Thoát vị não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

23-10-2024 14:26 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thoát vị não xảy ra khi tăng áp lực nội sọ gây ra sự lồi ra bất thường của mô não thông qua các khe hở trong các rào cản nội sọ cứng. Thoát vị não là một tình trạng đe dọa tính mạng, cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu hơn về thoát vị não.

1. Thoát vị não là gì?

Thoát vị não (hay còn được gọi với tên đầy đủ là thoát vị não màng não) là tình trạng một phần tổ chức não và dịch não tủy bị thoát ra khỏi xương sọ, tạo thành một túi thoát vị ở bên ngoài hộp sọ.

Hầu hết thoát vị não màng não đều là các trường hợp bất thường bẩm sinh nên thường chỉ gặp thoát vị não ở trẻ sơ sinh.

Thoát vị não màng não phân loại theo vị trí gồm: thoát vị vòm sọ, và thoát vị nền sọ.

Thoát vị não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị- Ảnh 1.

Thoát vị não màng não phân loại theo vị trí gồm: thoát vị vòm sọ, và thoát vị nền sọ.

Trong thoát vị não – màng não nền sọ tùy theo vị trí túi thoát vị mà có các loại sau:

  • Thoát vị ở tầng trước nền sọ bao gồm: thoát vị qua xoang trán, xoang sàng và xoang bướm
  • Thoát vị não màng não tầng giữa nền sọ gồm: thoát vị qua xương đá và qua hố thái dương.

Một loại thoát vị tổ chức thần kinh nữa cũng tương tự như thoát vị não màng não là thoát vị màng não tủy. Thoát vị màng não tủy là do khuyết cung sau đốt sống rộng từ đó làm cho ống sống thông với phần mềm ngoài ống sống, qua lỗ thủng màng cứng tủy sống dễ dàng phình ra và tạo thành túi thoát vị. Dấu hiệu lâm sàng điển hình của thoát vị màng não tủy là có khối u vùng thắt lưng cùng.

Hiện nay cả hai loại thoái vị não màng não và thoát vị màng não tủy đều có thể phát hiện và điều trị trên thai nhi từ đó hạn chế tối đa các ảnh hưởng của bệnh đến sự phát triển của cơ thể trẻ.

2. Các loại thoát vị não phổ biến

Phân loại thoát vị não cần dựa trên cấu trúc của mô não bị dịch chuyển. Các dạng thoát vị não hay các thể thoát vị não thường gặp bao gồm:

2.1. Thoát vị màng não

Thoát vị màng não là tình trạng một phần tổ chức não thoát khỏi xương sọ để tạo thành túi thoát vị bên ngoài hộp sọ. Hầu hết các trường hợp thoát vị màng não đều là bệnh bẩm sinh.

Bên cạnh đó, thoát vị màng não tủy cũng là một dạng thoát vị tổ chức thần kinh tương tự như thoát vị màng não. Bệnh xảy ra do tình trạng khuyết cung sau đốt sống, khiến cho ống sống thông suốt với phần mềm bên ngoài. Thông qua lỗ thủng màng cứng, tủy sống có xu hướng phình và tạo nên túi thoát vị.

Thoát vị não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị- Ảnh 2.

Thoát vị não là tình trạng một phần tổ chức não và dịch não tủy bị thoát ra khỏi xương sọ. Ảnh: TL

Bệnh thoát vị màng não và thoát vị màng não tủy đều có thể được điều trị kịp thời trong giai đoạn mang thai. Vì vậy, thai phụ cần tuân thủ chỉ định khám thai định kỳ để sớm phát hiện và có biện pháp điều trị bệnh thoát vị màng não kịp thời, tránh nguy cơ xảy ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

2.2 Thoát vị não dưới liềm

Thoát vị não dưới liềm là một dạng thoát vị mô não phổ biến, xảy ra khi khối mô não có xu hướng di chuyển xuống bên dưới liềm não và cuối cùng sẽ bị đẩy sang hẳn một bên.

2.3. Thoát vị trung tâm

Thoát vị trung tâm là tình trạng cả hai thùy thái dương thoát qua khe lều tiểu não, xảy ra bởi tác động của hiện tượng phù não lan tỏa hoặc sự xuất hiện một khối choán chỗ. (2)

2.4. Thoát vị xuyên lều tiểu não

Thoát vị xuyên lều tiểu não được phân thành hai dạng:

  • Thoát vị xuyên lều tiểu não giảm dần: Xảy ra khi thùy thái dương có xu hướng dịch chuyển vào hố sọ sau.
  • Thoát vị xuyên lều tiểu não tăng dần: Xảy ra khi thân não và tiểu não có xu hướng di chuyển lên trên thông qua lều tiểu não.

2.5. Thoát vị hạnh nhân tiểu não

Thoát vị hạnh nhân tiểu não là tình trạng các hạnh nhân tiểu não có xu hướng di chuyển thông qua lỗ chẩm lớn (lỗ ở đáy hộp sọ kết nối tủy sống và não) để xuống vùng dưới hộp sọ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường bắt nguồn từ việc xuất hiện khối choán chỗ (ví dụ như chảy máu tiểu não) tại khu vực dưới lều tiểu não.

2.6. Thoát vị thùy thái dương

Thoát vị thùy thái dương xảy ra khi thùy thái dương có xu hướng di chuyển xuống bên dưới lều tiểu não (tổ chức nâng đỡ thùy thái dương) do bị chèn ép. Thùy thái dương khi bị thoát vị có thể chèn ép các cấu trúc quan trọng bên trong não, bao gồm dây thần kinh sọ số 3 và cuống não ở cùng phía, động mạch não sau, thân não, khu vực xung quanh hoặc bên trong đồi thị.

3. Nguyên nhân thoát vị não

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh thoát vị não bắt nguồn từ tình trạng tăng áp lực nội sọ xảy ra bởi các vấn đề nghiêm trọng như khối u não, đột quỵ xuất huyết não, chấn thương sọ não gây phù não…. Hộp sọ chứa nhu mô não, máu và dịch não tủy trong không gian có thể tích cố định. Như vậy, khi áp lực trong nội sọ tăng cao, nhu mô não có thể bị chèn ép và buộc phải di chuyển vị trí.

Ngoài ra, thoát vị não cũng có thể là di chứng của quá trình phẫu thuật não, xạ trị điều trị ung thư… tuy nhiên trường hợp này thường ít phổ biến.

4. Triệu chứng thoát vị não thường gặp

Mỗi trường hợp thoát vị não có thể gây ra các triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của bệnh, vùng não bị ảnh hưởng và thể trạng của người bệnh. Người bệnh thoát vị não có thể gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng liên quan đến chức năng thần kinh, bao gồm:

  • Đau đầu
  • Mạch đập bất thường
  • Đồng tử có xu hướng giãn nở
  • Tăng huyết áp
  • Co giật
  • Giao tiếp và vận động khó khăn
  • Rối loạn phản xạ
  • Suy giảm ý thức
  • Ngất xỉu, hôn mê

5. Phương pháp chẩn đoán thoát vị não

Để chẩn đoán chính xác tình trạng thoát vị não, bác sĩ cần khai thác ở người bệnh các vấn đề như triệu chứng, tiền căn, bệnh lý nền…, đồng thời chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng, bao gồm:

Chụp X-quang sọ não

Chụp X quang sọ não là kỹ thuật tạo nên hình ảnh giải phẫu sọ não bằng cách sử dụng tia bức xạ X. Nhờ vào kết quả chụp X quang, bác sĩ có thể quan sát được tình trạng tổn thương ở hộp sọ và bên trong não, bao gồm thoát vị não, khối u não, chấn thương sọ não, tăng áp lực nội sọ….

Chụp CT não

Chụp CT não hay chụp vi tính cắt lớp não là kỹ thuật sử dụng tia bức xạ X quét từ vị trí cằm đến đỉnh đầu để ghi nhận hình ảnh giải phẫu bên trong não và sọ não một cách rõ nét và chi tiết.

Thoát vị não: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị- Ảnh 3.

Chụp CT sọ não để chẩn đoán.

Hình chụp CT não được thể hiện ở dạng 2D hoặc 3D, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát được chi tiết vùng não bị tổn thương – đặc biệt là tình trạng lệch khỏi vị trí ban đầu của mô não, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác các vấn đề ở não bộ, trong đó có thoát vị não.

Chụp MRI não

Chụp MRI hay chụp cộng hưởng từ não là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng điện từ có tần số radio thay cho tia bức xạ, để ghi nhận hình ảnh 3D chất lượng cao về cấu trúc bên trong não một cách rõ nét. Kỹ thuật này được đánh giá có độ nhạy cao giúp phân biệt rõ ràng mô não bình thường và mô não bị tổn thương. Nhờ vào hình ảnh chụp MRI, bác sĩ có thể phát hiện được những tổn thương não rất nhỏ, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh thoát vị não.

Xét nghiệm máu

Bên cạnh các kỹ thuật như chụp X quang, chụp CT và chụp MRI não, trong quá trình chẩn đoán bệnh thoát vị não, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh thực hiện xét nghiệm máu nếu nghi ngờ có hiện tượng rối loạn chảy máu hoặc áp xe não.

6. Phương pháp điều trị thoát vị não

Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phương pháp điều trị thoát vị não dựa trên các yếu tố như vùng não bị thoát vị, thể trạng của người bệnh và thời gian can thiệp. Một số phương pháp điều trị bệnh thoát vị não giúp bảo toàn tính mạng cho người bệnh, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm bao gồm:

  • Phẫu thuật não để điều trị nguyên nhân: Bao gồm phẫu thuật loại bỏ khối máu tụ trong não, khối u hoặc áp xe não.
  • Kỹ thuật dẫn lưu não: Bác sĩ sẽ tiến hành tạo lỗ trên hộp sọ để đặt ống dẫn lưu dịch não thất, từ đó làm giảm áp lực trong nội sọ.
  • Phẫu thuật loại bỏ một phần sọ não: Để tạo khoảng trống nhằm giảm bớt áp lực bên trong não, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ một phần hộp sọ của người bệnh.
  • Sử dụng thuốc hỗ trợ giảm phù não: Để hỗ trợ làm giảm hiện tượng phù não gây thoát vị não, bác sĩ có thể sẽ chỉ định người bệnh sử dụng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, mannitol, dung dịch muối ưu trương….
  • Hút dịch não tủy: Để hỗ trợ làm giảm áp lực nội sọ, bác sĩ có thể tiến hành rút bớt dịch não tủy với tốc độ 1 – 2 mL/ phút bằng cách đặt ống shunt (ống dài chất liệu silicon) thông qua lỗ nhỏ trên hộp sọ.
  • Hỗ trợ tăng thông khí: Để hỗ trợ hạ nồng độ CO2 (carbon dioxide) trong máu, người bệnh thoát vị não có thể được đặt nội khí quản.
Thoát vị rốn: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhThoát vị rốn: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Thoát vị rốn là tình trạng một phần ruột chui vào khe hở giữa các cơ thành bụng tại rốn và nằm sát bên dưới da. Hầu hết các trường hợp thoát vị rốn là lành tính tuy nhiên vẫn có biến chứng nguy hiểm tính mạng của trẻ.


BS Đức Anh
TTYT huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Ý kiến của bạn