Thời của công nghệ y học không dây

15-04-2012 07:13 | Quốc tế
google news

Sự phát triển của công nghệ không dây được đánh giá là một bước tiến của ngành viễn thông. Ðặc biệt, trong một vài thập kỷ trở lại đây, công nghệ truyền thông không dây đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của khoa học và tri thức nhân loại.

Sự phát triển của công nghệ không dây được đánh giá là một bước tiến của ngành viễn thông. Ðặc biệt, trong một vài thập kỷ trở lại đây, công nghệ truyền thông không dây đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của khoa học và tri thức nhân loại. Ngày nay, nhiều ứng dụng mới đã được mở ra, trong đó phải kể tới ứng dụng công nghệ không dây trong y học hiện đại.

Sự xuất hiện của công nghệ không dây

Có thể hiểu về công nghệ y học không dây là sự góp mặt của những công nghệ, kỹ thuật điều khiển từ xa hiện đại hỗ trợ các bác sĩ trong điều trị bệnh. Chẳng hạn như các thiết bị khám phát hiện bệnh tự động, thiết bị phẫu thuật tự động, thiết bị đưa thuốc vào cơ thể người bệnh…, đặc biệt là các thiết bị có gắn chip siêu nhỏ (microchip) được đưa vào cơ thể làm nhiệm vụ phát hiện và truyền thông tin về các thiết bị điều khiển dưới sự kiểm soát từ xa của các chuyên gia y học.

Các phương tiện, thiết bị y học đang ngày càng tiến tới sự hiện đại hóa, đó chính là công nghệ không dây cho phép các thiết bị điện tử siêu nhỏ kết nối wireless với thiết bị điều khiển và màn hình quan sát. Công nghệ này cũng cho phép các bác sĩ hoàn thành công việc hàng ngày của mình một cách dễ dàng chỉ với việc điều khiển các con chip, các thiết bị y học siêu nhỏ cấy trong cơ thể bệnh nhân. Chúng có thể được cài đặt thiết bị thu phát tín hiệu wifi hoặc kết nối bluetooth và các công nghệ wireless khác.

 Công nghệ y học không dây - xu hướng của tương lai.

Ðến những ứng dụng thực tế

Mới đây nhất, một thiết bị siêu nhỏ có tên gọi telemedicine – một dạng dụng cụ điều trị từ xa là sản phẩm của các nhà khoa học thuộc Hiệp hội khoa học Mỹ tại Vancouver vừa đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của công nghệ y học không dây. Với những con chip siêu nhỏ – microchip được đặt sẵn bên trong và  ngăn có thuốc chứa sẵn, các telemedicine có thể kết nối thông tin với bộ điều khiển từ xa do các bác sĩ kiểm soát. Kích cỡ của telemedicine chỉ tương đương kích cỡ của một máy điều hòa nhịp tim – pacemaker và được đưa vào cơ thể bằng cách cấy dưới da.
 
Công việc chủ yếu của telemedicine sau khi được cấy vào cơ thể người bệnh là kiểm soát việc giải phóng thuốc một cách an toàn và chính xác tới các vết thương cần điều trị trong cơ thể bệnh nhân. Như vậy, thuốc điều trị cho bệnh nhân vẫn được tiếp cận vết thương đúng giờ mà không buộc người bệnh phải nhớ giờ uống thuốc hay phải tiêm thường xuyên. Loại công cụ này hứa hẹn sẽ được ứng dụng nhiều trong điều trị cho bệnh nhân mắc hen suyễn, tiểu đường và chứng loãng xương.

Giáo sư Langer và giáo sư Robert Langer tại Học viện kỹ thuật Massachusetts – Mỹ cho biết: trong tương lai, cùng với công nghệ nano, việc sử dụng các telemedicine sẽ ngày càng trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn. Các loại thuốc điều trị sẽ được bảo quản tốt hơn nhờ lớp bao làm từ phân tử nano vàng. Khi đó, không chỉ một loại thuốc điều trị được đưa vào mà cùng lúc ta có thể đưa nhiều loại thuốc điều trị tổng hợp vào cơ thể và mọi việc chỉ đơn giản là điều khiển một con chip.

7 nữ bệnh nhân ở Đan Mạch tuổi từ 65 - 70 đã tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm cấy thiết bị telemedicine dưới da tại vùng gây tê. Các bác sĩ đã để lại thiết bị telemedicine có chứa thuốc trong cơ thể bệnh nhân trong 12 tháng và họ hoàn toàn khỏe mạnh bình thường. Cũng trong suốt thời gian này, telemedicine hoàn toàn kiểm soát quá trình đưa thuốc điều trị vào cơ thể người bệnh.

Trong hội thảo thường niên của các tổ chức khoa học Mỹ – AAAS, các nhà khoa học đều công bố thành công của việc cấy microchip vào cơ thể người bệnh phục vụ việc điều trị, trong đó đặc biệt đánh giá cao thành quả của công nghệ này trong điều trị bệnh loãng xương ở phụ nữ.

… Và tương lai

Trong tương lai, nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh mạn tính khác cần sử dụng đến thuốc hàng ngày sẽ nhận được nhiều lợi ích từ sự phát triển của công nghệ y học không dây. Vấn đề đặt ra là làm sao để thiết kế những microchip hoạt động nhanh nhạy và đạt độ chính xác cao, chỉ cần một sai sót, trục trặc nhỏ trong quá trình vận hành của các microchip sau khi cấy vào trong cơ thể bệnh nhân cũng có thể gây cản trở hoặc làm đảo lộn việc chuyển thuốc của thiết bị vào cơ thể. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng vấn đề này có thể nằm trong sự kiểm soát của khoa học hiện đại và công nghệ y học không dây vẫn là một mục tiêu mang lại nhiều lợi ích mà y học đang hướng tới.

Minh Ngọc (Tổng hợp Telegrap, Time, Health)


Ý kiến của bạn