Nhân loại đang sống trong kỷ nguyên số, thiết bị thông minh đã trở thành một phần trong đời sống của nhiều cá nhân, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ. Do đó, hiểu về thực trạng, nhận thức đúng về lợi ích, nguy cơ, tác hại, trang bị sự chủ động và kiến thức phù hợp để có định hướng và cách thức sử dụng hiệu quả nhất cho sự phát triển của trẻ chính là thái độ đúng đắn cần có của phụ huynh ngày nay.
Như một phần tất yếu của cuộc sống
Sự phát triển của công nghệ, thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng…) và internet đang thay đổi mạnh mẽ đời sống của nhân loại, mang lại nhiều tiện ích hơn nhưng cũng đặt loài người trước rất nhiều thử thách mới. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ gia tăng rất cao về sử dụng thiết bị thông minh và hòa mạng internet. Dù nhiều lĩnh vực khác đang chịu ảnh hưởng lớn từ khủng hoảng kinh tế thì thị trường nhưng sản phẩm công nghệ vẫn tăng trưởng trung bình 25 - 30% liên tục trong nhiều năm qua. Đồng thời, các tổ chức như World Bank, We Are Social và Tổng cục Thống kê đều cho biết đã có khoảng 39% người Việt Nam sử dụng internet thường xuyên.
Bên cạnh người lớn, trẻ em Việt Nam cũng đã bắt đầu sử dụng thiết bị số và internet như một phần quen thuộc trong đời sống thường ngày. Đây là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số. Sẽ rất bất cập nếu như chỉ vì e ngại những nguy cơ, tác động tiêu cực của thiết bị số và internet mà cách ly hay hạn chế trẻ sử dụng, bởi điều đó có thể sẽ góp phần cản trở sự hòa nhập vào xu hướng sống hiện đại của thế hệ trẻ.
Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa - Giáo dục và Đời sống xã hội, trực thuộc Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM và Công ty Nghiên cứu Thị trường Epinion vừa chính thức công bố báo cáo kết quả dự án khảo sát xã hội về “Thực trạng sử dụng thiết bị thông minh của trẻ em Việt Nam và nhận thức của phụ huynh”. Đây là khảo sát xã hội đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực này và được đánh giá là có ý nghĩa lớn trong việc góp phần mang lại những thông tin hữu ích cho những người làm cha mẹ - về một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất trong việc nuôi dạy con cái trong đời sống xã hội hiện nay.
Trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận với thiết bị thông minh từ rất sớm
Theo đó, trẻ em tại các thành phố lớn của Việt Nam tiếp cận với thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng...) từ rất sớm: dưới 3 tuổi chiếm đến 19%; 3 - 5 tuổi chiếm 59% trong nhóm trẻ là đối tượng được khảo sát (4.308 trẻ tại ở thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ).
Thời lượng trẻ được sử dụng thiết bị thông minh trung bình từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ mỗi ngày. Số trẻ sử dụng trên 4 giờ đồng hồ mỗi ngày cũng chiếm tỉ lệ rất đáng lưu ý (4 - 7% vào các ngày nghỉ, lễ, Tết).
Đặc biệt, những khoảng thời gian trẻ không đến trường, phụ huynh thường có xu hướng cho trẻ sử dụng thiết bị số để vui chơi, giải trí tại nhà. Nhiều phụ huynh thú nhận rằng đây là một cách “giữ trẻ” khi họ không thể vui chơi, trò chuyện cùng con cái.
Trẻ làm gì trên thiết bị thông minh?
Cũng từ kết quả của cuộc khảo sát trên cho thấy, từ 3 - dưới 6 tuổi, trẻ bắt đầu sử dụng các thiết bị thông minh thường xuyên và dần hình thành thói quen.
Bé gái có xu hướng sử dụng thiết bị sớm hơn bé trai (nhiều bé gái được sử dụng thiết bị từ 3 tuổi hơn bé trai)
Chơi game, nghe nhạc, xem phim, đọc truyện, học tập… là một số hoạt động cụ thể của trẻ. Trong đó, bé gái thường thích thú với: trò chơi ứng dụng vẽ tranh sáng tạo (74%); các ứng dụng liên quan đến âm nhạc, đàn hát (48%); học ngoại ngữ (74%); đánh vần (59%); nghe nhạc thiếu nhi, xem phim hoạt hình - thích phim hoạt hình Việt Nam hơn bé trai (12%).
Trong khi đó, bé trai lại thích thú với các trò chơi giải trí thông thường (71%) hay những trò chơi trí tuệ (50%); học toán (48%); nghe nhạc, xem phim - thích nhạc và phim của nước ngoài hơn bé gái (12%).
Điều đáng lưu ý là những chương trình do phụ huynh download (tải) cho trẻ hay có xu hướng về học tập, giáo dục; ngược lại những chương trình do trẻ tự download thường là trò chơi và giải trí.
Điều này có thể dẫn đến hệ quả rằng những nội dung mà phụ huynh cung cấp cho trẻ không đủ hấp dẫn trẻ. Do vậy, phụ huynh cần tìm kiếm những chương trình vừa mang tính giáo dục nhưng cũng phải đảm bảo yếu tố giải trí, vui chơi sinh động và hấp dẫn.
Lúng túng giữa tác dụng và tác hại
Thực tế cho thấy, đa phần phụ huynh không thực sự có thông tin và kiến thức cụ thể trong việc cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh. Cho nên, họ không biết thời lượng mà trẻ được phép sử dụng bao nhiêu mỗi ngày, mỗi tuần là hợp lý. Đồng thời, không thực sự hiểu rõ tác hại, tác dụng mà chỉ có được những thông tin mơ hồ từ báo chí. Điều này khiến họ luôn trong trạng thái hoang mang, băn khoăn giữa việc cho trẻ sử dụng hay không sửng dụng các thiết bị thông minh? Bên cạnh đó, phụ huynh cũng chưa biết đến hoặc chưa áp dụng những giải pháp quản lý cách thức sử dụng của trẻ. Hiện nay, đa số phụ huynh chỉ quản lý trẻ theo cảm tính.
“Trẻ ở thời đại văn minh này mình cần phải cho chúng tiếp cận với công nghệ thông tin nhưng phải kiểm soát trẻ chứ đừng chủ quan”, một phụ huynh cho biết.
Nhiều người còn đưa ra nhiều sáng kiến hay như: “Các chương trình để cho trẻ tự tìm kiếm, sau khi trẻ sử dụng xong sẽ kiểm tra xem trẻ làm gì trên máy, những chương trình mình chưa biết thì có thể xem thử. Những chương trình không phù hợp với trẻ sẽ bị nhắc nhở để lần sau không tìm nữa. Nếu vi phạm sẽ bị phạt không được sử dụng 1 hoặc 2 ngày, tái phạm tiếp thì có thể nghỉ sử dụng 1 tuần”.
Có phụ huynh còn “làm gương cho con” bằng cách: “Không lạm dụng quá nhiều… Những lúc đang chơi với con thì không thể dùng điện thoại cho dù là công việc có thể xử lý ngay bằng thiết bị này”.
Rõ ràng, thiết bị số và sản phẩm công nghệ sẽ không trở thành mối đe dọa cho sức khỏe, trí tuệ, tính cách và sự phát triển của trẻ nếu phụ huynh có kiến thức sử dụng chúng tốt hơn.
MINH THI