Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và mối liên quan tới chứng đau cổ

07-02-2023 08:29 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cuộc sống hiện đại, môi trường công sở, giới công chức làm việc nhiều giờ tại văn phòng phải đối mặt với trạng thái liên tục cảm thấy đau nhức cổ, vai, gáy.

Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và mối liên quan tới chứng đau cổ - Ảnh 1.

Đĩa đệm đốt sống cổ từ lâu đã được coi là nguồn gốc phổ biến của chứng đau cổ.

Lâu dần trở thành một bệnh lý trầm trọng với những dấu hiệu của hiện tượng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ (hay còn gọi là thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ). Vậy câu hỏi đặt ra: Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ có phải là nguyên nhân chính của chứng đau cổ?

Chưa xác định cụ thể cơn đau do đĩa đệm

TS.BS Nguyễn Thành Vinh, giảng viên cao cấp Bộ môn Nội Tổng hợp, Đại học Y Hà Nội phân tích, đĩa đệm đốt sống cổ từ lâu đã được coi là nguồn gốc phổ biến của chứng đau cổ. Trong cơ thể con người, "cầu nối" giữa đầu và xương sống chính là cột sống cổ. Bộ phận này được hình thành từ 7 đốt sống, được đánh số từ C1 đến C7 và nối liền với nhau bằng đĩa đệm. 

Mặc dù thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C5, C6 là phổ biến nhất, nhưng thực tế, bất kỳ vị trí đốt sống cổ nào cũng có thể chịu tổn thương. Chính vì vậy, rất nhiều người do chủ quan lẫn thiếu hiểu biết về căn bệnh này, dẫn đến tình trạng điều trị chậm trễ, rủi ro phát sinh biến chứng tăng lên, bao gồm cả nguy cơ bại liệt.

Cơn đau do đĩa đệm gây ra cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, việc chẩn đoán và điều trị bệnh này gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Đối với thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ, đầu tiên cần hiểu rõ đó là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống cổ thoát khỏi bao xơ, từ đó gây nên bệnh lý chèn ép các rễ thần kinh hoặc tủy sống cổ. Bằng chứng lâm sàng đáng kinh ngạc cho thấy, chứng đau cổ ở các bệnh nhân bị thoái hóa đốt sống cổ hoặc bệnh lý tủy cổ do thoái hóa có thể giảm nhanh chóng bằng cách phẫu thuật lấy đĩa đệm, cố định cột sống cổ lối trước, cho thấy thêm rằng chứng đau cổ này bắt nguồn từ bệnh lý của đĩa đệm cổ.

Về mặt khoa học, các nghiên cứu cơ bản và lâm sàng hiện tại đã chỉ ra rằng thoái hóa đĩa đệm đốt sống cổ có thể dẫn đến đau cổ. Như đã đề cập ở trên, việc chẩn đoán và điều trị bệnh này còn gây nhiều tranh cãi. Một đánh giá có hệ thống và các hướng dẫn từ các chuyên gia chuyên biệt về xương khớp cho rằng, chưa có bằng chứng nào được coi là có thể chấp nhận được về mặt khoa học chứng minh rằng thoái hóa đĩa đệm cổ là một yếu tố nguy cơ gây đau cổ. Về mặt lý thuyết, bất kỳ cấu trúc nào bên trong cổ, chẳng hạn như cơ, khớp hoạt dịch, đĩa đệm, màng cứng và dây chằng… có thể gây ra hiện tượng đau cổ.

Không phải cơn đau cổ nào cũng do thoát vị đĩa đệm gây ra

Cũng theo TS, BS Nguyễn Thành Vinh, bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là tình trạng lớp bao xơ bên ngoài của đĩa đệm cột sống cổ khi lão hóa hoặc thoái hóa sẽ rách ra, khối nhân nhày thoát ra ngoài chèn ép vào tủy sống hoặc rễ thần kinh gây ra những cơn đau cổ dữ dội. "Tuy nhiên, trên thực tế, không phải cơn đau cổ nào cũng do thoát vị đĩa đệm gây ra. Theo thống kê do Hiệp hội Chứng đau cổ thế giới thực hiện, những cơn đau cổ do nguyên nhân đơn thuần mà không phải do thoát vị đĩa đệm cổ hoặc thoái hóa đốt sống cổ chiếm tỷ lệ lớn trong các trường hợp đau cổ mãn tính và tỷ lệ được báo cáo là từ 16% đến 41%"- TS, BS Nguyễn Thành Vinh cho biết thêm.

Dưới góc độ y khoa, có thể tách riêng và phân tích dưới hai góc độ về thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và chứng đau cổ:

- Thứ nhất, nguyên nhân gây ra đĩa đệm đốt sống cổ bị thoát vị có thể do những chấn thương, do sai tư thế nằm, ngồi; do sự lão hóa của những sợi collagen hay do công việc khi phải vận động vượt quá giới hạn hoặc tư thế làm việc gò bó, rung, xóc... Theo cơ chế sinh học, một đĩa đệm đã bị thoát vị sẽ không bao giờ có thể chữa khỏi hoàn toàn và trở về trạng thái như ban đầu, kể cả can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, trong trường hợp áp dụng đúng phương pháp chữa bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể phục hồi tốt.

- Thứ hai, chứng đau cổ có thể bị chữa trị hiệu quả bằng liệu pháp bảo tồn ở hầu hết các bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn có những bệnh nhân tiếp tục bị đau cổ dai dẳng. Một số thậm chí cho biết không hề chữa trị gì và đa phần học cách sống chung với những cơn đau đó. Đối với những bệnh nhân này, cần chủ động thăm khám để có phương pháp điều trị hiệu quả hơn. Trong trường hợp này, ghép đĩa đệm cổ lối trước hoặc thay đĩa đệm cổ nhân tạo có thể là lựa chọn cuối cùng của bác sĩ phẫu thuật. 

TS.BS Nguyễn Thành Vinh khuyên người bệnh cần  điều trị kịp thời, phù hợp, tránh để xảy ra các  biến chứng nguy hiểm, để càng lâu quá trình phục hồi càng không dễ, kể cả điều trị thành công thì bệnh hoàn toàn có khả năng tái phát. 

Hãy quan tâm, chăm sóc và bảo đảm sức khỏe bản thân, chủ động phòng ngừa bằng các thói quen như: Chú ý tới cân nặng cơ thể, đặc biệt là chế độ ăn uống khoa học; rèn luyện thể chất, chơi thể thao với cường độ vừa phải; lưu ý tư thế ngồi, nằm, đi lại… 

Ngoài ra, nếu nhận thấy các cơn đau bất thường ở vùng cổ, vai, gáy, nên tới các cơ sở y thế chuyên khoa xương khớp để thăm khám, điều trị đúng cách theo phác đồ của bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video dưới đây:

Đột quỵ do nghiện rượu - SKĐS


Hà Anh
Ý kiến của bạn