Thời công nghệ số và chứng xương khớp

22-01-2020 17:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Bệnh xương khớp không loại trừ bất kỳ một ai, không phải chỉ người già mới mắc bệnh xương khớp.

Thời công nghệ số đang là một tác nhân làm gia tăng lượng người mắc chứng bệnh này. Lý do chính vì thói quen làm việc cùng một tư thế kéo dài bên máy tính, ipad...

Đau vai gáy

Đau vai gáy là bệnh lý phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Tuy không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng nó gây ra rất nhiều phiền toái, mệt mỏi, ảnh hưởng đến công việc và học tập. Hội chứng căng đau vai gáy có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là tuổi trung niên, đặc biệt với những người làm việc công sở phải ngồi nhiều.

Bệnh xương khớp không loại trừ bất kỳ một ai, không phải chỉ người già mới mắc bệnh xương khớp.

Bệnh xương khớp không loại trừ bất kỳ một ai, không phải chỉ người già mới mắc bệnh xương khớp.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng căng đau vai gáy, trong đó có nguyên nhân là do tính chất công việc đòi hỏi ngồi làm việc liên tục, kéo dài trước máy vi tính hoặc cắm cúi ghi chép liên tục và kéo dài, ngày này sang ngày khác. Sau một thời gian sẽ bắt đầu thấy có cảm giác đau mỏi, ở một hay hai bên cổ. Đau có thể lan xuống vai, cánh tay gây cảm giác đau mỏi vai và cánh tay, đôi khi lan lên trên đầu gây đau đầu. Trong một số trường hợp nặng, có thể kèm theo co cứng cơ cổ làm cổ như bị cứng lại, mỗi khi xoay hay nghiêng sang bên thì rất đau khiến chúng ta không dám cử động cổ.

Ngoài ra, sai tư thế khi lái ôtô, gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi..., ngồi trước quạt hay ngồi máy lạnh lâu, dầm mưa dãi nắng lâu, gội đầu, tắm rửa ban đêm... làm giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ cũng dẫn đến hội chứng căng đau.

Để phòng ngừa bệnh tái phát, chúng ta cần thay đổi cách làm việc: không nên ngồi làm việc quá lâu, trong nhiều giờ liên tiếp mà nên nghỉ giải lao mỗi giờ. Mỗi lần nghỉ chúng ta cho cột sống cổ vận động nhẹ nhàng trong vài phút bằng các động tác theo thứ tự cúi, ngửa, nghiêng sang trái, nghiêng sang phải, xoay sang bên trái, xoay sang bên phải. Đồng thời, chúng ta đi bộ vài vòng quanh phòng cho thư giãn.

Viêm gân cơ chóp xoay ở vùng vai

Khớp vai là khớp bao gồm nhiều khớp hợp lại, sự kết hợp gân cơ và hình dáng giải phẫu khớp vai cho phép cánh tay có biên độ vận động rộng, từ trước ra sau.

Sự đa chuyển động đó cũng có cái giá của nó, nó dễ bị vấn đề như sự mất vững hay chèn ép của mô mềm hay cấu trúc xương của vai, kết quả gây đau khớp vai, bạn có thể bị đau khi vận động tay hay đau liên tục, đau có thể tạm thời hay đau kéo dài cần phải can thiệp chẩn đoán điều trị.

Ngày nay, do cuộc sống hiện đại, nhiều người ngại vận động trong khi lạm dụng các thiết bị điện tử, thói quen chống tỳ khuỷu tay lên bàn dễ dẫn đến viêm khớp vai khi làm việc căng thẳng, ngồi máy vi tính quá nhiều... dễ mắc bệnh viêm gân cơ chóp xoay ở vùng vai. Nguyên nhân là do chúng ta ngồi, hai cánh tay luôn ở tư thế dang ra trước, các cơ vùng vai, nhất là cơ chóp xoay như gân cơ trên vai phải gồng liên tục. Sau khi ngồi làm việc một lúc lâu, chúng ta thấy mỏi vai, đó là do các cơ bị quá tải. Nếu cứ để tình trạng này diễn ra mỗi ngày sẽ gây ra bệnh viêm gân cơ chóp xoay.

Lúc đầu, chúng ta chỉ cảm thấy đau mỏi ở vai vào cuối ngày làm việc. Dần dần, chúng ta thấy đau vai thường xuyên hơn. Trong trường hợp nặng, đau cả về đêm gây mất ngủ, đồng thời cử động khớp vai bị hạn chế và khó khăn do đau.

Để phòng ngừa, cần thay đổi cách làm việc: cứ mỗi giờ cần nghỉ ngơi vài phút để thư giãn các cơ vùng vai.

Viêm mỏm trên lồi cầu ở vùng khuỷu

Viêm mỏm trên lồi cầu ở vùng khuỷu hay còn gọi là hội chứng Tennis elbow xảy ra ở những người chơi thể thao dùng nhiều đến khuỷu tay gồm: tennis, cầu lông, golf, bowling, chèo thuyền... Có nhiều nguyên nhân gây hội chứng này như: khởi động không kỹ trước khi luyện tập, kích thước tay cầm của cây vợt quá to hoặc quá nhỏ, kỹ thuật chưa đúng khi chơi tennis, lưới vợt quá căng hay bóng quá nặng do ướt nước cũng làm khuỷu tay bị đau nhức hơn bình thường, chơi thể thao khi cơ thể mệt mỏi cũng có thể gây đau cơ bắp...

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện nay, không phải chỉ những người chơi thể thao mới bị chứng Tennis elbow mà một số người làm những công việc sử dụng lặp đi lặp lại và mạnh mẽ cơ bắp cẳng tay như sử dụng máy tính, họa sĩ, thợ sơn, thợ mộc, thậm chí người đầu bếp hay người nội trợ chặt thịt cũng dễ bị hội chứng Tennis elbow. Hầu hết những người bị hội chứng Tennis elbow ở độ tuổi từ 30 - 50, mặc dù ai cũng có thể bị chứng Tennis elbow nếu họ có các yếu tố nguy cơ.

Triệu chứng ban đầu là đau vùng mặt ngoài của khớp khuỷu. Đau tăng lên khi làm một số việc đơn giản như quét nhà, vắt khăn, vặn tuốc-nơ-vít, nhấc một vật lên. Chụp Xquang khớp khuỷu thường không phát hiện gì lạ.

Để phòng ngừa, chúng ta cũng tuân thủ cách làm việc vừa làm vừa nghỉ như ở phần trên.

Viêm gân dạng ngón cái ở cổ tay

Gân là một dải cứng của mô liên kết sợi thường kết nối cơ với xương và có khả năng chịu đựng lực căng, có tính dẻo, có độ đàn hồi. Gân giúp truyền lực và các tác động từ cơ đến xương, khớp, giúp các cử động được hài hòa trong toàn bộ cơ thể. Gân tập trung nhiều ở các khớp hoạt động và thay đổi tư thế liên tục như đầu gối, vai, khuỷu tay, cổ chân, ngón tay cái, cổ tay...

Nguyên nhân viêm gân dạng ngón cái ở cổ tay là do sử dụng ngón tay cái quá nhiều như sử dụng con chuột, cắt may... Triệu chứng đau xuất hiện ở vùng mỏm trâm quay, mặt ngoài cổ tay. Đây là nơi có gân dạng ngón cái đi qua. Chúng ta cảm thấy đau mỗi khi làm việc gì phải sử dụng ngón cái. Đau ngày càng nhiều, đến mức không làm việc cũng thấy đau.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nhiều yếu tố môi trường, đặc thù làm việc trong khối văn phòng, mà lại ít vận động thể dục thể thao ảnh hưởng đến bệnh xương khớp làm khởi phát bệnh sớm. Vì vậy, cần tránh những nơi độ ẩm cao, thiếu ánh sáng mặt trời, môi trường không khói thuốc lá; phòng những bệnh chuyển hóa liên quan đến thói quen ăn uống cho hợp lý, hạn chế rượu bia, tránh béo phì; luyện tập hàng ngày, tránh ngồi lâu; uống nhiều nước. Đối với trẻ em, hướng dẫn tư thế ngồi đúng trong học đường. Người mắc bệnh mạn tính cần tuân thủ tập luyện theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa phòng biến dạng khớp. Các bệnh xương cơ, xương khớp cần được chẩn đoán sớm để chậm sự phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau, giúp vận động linh hoạt trở lại tận hưởng cuộc sống.

Ngoài ra, duy trì lối sống năng động rất quan trọng để có sức khỏe tốt. Mỗi người nên chọn một môn thể thao yêu thích và kiên trì thực hiện nó đều đặn sẽ giúp cơ xương khớp dẻo dai, cơ thể khỏe mạnh.

Đau lưng, gặp nhiều nhất

Do tính chất công việc phải ngồi lâu và thường xuyên, lại ít vận động thể dục thể thao, sau một thời gian làm việc, chúng ta có thể bị đau lưng. Khởi đầu chỉ đau lưng vào cuối ngày làm việc, sau đau thường xuyên hơn, rồi thì đau cả ngày, gây ảnh hưởng đến công việc. Nếu chụp Xquang cột sống thường không phát hiện gì. Trong chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, người ta gọi bệnh này là đau lưng cơ năng.

Để phòng ngừa, chúng ta cần để mỗi ngày ít nhất một giờ chơi một môn thể thao nào đó như đi bộ, chạy bộ, bơi lội...; đồng thời, trong công việc hàng ngày, cứ mỗi giờ chúng ta nên đi lại vài phút để vận động và thư giãn.

Bệnh xương khớp có xu hướng gia tăng ở người trẻ tuổi

Yếu tố quan trọng liên quan đến bệnh cơ xương khớp: thứ nhất là tuổi tác, thứ 2 là tình trạng béo phì, thứ 3 là môi trường sống và chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt không đúng cách. Đặc biệt, yếu tố thứ 3 là nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng người trẻ tuổi cũng mắc bệnh về xương khớp. Ví dụ: Chế độ ăn uống không khoa học, không cân bằng dinh dưỡng gây thừa cân béo phì; thói quen trong công việc dân văn phòng ngồi làm việc lâu ở một tư thế, ít vận động...; ở trẻ em ngồi tư thế học đường sai tự ý lạm dụng dùng thuốc giảm đau không có sự kê đơn của bác sĩ; ngồi bấm điện thoại, máy tính kéo dài; vận động quá sức, bẻ khớp... Hiện nay, người trẻ tuổi, đặc biệt là người làm công việc văn phòng thường hay mắc các bệnh về xương khớp như: bị đau vai gáy, nhức các khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa sớm...


TS.BS. Trần Văn Trung
Ý kiến của bạn