Thời của sách âm thanh?

09-01-2012 10:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nếu như một vài năm gần đây, thị trường sách in bị lấn lướt bởi sách điện tử thì nay, xu hướng ấy lại đang nhường chỗ cho loại sách mới là sách âm thanh.

Nếu như một vài năm gần đây, thị trường sách in bị lấn lướt bởi sách điện tử thì nay, xu hướng ấy lại đang nhường chỗ cho loại sách mới là sách âm thanh. Liệu chỗ đứng của loại sách này có bền so với sự đổi thay liên tục của thời đại công nghệ thông tin?

Thị trường khoảng một năm trở lại đây đã rộ lên một công cụ hỗ trợ học ngoại ngữ và giải trí hiệu quả là bút âm thanh. Và không khó khăn khi bạn gõ cụm từ bút chấm đọc hoặc bút âm thanh trên google mà lại không hiện ra các nhãn hiệu bút âm thanh như: bút chấm đọc Touch Talk; bút biết nói Open; bút học tiếng Anh Robot Teacher… Thực tế, các loại bút này là một thiết bị điện tử có gắn camera bên trong và chỉ sử dụng được với loại sách đi kèm với nó là sách âm thanh.

Sách âm thanh thực tế vẫn là những cuốn sách in với những con chữ bình thường nhưng nó đã được mã hóa (hay còn gọi là khoanh vùng) trong nội dung để đưa vào sử dụng trong bút âm thanh. Cụ thể, khi bạn chấm đầu bút vào bất kì đoạn văn bản nào trong cuốn sách đó thì bút sẽ đọc đúng nội dung của đoạn văn bản đó. Cũng bởi chức năng này mà các hãng sản xuất đã tận dụng để đua nhau phát triển hàng loạt công cụ bút âm thanh và đem vào ứng dụng trong việc dạy và học ngoại ngữ - một vấn đề luôn rất phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, cũng không ít người lại ví loại công cụ này như một con vẹt thông minh, chấm đâu đọc đó.

Bên cạnh những lời quảng cáo được gắn mác “Công cụ hỗ trợ học ngoại ngữ”, “Sách giải trí” thì cũng không thể phủ nhận các nội dung trong sách âm thanh. Nhiều cuốn sách chứa đựng nội dung học tập phong phú, được lồng ghép dưới dạng các trò chơi trí tuệ thông qua sự tương tác trực tiếp giữa người sử dụng và sách. Điều đó sẽ giúp họ nhận thức về thế giới xung quanh, kích thích sự sáng tạo, tăng tính chủ động, nâng cao khả năng nhớ. Hơn thế, với những bố cục về hình ảnh đa màu sắc và âm thanh đạt chuẩn cao nên khi thể loại sách này được tung ra thị trường đã được không ít độc giả hào hứng đón nhận. Tuy nhiên, hiện nay, thể loại sách này chỉ giới hạn dành riêng cho học sinh ở bậc tiểu học mà chưa phải là rộng rãi đối với các đối tượng khác nhau. Song điều đó cũng nói lên rằng, một khi sách âm thanh đã tìm được độc giả của riêng mình thì ắt hẳn nó sẽ còn phát triển.

 Sách âm thanh có dần thay thế được sách in truyền thống?

Nói vậy nhưng cũng không thể phủ nhận những hạn chế của thể loại sách này. Bởi nó vốn chỉ là những cuốn sách in bình thường mà người ta nhìn vào đó vẫn có thể đọc được, song vì đã được mã hóa để sử dụng đi kèm với chiếc bút âm thanh nên giá thành của nó cũng vì thế mà cao hơn đáng kể so với thu nhập của nhiều người dân bình thường. Một chiếc bút giá trung bình đã khoảng hai triệu và mỗi cuốn sách đi kèm lại có giá khác nhau. Tuy nhiên, người ta chỉ có thể mua thêm sách âm thanh khi đã có trong tay một chiếc bút âm thanh mà ít ai đã chịu bỏ tiền để mua một cuốn sách được mã hóa về và chỉ để đọc bằng mắt. Sách âm thanh vì thế mà giới hạn cho mình đối tượng sử dụng hơn.

Rồi khi đã được gắn mác “Công cụ hỗ trợ học ngoại ngữ” thì nó đập vào suy nghĩ của mọi người rằng sản phẩm này là chuẩn, có thể yên tâm sử dụng. Và một cuộc chạy đua “nhà nhà có sách âm thanh, người người có bút âm thanh” bắt đầu nở rộ. Nhưng thực tế cho thấy, thứ công cụ là bút âm thanh và sách âm thanh ấy nếu không được sử dụng có quy trình thì ắt hẳn cũng sẽ phản tác dụng. Chấm đâu đọc đó là chức năng có thể giúp người nghe hiểu được câu từ, đoạn văn bản mà không cần nhìn vào sách nhưng đó là đối với người lớn, còn với trẻ em thì sao? Vô tình nó cũng có thể biến trẻ con thành một con vẹt, chưa biết đọc mặt chữ nhưng lại nhớ được chỗ đó là câu gì, từ gì và dẫn đến nguy cơ lười tập đọc.

Đương nhiên, khi một cái mới được ra đời sẽ có cả ưu và nhược điểm. Điều ấy cũng đặt bản lĩnh những người làm sách âm thanh vào một cuộc thử thách: Làm thế nào để hạn chế nhược điểm và tạo được vị trí của mình trong lòng độc giả? Công cuộc công nghệ hóa vẫn từng ngày không ngừng phát triển và nếu như sách điện tử đã có thời gian chiếm lĩnh được thị trường sách in thì dường như sách âm thanh cũng có khả năng ấy? Nói như vậy nhưng chúng ta cũng nhận thấy một thực tế rằng sách in cho đến nay vẫn được đông đảo độc giả tin dùng chứ không vì thế mà ngày bị mai một.        

  Nguyễn Anh


Ý kiến của bạn