Thời cổ xưa con người từng dùng đỉa, than nóng để chữa bệnh trĩ

26-10-2022 10:01 | Y học 360

SKĐS - Bệnh trĩ - một trong số ít các căn bệnh được miêu tả rõ ràng từ thời kỳ cổ đại dựa trên những biểu hiện bệnh lý như đau và chảy máu. Cùng với đó nhiều phương pháp chữa căn bệnh này cũng đã được đưa ra như sử dụng than nóng để cắt trĩ, đặt đỉa ở hậu môn...

Từ thời cổ đại, con người đã phải chung sống với nhiều loại bệnh tật. Tuy nhiên không phải loại bệnh nào cũng được mô tả rõ ràng. Sau này, khi khoa học phát triển hơn, các nhà nghiên cứu thông qua việc khám nghiệm các bộ xương được khai quật vào thời kỳ cổ đại để xác định những căn bệnh từng tồn tại trong thời kỳ đó.

Và rất khó để biết chắc tổ tiên của chúng ta đã mắc và chết những căn bệnh nào. Tuy nhiên, bệnh trĩ lại là một căn bệnh được mô tả khá chính xác từ xa xưa và ở khắp nơi trên thế giới.

Thời cổ xưa con người từng dùng đỉa, than nóng để chữa bệnh trĩ - Ảnh 1.

Bức tranh có niên đại 1.200 năm mô tả cuộc giải phẫu bệnh trĩ thời trung cổ. Bác sĩ phẫu thuật cầm một dụng cụ để hình dung và cố định các búi trĩ, tay phải cầm một con dao để cắt chúng đi.

Lý do rất đơn giản bởi đây là một căn bệnh rất phổ biến, có thể quan sát trực tiếp thông qua các triệu chứng khá đơn giản như đau và chảy máu. Và trong suốt hơn 2.000 năm qua, con người vẫn luôn đưa ra những biện pháp được cho là tốt nhất để điều trị căn bệnh này.

Những mô tả thuyết phục lâu đời nhất về bệnh trĩ có từ năm 1500 trước Công nguyên ở thời kỳ Lưỡng Hà. Cuốn sách “Chester Beatty Medical Papyrus” của người Ai Cập từ khoảng năm 1200 trước Công nguyên cũng đã đề cập đến căn bệnh này, và những người châu Âu cổ như Hippokrates của Hy Lạp (khoảng 460 đến 370) và Galen (129 đến c. 216), người đã làm việc ở La Mã, đã viết rất nhiều nhiều bài báo về cùng một chủ đề bệnh trĩ.

Trong thời cổ đại và thậm chí sau này, bệnh tật được coi là kết quả của những thói quen xấu và chịu ảnh hưởng của các vị thần, ma quỷ, các vì sao, mùa và thời tiết.

Bệnh trĩ được giải thích là tình trạng ứ đọng máu, đờm, mật đen trong các mạch máu ở hậu môn, và việc chảy máu búi trĩ được coi là một dấu hiệu tốt. Do đó, các mạch ở hậu môn được gọi là “tĩnh mạch vàng”. Bác sĩ người Đức Michael Alberti (1682-1757) thậm chí còn viết, “Hæmorrhoides esse Longævitatis causam” có nghĩa là “bệnh trĩ là căn nguyên của một cuộc sống lâu dài.”

Thời cổ xưa con người từng dùng đỉa, than nóng để chữa bệnh trĩ - Ảnh 2.

Bức tranh tái hiện cảnh chữa trĩ bằng cách chọc sắt nóng đỏ cho đến khi búi trĩ bị đốt cháy.

Nhà giải phẫu người Ý Giovanni Battista Morgagni (1682-1771) đã cố gắng giải thích rằng bệnh trĩ là do tư thế đứng thẳng của chúng ta, độ dài của mạch máu (tĩnh mạch) đến hậu môn, thiếu van tĩnh mạch và áp lực trong mạch tăng cao như trong bệnh xơ gan. Bên cạnh đó, các yếu tố di truyền cũng đã được đề cập đến, và nhiều bác sĩ vẫn khẳng định rằng bệnh trĩ đặc biệt phổ biến ở một số nhóm nhất định, chẳng hạn như người Do Thái.

Những ý tưởng chữa bệnh trĩ “kỳ quặc”

Gần đây nhất vào thế kỷ 19, bạn có thể bắt gặp ý tưởng rằng chảy máu do bệnh trĩ là của nam giới, nó giống như hiện tượng kinh nguyệt của nữ giới và hiện tượng này cũng có lợi.

Các nguyên nhân gây ra bệnh trĩ được con người nhận định lúc bấy giờ bao gồm, giới tính, tuổi tác, khí hậu, địa lý, chế độ ăn uống, thừa cân, mang thai, các bệnh về xương chậu, lười vận động, thủ dâm, quan hệ qua đường hậu môn, thường xuyên đi tàu (đề cập đến công nhân đường sắt), cưỡi ngựa, mặc quần áo quá chật , đánh đòn và làm sạch khu vực hậu môn bằng giấy in cứng như báo.

Thời cổ xưa con người từng dùng đỉa, than nóng để chữa bệnh trĩ - Ảnh 3.

Bác sĩ phẫu thuật cắt trĩ cầm kẹp ở tay trái và bàn là ở tay phải, bên cạnh là người trợ lý giữ ống thổi giúp những cục than luôn nóng đỏ trong lò nung trên sàn. Người bệnh kéo mông trái sang một bên. (Ảnh: Bản khắc gỗ của Đức thế kỷ 15).

Và hàng loạt các phương pháp chữa bệnh trĩ cũng được ra đời. Nhiều bác sĩ đưa ra khuyến nghị ăn nhiều thức ăn dễ tiêu hóa hơn tuy nhiên chất xơ dường như chỉ có thể làm giảm các triệu chứng nhưng không chữa khỏi bệnh.

Một bác sĩ khác người khuyên người bệnh nên ngồi xổm khi đi đại tiện, tập thể dục và sử dụng các loại thảo mộc từ y học cổ truyền đắp vào hậu môn để ngăn chặn việc chảy máu.

Cho đến giữa thế kỷ 19, nhiều bác sĩ khuyến cáo nên trích máu để chữa bệnh (tốt nhất là từ một tĩnh mạch nhất định gần mắt cá chân), cho đỉa quanh hậu môn (lên đến 20 con trong một tuần) để hút máu và thậm chí là cả giác hơi trên phần thắt lưng.

Thời cổ xưa con người từng dùng đỉa, than nóng để chữa bệnh trĩ - Ảnh 4.

Dùng đỉa đặt xung quanh hậu môn là một trong những phương pháp chữa bệnh trĩ "kỳ quặc" thời xa xưa.

Ngoài ra còn các phương pháp khác bao gồm thuốc nhuận tràng, thuốc thảo dược, tắm nước nóng và lạnh, sử dụng dòng điện, châm cứu và xoa bóp, và thuốc gây tê. Một số phương pháp trên có thể làm giảm các triệu chứng, nhưng không có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh trĩ và một trong số phương pháp đó còn có thể gây hại cho con người.

Ngày nay, giải pháp hữu hiệu nhất cho bệnh tiến triển nặng ngày nay là cắt bỏ búi trĩ. Một thủ thuật phổ biến là thắt dây cao su dành cho các bệnh nhân trĩ nhẹ bằng cách thắt dây cao su tại gốc búi trĩ để ngắt mạch máu tại vị trí đó. Sau 1 tuần búi trĩ sẽ tự khô và rụng khỏi hậu môn.

Bệnh trĩ càng e ngại, càng nặngBệnh trĩ càng e ngại, càng nặng

SKĐS - Bệnh trĩ ngày gia tăng và có một phần nguyên nhân từ yếu tố nghề nghiệp. Người làm công việc văn phòng, thợ may, lái xe, những người ít có thời gian vận động cơ thể.… có nguy cơ cao bị bệnh trĩ.


KD tổng hợp
Ý kiến của bạn