Hà Nội

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nhận biết mức độ ở các giai đoạn của bệnh

27-02-2023 14:26 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Về giải phẫu bệnh có sự đứt rách vòng sợi, về lâm sàng gây nên hội chứng thắt lưng không điển hình.

Theo thống kê bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hiện nay ở nước ta chiếm tỉ lệ khá cao, có đến 30% dân số mắc phải căn bệnh này và đang có xu hướng trẻ hóa, thường gặp ở lứa tuổi từ 20-55 tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người thường phát hiện bệnh quá muộn và chữa trị không đúng cách nên bệnh có thể tái phát nhiều lần và ngày càng nặng hơn, dẫn đến mất khả năng vận động.

Chính vì vậy, người bệnh cần phải nhận biết sớm các triệu chứng thoát vị đĩa đệm để có phương pháp chữa trị sớm và kịp thời, tránh để bệnh ngày càng nặng và gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm giảm chất lượng cuộc sống.

1. Biểu hiện thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức của cột sống. Tiền sử người bệnh thường bị đau thắt lưng tái phát nhiều lần.

Bệnh tiến triển theo 2 giai đoạn:

+ Ở giai đoạn đau cấp: Là giai đoạn đau lưng cấp xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức. Về sau mỗi khi có những gắng sức tương tự thì đau lại tái phát. Trong giai đoạn này có thể có những biến đổi của vòng sợi lồi ra sau, hoặc toàn bộ đĩa đệm lồi ra sau mà vòng sợi không bị tổn thương.

+ Ở giai đoạn chèn ép rễ: Đã có những biểu hiện của kích thích hay chèn ép rễ thần kinh, xuất hiện các triệu chứng của hội chứng rễ: đau lan xuống chân, đau tăng khi đứng, đi, hắt hơi, rặn… nằm nghỉ thì đỡ đau.

Ở giai đoạn này vòng sợi đã bị đứt, một phần hay toàn bộ nhân nhầy bị tụt ra phía sau (thoát vị sau hoặc sau bên), nhân nhầy chuyển dịch gây ra chèn ép rễ. Bên cạnh đó, những thay đổi thứ phát của thoát vị đĩa đệm như: phù nề các mô xung quanh, ứ đọng tĩnh mạch, các quá trình dính… làm cho triệu chứng bệnh tăng lên.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nhận biết mức độ ở các giai đoạn của bệnh - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp đĩa đệm đã có những dấu hiệu tổn thương khá phong phú.

2. Chẩn đoán mức độ và giai đoạn của thoát vị đĩa đệm

Hiện nay tùy theo từng tác giả, đã có nhiều cách đánh giá khác nhau và phân chia các giai đoạn khác nhau của thoát vị đĩa đệm… Tuy nhiên, dưới đây là cách phân loại hợp lý và dễ áp dụng:

- Thoát vị đĩa đệm giai đoạn 1

Giai đoạn đầu của thoái hóa đĩa đệm. Biểu hiện sự biến dạng của nhân nhầy, bắt đầu xuất hiện một vài chỗ đứt rách nhỏ ở phía sau của vòng sợi và nhân nhầy ấn lõm vào chỗ khuyết này. Hình ảnh này chỉ thấy trên phim chụp đĩa đệm, còn trên phim thường và lâm sàng chưa thấy có biểu hiện.

- Thoát vị đĩa đệmgiai đoạn 2

Giai đoạn lồi đĩa đệm. Nhân nhày lồi về một phía của vòng sợi bị suy yếu, có nhiều chỗ rạn, rách vòng sợi rõ rệt hơn nhưng chưa xâm phạm hết chiều dày của vòng sợi, bắt đầu giảm chiều cao khoang gian đốt. Do nhân nhầy đè ép vào vòng sợi đã bị suy yếu nên đĩa đệm bị phình ra nhất là ở phía sau. Hình ảnh chụp đĩa đệm đã có những dấu hiệu tổn thương khá phong phú. Về lâm sàng có thể là thời kỳ đau thắt lưng cục bộ, hãn hữu lồi đĩa đệm có thể gây kích thích rễ thần kinh.

- Thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn 3

Giai đoạn thoát vị đĩa đệm. Đứt rách hoàn toàn các lớp của vòng sợi, tổ chức nhầy cùng với tổ chức khác của đĩa đệm thoát ra khỏi khoang gian đốt sống, hình thành thoát vị đĩa đệm. Giai đoạn này chụp đĩa đệm cho thấy thoát vị nhân nhầy đã hoặc chưa gây đứt dây chằng dọc sau. Các triệu chứng lâm sàng của hội chứng lâm sàng của hội chứng rễ thần kinh xuất hiện và có thể chia ra 3 mức độ: Kích thích rễ; Chèn ép rễ, còn một phần dẫn truyền thần kinh; Mất dẫn truyền thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nhận biết mức độ ở các giai đoạn của bệnh - Ảnh 2.

Bệnh thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức của cột sống.

- Thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn 4

Giai đoạn hư đĩa đệm - Khớp đốt sống – Discarthrose. Nhân nhầy bị biến dạng, xơ hóa, vòng sợi bị phá vỡ, rạn rách nặng ở nhiều phía. Giảm rõ chiều cao khoang đốt sống dẫn đến hẹp ống sống thứ phát và hư khớp đốt sống, giữa các mấu khớp,mọc gai xương ở bờ viền của các thân đốt sống. Lâm sàng thường là đau thắt lưng mạn tính tái phát, có thể có hội chứng rễ nặng do chèn ép trong trong lỗ tiếp hợp đã bị hẹp bởi các biến đổi thứ phát của cấu trúc xương.

Tuy nhiên, trên thực tế bệnh lý đĩa đệm có thể không tiến triển tuần tự qua từng giai đoạn mà có thể có những bước tiến triển đột biến do những yếu tố bên trong hoặc bên ngoài gây ra, nhất là yếu tố chấn thương và tải trọng không cân đối quá mức. Có thể gặp thoái hóa đĩa đệm nặng gây khóa cứng đốt sống nên không có thoát vị đĩa đệm.

Tóm lại: Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau thắt lưng cấp tính hoặc mạn tính.

Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cần loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, trong đó chú ý tư thế hợp lý trong lao động, vận động và hoạt động, đặc biệt là tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng. Khi bê vác vật nặng nên ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, tránh thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên; cần tập thể dục đúng cách.

Đĩa đệm có cấu trúc sụn, là một khoang nằm giữa các đốt sống. Mỗi đĩa đệm có hai phần, gồm bao sơ (mâm sụn) ở bên ngoài, cấu tạo từ các vòng sợi dai và nhân nhầy ở dạng keo nằm bên trong. Bình thường, những đĩa này rất chắc, có vai trò như một gối đỡ đàn hồi giúp cột sống dẻo dai, thực hiện được các động tác cúi, ưỡn, xoay và nghiêng. Tuy nhiên, khi các đĩa đệm này bị tổn thương, lệch đĩa đệm, trượt đĩa đệm hoặc bị hư hại, vòng xơ sẽ bị mòn, rách, nhân nhầy thoát ra.

Mời độc giả xem thêm video:

6 biện pháp tại nhà khắc phục chứng trào ngược axit dạ dày vào buổi sáng


BS. Vũ Quang
Ý kiến của bạn