết. Sau khi đánh răng có thể kết hợp dùng thêm các sản phẩm chăm sóc răng miệng như nước súc miệng để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng.
Việc đánh răng không đúng, không đủ có thể khiến răng xuất hiện các mảng bám cao răng, mòn răng… Do vậy, mọi người nên thăm khám răng miệng và lấy cao răng khoảng 6 tháng/lần để các bác sĩ kiểm tra tình hình sức khỏe răng miệng và cho bạn lời khuyên.
Các bệnh lý về răng miệng thường gặp
Có một số bệnh lý về răng miệng thường gặp phải do thói quen vệ sinh răng miệng kém bởi khi đánh răng, vệ sinh răng không đúng cách sẽ khiến mảng bám, cao răng xuất hiện và từ đó gây ra các tình trạng sâu răng, hôi miệng, viêm lợi… Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan và bỏ qua tình trạng này.
Bạn cần biết rằng các bệnh lý về răng miệng cũng có thể gây ra những ảnh hưởng cho sức khỏe. Một số dấu hiệu cảnh báo bạn có thể mắc các bệnh lý về răng miệng là:
- Viêm tủy răng: Các cơn đau buốt răng khi bạn ăn đồ nóng hoặc lạnh có thể là dấu hiệu bạn bị viêm tủy răng. Cơn đau có thể xuất hiện thoáng qua hoặc âm ỉ. Theo thời gian, cơn đau buốt sẽ thường xuyên xuất hiện hơn và thuốc giảm đau không có tác dụng. Khi bạn ăn đồ nóng hoặc lạnh, nhai đồ ăn cơn đau sẽ tăng lên.
- Viêm lợi ở mức độ nhẹ có thể làm thay đổi màu sắc ở lợi khiến vùng lợi có màu sậm hơn. Lợi ở người khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt. Với những trường hợp viêm lợi nặng có thể gây ra phù nề, xung huyết. Khi quan sát bằng mắt thường, bạn có thể thấy phần lợi bị viêm gây sưng, phồng thậm chí có thể dễ gây chảy máu khi va chạm nhẹ. Những trường hợp viêm lợi nặng hơn nữa có thể khiến bạn chảy máu chân răng thậm chí gây mủ ở vùng viêm.
Nếu bạn gặp các tình trạng viêm lợi hoặc viêm tủy răng hay bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở răng miệng thì không nên chủ quan. Bởi đó có thể là cảnh báo sức khỏe răng miệng của bạn đang gặp vấn đề. Việc tự ý điều trị tại nhà hay sử dụng các phương pháp dân gian, các loại thuốc không rõ nguồn gốc có thể làm bệnh nặng hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị sau này.
Xem thêm video được quan tâm:
Những bài thuốc chữa viêm lợi | SKĐS