Vì sao bị thoát vị đĩa đệm?
Thoát vị đĩa đệm trước đây là bệnh của người trung niên (do thoái hóa theo tuổi tác) nhưng hiện tại đang có xu hướng trẻ hóa và phổ biến hơn. Dưới đây là những đối tượng và các thói quen hàng ngày có thể khiến bạn bị thoát vị đĩa đệm:
- Người làm việc trong môi trường cần phải ngồi nhiều như tài xế, phi công, điện thoại viên, công nhân…
- Nhân viên văn phòng ngồi làm việc trong thời gian dài, ít vận động, ngồi sai tư thế.
- Người đi giày cao gót thường xuyên, đi trong thời gian dài.
- Người làm việc nặng nhọc như bốc vác sẽ tác động nhiều lên khu vực cổ, vai, lưng.
Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra với những người ở độ tuổi từ 30-50. Theo thời gian, cơ thể sẽ dần bị lão hóa và vòng sụn bên ngoài sẽ bị xơ hóa khiến phần nhân nhầy của đĩa đệm khô, không còn đàn hồi. Điều này dẫn đến tình trạng bị thoát vị vào trong ống sống gây chèn ép dây thần kinh. Tình trạng này có thể khiến rách vòng xơ đĩa đệm và nhân nhầy thoát qua phần rách, chui ra phía sau chèn ép vào dây thần kinh gây ra các cơn đau.
Bên cạnh đó còn có một số thói quen khiến bạn bị thoát vị đĩa đệm như:
- Tập luyện thể dục thể thao sai tư thế nhất là với những người tập yoga, gym… khi thực hiện những động tác khó gây tổn thương cho phần cột sống.
- Người thừa cân, béo phì khiến tải trọng dồn lên xương khớp cũng như các đốt sống tăng lên.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Khi bị thoát vị đĩa đệm, người bệnh thường có các cơn đau do dây thần kinh chèn ép. Ngoài ra người bệnh còn bị hạn chế khả năng vận động với những triệu chứng điển hình như:
- Yếu cơ
- Cơn đau xuất hiện theo hướng đi của dây thần kinh tọa
- Cơn đau nhức bắt đầu ở phần thắt lưng rồi lan dần xuống phần mông, đùi, cẳng chân, bàn ngón chân…
- Trường hợp nặng gây đi tiểu tiện, đại tiện không tự chủ hoặc teo cơ chân khiến chân to chân bé. Đây là tình trạng do triệu chứng rối loạn đuôi ngựa, chèn ép đuôi ngựa gây ra.
Thoát vị đĩa đệm có chữa được không?
Thoát vị đĩa đệm sẽ phân loại tùy vào từng vị trí cột sống như: thoát vị đĩa đệm cổ, thoát vị đĩa đệm ngực, thoát vị đĩa đệm lưng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng… Bất kỳ vị trí nào kể trên cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm. Các phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm phụ thuộc vào mức độ nặng/nhẹ của bệnh.
Dưới đây là một số cách điều trị thoát vị đĩa đệm:
- Trường hợp nhẹ: Người bệnh kết hợp vật lý trị liệu cùng với thay đổi lối sống, thói quen hoặc có thể sử dụng đai lưng, tập các bài tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu có chèn ép ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội khoa bằng một số loại thuốc chống viêm, giảm đau hoặc giãn cơ… Nếu chèn ép mức độ nặng kèm theo thoát vị có thể sẽ cần dùng tới phương pháp tiêm ngoài màng cứng, tiêm phong bế dãy thần kinh.
- Một số trường hợp cần phải xem xét phẫu thuật như: Rối loạn/ chèn ép đuôi ngựa; teo cơ; điều trị nội khoa kéo dài 3 tháng trở lên không đáp ứng; người bệnh đau dai dẳng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; thoát vị nhiều…
Bên cạnh đó, để phòng ngừa và hạn chế thoát vị đĩa đệm tái phát, mọi người cần có những lưu ý sau trong sinh hoạt hàng ngày:
- Tránh mang vác đồ đạc quá nặng để bảo vệ cổ, cột sống.
- Khi tập luyện thể thao hoặc sinh hoạt hàng ngày cần hạn chế thực hiện các động tác gây ảnh hưởng đến cột sống.
- Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên rất tốt cho sức khỏe tuy nhiên nên lựa chọn những môn phù hợp với thể trạng, các môn thể dục giúp tăng độ dẻo dai cho xương khớp.
- Duy trì cân nặng hợp lý, nếu bạn thừa cân hoặc béo phì thì cần có kế hoạch giảm cân.
- Trong chế độ dinh dưỡng cần lưu ý bổ sung canxi, vitamin D đồng thời hạn chế dùng các chất kích thích như rượu bia.
- Nếu bắt buộc phải làm việc trong môi trường thường xuyên mang vác nặng cần có đồ bảo hộ cho khớp gối, lưng để hạn chế những tổn thương cho cột sống.
- Nếu có tình trạng đau cột sống thì cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Xem thêm video được quan tâm:
Chuyên gia chỉ ra những nguy hại khi bị chấn thương cột sống | SKĐS