Hà Nội

Thời điểm phù hợp nhất nên cho trẻ ăn dặm

07-09-2023 08:00 | Dinh dưỡng
google news

Do mỗi trẻ đều có thể trạng, tình trạng sức khỏe khác nhau nên mẹ cần quan sát các biểu hiện của bé để xác định thời gian ăn dặm đúng thời điểm cho bé.

Thời điểm phù hợp nhất nên cho trẻ ăn dặm - Ảnh 1.

Ăn dặm quá sớm hay quá muộn đều không tốt

Theo các chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhiều cha mẹ thấy con chững cân hay chậm tăng cân là lo lắng và nghĩ cách để bổ sung chất dinh dưỡng cho bé từ nguồn thực phẩm khác ngoài sữa mẹ, bằng cách cho trẻ tập ăn dặm sớm, thậm chí từ 3-4 tháng tuổi. Có một vài trường hợp do ở chung cùng ông bà thường nuôi con theo kiểu truyền thống, trẻ mới trên 4 tháng tuổi đã cho bé ăn dặm với cháo loãng. Tất cả những điều này gây ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ và lâu dần còn làm bé bị biếng ăn.

Việc cho trẻ ăn dặm quá sớm làm cho trẻ dễ bị nghẹn hoặc hóc, gây viêm nhiễm đường hô hấp của trẻ. Hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng điều kiện để tiêu hóa hết những thức ăn dặm được nạp vào nên dễ bị rối loạn tiêu hóa. Nhiều bé chưa sẵn sàng ăn thức ăn khác ngoài sữa mẹ nên dễ gây cho bé cảm giác sợ ăn và biếng ăn,

Trẻ chậm tăng cân hoặc chững cân do không hấp thu được hết các dưỡng chất trong thức ăn dặm. Thiếu vi chất dinh dưỡng cần thiết do khi ăn dặm, trẻ thường giảm lượng sữa bình thường mọi ngày. Bé ăn dặm sớm khiến trẻ bú mẹ ít đi, các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ bị thiếu hụt ở trẻ, đặc biệt là các chất giúp tăng đề kháng.

Nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn (sau 9 tháng) sẽ khiến trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tăng trường, dẫn đến nguy cơ bị suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu...

Cho bé ăn dặm đúng thời điểm có những lợi ích rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Các protein có nhiệm vụ tiêu hóa chưa được hoàn thiện ngay khi bé vừa chào đời. Khi mẹ cho trẻ ăn dặm quá sớm do hệ tiêu hóa của con chưa sẵn sàng để xử lý sẽ khiến bé bị khó tiêu, dễ gặp phải những dấu hiệu khó chịu như táo bón, đầy bụng, tiêu chảy, đau bụng… dễ bị nôn trớ. Do vậy, bắt đầu ăn dặm cho bé đúng thời điểm sẽ thu được rất nhiều lợi ích cho cơ thể trẻ.

Trong 6 tháng đầu tiên mẹ cho con ăn bổ sung sắt hoặc các loại thực phẩm tăng cường chất sắt sẽ làm giảm khả năng hấp thụ sắt của trẻ trong giai đoạn này. Thực tế trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh luôn đảm bảo được cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho quá trình phát triển và chỉ bị thiếu hụt khi trẻ qua 6 tháng. Khi đó, mẹ hãy bắt đầu cho bé ăn dặm các thực phẩm giàu sắt, ngoài sữa mẹ.

Từ sơ sinh đến giai đoạn trẻ đủ 4 – 6 tháng tuổi, thì hệ tiêu hóa của trẻ mới ở trạng thái đường ruột mở. Điều này tức là sẽ rất tốt cho trẻ đang bú mẹ vì cho phép kháng thể có lợi trong sữa mẹ xâm nhập trực tiếp vào máu trẻ. Ngược lại, tác hại chính là các protein từ thực phẩm dễ gây dị ứng và các mầm bệnh có thể xâm nhập khiến trẻ dễ bị dị ứng, dễ ốm khi cho bé ăn dặm quá sớm.

Trẻ bắt đầu ăn dặm như thế nào?

Trẻ bắt đầu ăn dặm đúng thời điểm khi đáp ứng đủ các điều kiện cần và đủ sẽ giúp trẻ hợp tác hơn, có hứng thú với thức ăn nên trẻ ăn ngon miệng hơn. Giai đoạn mới ăn dặm cho bé bắt đầu như nào sẽ ảnh hưởng cả về sau. Nết ăn ngoan, hợp tác từ những ngày đầu sẽ theo trẻ mãi về sau, giúp bé hạn chế rơi vào tình trạng biếng ăn và mẹ cũng bớt áp lực hơn.

Cũng như người lớn, trẻ bắt đầu ăn dặm cũng cần cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày gồm vitamin và khoáng chất, chất đạm, chất béo, bột đường. Trong giai đoạn mới bắt đầu ăn dặm mẹ hãy tập cho trẻ làm quen với thức ăn và hãy kết hợp các thành phần dưỡng chất này khi trẻ đã quen.

Một số nguyên tắc cho bé ăn dặm đúng cách: Cho bé ăn dặm từ ít đến nhiều. Thời gian đầu cho bé ăn dặm, cha mẹ nên tập cho bé ăn từng chút một. 1 - 3 bữa đầu tiên có thể cho trẻ ăn từ 5 - 10ml thức ăn. Tăng lượng ăn dần dần để dạ dày và hệ tiêu hóa của trẻ có thời gian làm quen và thích nghi với một loại thức ăn mới không phải sữa mẹ.

Cho trẻ ăn dặm 1 bữa/ngày. Khi trẻ đã quen dần có thể tăng lên 2 bữa/ngày và thêm bữa phụ như hoa quả, sữa chua, váng sữa... Nên cho trẻ ăn bột loãng từ 2 - 3 ngày sau đó tăng dần độ đặc lên. Tăng độ thô dần dần, từ bột đến cháo rây, cháo nguyên hạt, cơm nát... để trẻ có thể nhanh chóng ăn được các loại thức ăn như người lớn.

Cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ nhai và dễ nuốt vì lúc này trẻ chưa mọc răng hoặc mọc rất ít răng. Chế biến đồ ăn dặm cho bé đầy đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Thời gian đầu trẻ tập ăn chỉ nên ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như cháo và các loại rau, củ, quả. Tuy nhiên, từ 9 - 11 tháng cần cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm thức ăn gồm: gạo; thịt, trứng; cá, tôm, cua; rau, củ và dầu hoặc mỡ...

Trẻ bắt đầu ăn dặm nên ăn các loại bột ngọt như bột gạo, bột lúa mì, bột từ củ khoai tây, khoai lang… pha cùng nước đun sôi để trẻ bắt đầu quen khẩu vị. Nhiều mẹ hướng đến các phương pháp ăn dặm khác nhau thường cho trẻ ăn khác nhau, cháo rây tỷ lệ 1:10 cũng là món khai vị hoàn hảo cho bé tập ăn dặm.

Ngoài ra, nên cho trẻ ăn nhiều hoa quả để bổ sung các loại vitamin cần thiết cho cơ thể, giúp trẻ mau lớn, phát triển khỏe mạnh hơn..Nên bắt đầu từ các loại trái cây mềm như chuối, đu đủ, xoài… với lượng ít vừa phải, ăn ít một. Trẻ từ 7 tháng tuổi mới nên cho uống kèm các loại nước ép như táo, cam, dưa hấu…

Tuy nhiên, giai đoạn này sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng quý giá và không thể thiếu nên cần duy trì cho trẻ bú mẹ thường xuyên với lượng sữa từ 500 – 700ml mỗi ngày, có thể dặm thêm sữa công thức nếu sữa mẹ ít.

Ngoài ra trẻ bắt đầu ăn dặm không nên cho ăn nhiều đồ tanh do hệ tiêu hóa còn non yếu và trẻ cần thời gian tập làm quen từng loại thực phẩm. Ngay từ khi bắt đầu, khi nấu bột hoặc cháo rây ch con mẹ hãy bổ sung các loại dầu ăn phù hợp với tháng tuổi của trẻ, rất tốt cho sự chuyển hóa chất đạm về sau.

Gợi ý thực đơn cho trẻ bắt đầu ăn dặm

Tuần đầu tiên: mẹ nên cho bé ăn khoảng 5 – 10ml cháo rây hoặc bột ăn dặm pha loãng, chỉ ăn 1 bữa/ngày.

Tuần thứ hai: vẫn ăn bột ăn dặm hoặc cháo rây nhưng tăng lên 15 – 25ml/bữa. Mẹ có thể bổ sung thêm rau củ nghiền nhuyễn vào bữa ăn của trẻ như bí đỏ 5ml, khoai lang 5ml, cà rốt 5ml, khoa tây 5ml, cà chua 5ml. Mỗi bữa hay cho bé thử một loại không được trộn lẫn, để làm quen với thức ăn và nhận diện mùi vị hãy cho bé ăn một loại rau củ trong 3 ngày.

Tuần thứ ba: khi bé đã quen với thực phẩm mơi, mẹ có thể tăng khẩu phần ăn hàng ngày cho con. Bột ăn dặm hoặc cháo rây tăng lên 30 – 40ml, cho bé làm quen với các loại rau củ mới như su hào 10ml, rau ngót 10ml, rau cải bó xôi 10ml và thử cho bé ăn một ít thực phẩm có chứa protein từ thịt cá, trứng. Lưu ý tổng lượng ăn mà bé nạp vào mỗi ngày trong tuần này chỉ trong mức 40 – 50ml các loại đồ ăn.

Tuần thứ tư: Mẹ vẫn duy trì thực đơn và khẩu phần ăn cho bé như ở tuần thứ 3.

Để bắt đầu, mỗi ngày mẹ chỉ được cho trẻ ăn một loại thức ăn để bé làm quen dần với mùi vị. Bột hay cháo rây cũng chỉ đặc hơn sữa ít, đến khi trẻ ăn tốt, mẹ mới từ từ tăng độ đặc dần. Khi tập cho con làm quen món ăn mới, mẹ nên bắt đầu cho ăn vào buổi sáng để theo dõi phản ứng với thức ăn dễ hơn, đến chiếu tối hiện tượng rối loạn tiêu hóa cũng chấm dứt.

Cho trẻ làm quen với một bữa ăn chuẩn, đúng cách chính là ngồi thẳng, ăn bằng thìa, nghỉ giữa các lần bón ăn, ngừng khi bé no. Mẹ tuyệt đối không được ép ăn. Trẻ mới bắt đầu ăn dặm mẹ cần theo dõi tình trạng dị ứng, nôn trớ hay đi nặng của trẻ. Nếu trẻ không nôn, đi phân vàng mềm chứng tỏ trẻ hấp thu và tiêu hóa tốt. Không thêm bất cứ gia vị gì vào thức ăn của trẻ ăn dặm dưới 12 tháng tuổi.



PV
Ý kiến của bạn