1. Thoát vị rốn là gì?
Thoát vị rốn là tình trạng một phần ruột chui vào khe hở giữa các cơ thành bụng tại rốn và nằm sát bên dưới da. Thoát vị rốn thường gặp nhiều ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc phải.
2. Nguyên nhân, yếu tố mắc bệnh thoát vị rốn
Người mắc thoát vị rốn do:
Thông thường, đối với trẻ em, hiện tượng thoát vị rốn xuất hiện khi sự phát triển của cơ thành bụng chưa hoàn thiện, khiến cho ống dây rốn không được bịt kín.
Bình thường các cơ này sẽ đóng kín lại sau sinh. Tuy nhiên, do một số lý do, sự đóng cơ không hoàn toàn khiến lỗ không được bịt kín. Từ đó, một phần của ruột hoặc mô mỡ, nội tạng sẽ chui vào khe hở này, nằm sát dưới da gây một khối u lồi lên ở rốn.
Hiện tượng này có thể tự biến mất ở một số trẻ trước khi thôi nôi song cũng có thể kéo dài nhiều năm sau. Bệnh thường gặp đối với trẻ em do các cơ ở bụng không được đóng lại hoàn toàn.
Đối với người trưởng thành, hiện tượng thoát vị rốn cũng có thể gặp phải trong một số trường hợp như tiền sử mắc các bệnh có thể dẫn tới áp lực lên ổ bụng tăng (mang thai nhiều lần hoặc tràn dịch ổ bụng hay do sẹo cũ từ việc phẫu thuật giữa bụng).
3. Triệu chứng của thoát vị rốn
Thoát vị rốn có triệu chứng như:
- Triệu chứng dễ nhận thấy ở cả trẻ em và người lớn đó là sự xuất hiện của u mềm ở vùng rốn.
- Trong u này có thể chứa ruột, dịch hoặc một phần nội tạng. U này phình to lên khi trẻ khóc, ho, đi vệ sinh, vặn mình. Những lúc cơ thể ở trạng thái thư giãn hoặc khi nằm khối thoát vị có thể nhỏ lại.
- Một số trường hợp có thể gặp biến chứng nguy hiểm tới tính mạng như: Phần ruột bị mắc kẹt và khiến cho các mô tổn thương, hoại tử.
- Chỗ thoát vị rốn trở nên đau đớn, sưng tấy hoặc bị đổi màu. Lúc này bụng trở nên chướng căng, đau đớn, trẻ có thể nôn mửa kèm đại tiện phân máu.
4. Cách điều trị thoát vị rốn
Đối với trẻ em, hầu hết các trường hợp không cần điều trị mà có thể tự khỏi trong khoảng 1 tới 2 năm đầu đời của bé. Những trường hợp thông thường, bệnh không khiến đau đớn mà chỉ gây sự khó chịu.
Chỉ định phẫu thuật cho người bệnh thoát vị rốn được thực hiện khi:
- Khối thoát vị bị kẹt và không thể đẩy trở lại vị trí cũ được.
- Khối thoát vị vẫn tồn tại và phát triển sau khi trẻ trên 2 tuổi.
- Khi trẻ 4 tuổi mà khối thoát vị vẫn không trở lại vị trí ban đầu.
- Trong khối thoát vị to gây ảnh hưởng tới hoạt động của trẻ.
Tuy hầu hết các trường hợp thoát vị rốn là lành tính tuy nhiên vẫn có biến chứng nguy hiểm tính mạng của trẻ. Vì vậy, khi con bạn xuất hiện khối thoát vị vùng rốn bạn nên khám bác sĩ sớm để được đánh giá và theo dõi khối thoát vị.
5. Bệnh thoát vị rốn có lây nhiễm không?
Bệnh thoát vị rốn không lây nhiễm.
6. Cách chăm sóc người bệnh thoát vị rốn
Để chăm sóc người bệnh thoát vị rốn:
- Cha mẹ cố gắng không để trẻ khóc nhiều, khóc to kéo dài
- Hạn chế không để trẻ hoạt động quá mức, làm tăng đột ngọto áp lúc trong ổ bụng làm khối phồng lớn dần.
- Tăng cường cho trẻ thức ăn có nhiều chất xơ, rau củ quả để hạn chế trẻ bị táo bón, vì táo bón có thể làm trẻ rặn gây tăng hiện tượng thoát vị.
- Nếu thấy khối thoát vị to đột biến, cứng chắc, sờ đau, cho trẻ nằm ngửa khối thoát vị không mất, kèm theo đau bụng và nôn thì có thể trẻ bị thoát vị nghẹt. Trường hợp này cần cho trẻ đến bệnh viện ngay.