Thoát vị đĩa đệm có nên mổ không?

25-09-2024 09:24 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh lý cột sống thường gặp. Bệnh gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy thoát vị đĩa đệm có nên mổ không?

Thoát vị đĩa đệm: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnhThoát vị đĩa đệm: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Trước đây, các bệnh lý của đĩa đệm, cột sống và nhất là thoát vị đĩa đệm hay gặp ở những người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay tỉ lệ trẻ hóa bệnh lý đĩa đệm tương đối phổ biến với độ tuổi từ 20 đến 30.

Khi nào chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng một phần của đĩa đệm bị trượt ra khỏi vị trí bình thường, gây chèn ép vào các dây thần kinh hoặc tủy sống. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cột sống, nhưng thường gặp nhất ở cột sống thắt lưng và cổ. Thoát vị đĩa đệm có thể gây ra các triệu chứng như đau lưng, đau cổ, đau vai, đau chân, tê bì, yếu cơ, mất cảm giác, liệt một phần hoặc toàn bộ chân.

Thoát vị đĩa đệm có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí của bệnh. Một số phương pháp điều trị không phẫu thuật bao gồm dùng thuốc giảm đau và chống viêm, tập vật lý trị liệu, massage, chườm nóng lạnh, điện châm, nắn chỉnh xương khớp… Những phương pháp này có thể giúp giảm các triệu chứng và cải thiện chức năng của cột sống.

Thực tế cho thấy việc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cơ bản là điều trị nội khoa. Khi điều trị nội khoa trên 6 tuần không cải thiện, không đáp ứng điều trị nội khoa thậm chí với các thuốc giảm đau hay thoát vị đĩa đệm có các tổn thương vận động (liệt một hoặc nhiều nhóm cơ) thì người bệnh sẽ được cân nhắc chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm.

Chỉ định mổ cấp cứu khi bệnh nhân có rối loạn cơ tròn, tổn thương vận động trong vòng 24 - 48 giờ. Có nhiều phương pháp mổ thoát vị đĩa đệm, đó là mổ mở, lấy nhân nhầy giải ép rễ thần kinh, mổ vi phẫu qua ống nong hoặc mổ nội soi. Tuy nhiên, tùy từng bệnh nhân và thể thoát vị, bác sĩ sẽ có chỉ định mổ bằng phương pháp phù hợp nhất.

Thoát vị đĩa đệm có nên mổ không?- Ảnh 2.

Thoát vị đĩa đệm là một trong những bệnh lý cột sống thường gặp.

Những nguy cơ có thể xảy ra khi thoát vị đĩa đệm tái phát là gì?

Sau mổ thoát vị đĩa đệm thì các triệu chứng của người bệnh sẽ cải thiện nhiều nhất trong vòng 3 tháng đầu tiên, tuy nhiên dự kiến sẽ cải thiện thêm trong vòng 12 tháng.

Cơn đau có xu hướng cải thiện nhanh hơn (chủ yếu trong vòng 2 - 6 tuần đầu). Cải thiện tình trạng yếu cơ, tê cứng và kim châm mất nhiều thời gian hơn (vài tháng, thậm chí nhiều năm).

Mặc dù phẫu thuật có thể làm giảm chèn ép lên dây thần kinh, nhưng có 10 - 25% số người không hồi phục hoàn toàn sức mạnh của cơ và khoảng 50% bệnh nhân còn lại cảm giác tê. Điều này do các tổn thương không thể phục hồi đã xảy ra trước khi phẫu thuật.

Ngoài ra, những nguy cơ có thể xảy ra thoát vị tái phát là các thành phần còn lại của đĩa có khả năng bị sa xuống do tổn thương ban đầu ở bao xơ đĩa đệm, dẫn đến thoát vị đĩa đệm tái phát. Tỷ lệ thoát vị tái phát là 5 - 7% trường hợp.

Các lựa chọn điều trị nếu tái phát bao gồm phẫu thuật lại hoặc điều trị bảo tồn như thoát vị ban đầu. Điều quan trọng là khả năng thoát vị tái phát không liên quan đến mức độ hoạt động của người bệnh sau khi phẫu thuật. Vì vậy, người bệnh có thể an toàn trở lại làm việc và thực hiện các hoạt động bình thường của mình.

Một số lưu ý khi bị thoát vị đĩa đệm

Người bệnh thoát vị đĩa đệm sẽ được tái khám sau khi phẫu thuật 2 tuần. Mục đích của lần tái khám này là để kiểm tra sự tiến triển, đánh giá vết thương, thảo luận về vật lý trị liệu để hỗ trợ quá trình này.

Lần thăm khám thứ hai được lên kế hoạch từ 6 đến 8 tuần sau khi phẫu thuật để đảm bảo quá trình hồi phục của người bệnh vẫn đúng hướng.

Người bệnh sau phẫu thuật đĩa đệm cột sống hầu hết có thể trở lại làm việc trong vòng 2 - 3 tuần với người làm công việc nhẹ nhàng. Và 4 - 6 tuần đối với cho những người làm công việc chân tay liên quan đến việc khuân vác nặng.

Ngoài ra, cần lưu ý với người bệnh là 2 tuần đầu sau mổ thoát vị đĩa đệm, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi hoàn toàn, hạn chế di chuyển, vận động mạnh. Nếu cần di chuyển thì phải mang nịt lưng trước khi ngồi dậy

Tập luyện nhẹ nhàng sau khi mổ thoát vị đĩa đệm khi vết mổ đã bắt đầu lành, bệnh nhân nên thực hiện luyện tập một số các bài tập vận động đơn giản. Giúp lấy lại được sự linh hoạt cho các khớp theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân có thể tập ở nhà, hoặc đến phòng tập phục hồi chức năng để được hỗ trợ.

Bệnh nhân có thể đi bộ, đạp xe, tập các bài tập yoga… sẽ giúp ích cho cơ thể người bệnh, nhất là các khớp xương, cột sống, các cơ được co giãn. Tăng khả năng đàn hồi, tăng cường lưu thông máu tới các bộ phận.

Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý sau mổ thoát vị đĩa đệm cũng vô cùng quan trọng. Người bệnh cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học để giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục cho người bệnh sau phẫu thuật.

Bổ sung những loại thực phẩm chứa nhiều canxi như các loại hải sản, tôm, cá, cua… Ngoài ra, tăng cường ăn các món ăn giàu hàm lượng Omega 3, giúp cho cơ thể kháng viêm hiệu quả.

Bổ sung các loại thực phẩm có chứa hàm lượng vitamin và chất xơ cao như rau xanh và các loại hoa quả tươi.

Bị thoát vị đĩa đệm nên luyện tập thế nào?Bị thoát vị đĩa đệm nên luyện tập thế nào?

SKĐS - Ngoài việc uống thuốc điều trị thì tham gia hoạt động thể thao có thể giúp giảm đi những cơn đau dai dẳng do thoát vị đĩa đệm gây ra. Vậy bệnh nhân thoát vị đĩa đệm nên tập môn thể thao nào và cần lưu ý những gì?

ThS. BS Nguyễn Văn Thắng
Ý kiến của bạn