Yên Bái là tỉnh có tiềm năng về cây thuốc nam với trên 630 loài cây thuốc, gần 1.000 bài thuốc dân gian chữa nhiều loại bệnh.
Nhiều năm trước người dân ở các huyện miền núi của tỉnh Yên Bái thường lên rừng tự tìm cây thuốc khai thác không đúng kỹ thuật, không theo thời vụ, khai thác quá nhiều dẫn đến nguồn nguyên liệu làm thuốc cạn kiệt.
Để bảo vệ, duy trì và tạo ra một vùng nguyên liệu làm thuốc an toàn, tập trung, chất lượng cao, nâng cao giá trị kinh tế, tạo sinh kế cho người dân địa phương Dự án nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng tỉnh Yên Bái (YENBAI CDSH) thực hiện đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm giúp người dân và doanh nghiệp liên kết, phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị.
Năm 2018, gia đình bà Phan Thị Oanh, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, Yên Bái được Trung tâm hỗ trợ liên kết thực hiện mô hình trồng thử nghiệm cây cà gai leo với Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn. Sau hơn 4 tháng, trên diện tích 520m2, gia đình bà Oanh thu được gần 11 triệu đồng.
Năm 2019, gia đình bà Oanh tiếp tục mở rộng diện tích lên gần 1.000m2. Bà Oanh chia sẻ: "Gia đình tôi được HTX sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn cung cấp giống, giám sát kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Năm 2018, tôi thí điểm trồng cà gai leo, qua một vụ thu hái, tôi thấy cây trồng này có giá trị hơn trồng các loại cây khác mà lại dễ chăm sóc, thu hái. Tôi sẽ mở rộng diện tích để trồng cây dược liệu này".
Hay như trường hợp của anh Nông Văn Tuấn dân tộc Tày ở xã Mường Lay, huyện Lục Yên, Yên Bái tham gia chuỗi sản xuất cây thuốc nam được 3 năm nay. "Trước kia, gia đình trồng nhiều cây ăn quả giá trị không cao nhưng khi được tham gia dự án sản xuất cây thuốc nam gia đình đã có của ăn, của để. Sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó
Với số vốn vay của dự án thông qua Hội Nông dân 20 triệu đồng lãi suất ưu đãi, gia đình anh Tuấn ban đầu trồng hơn 3.000 cây khôi nhung, năm nay đã quyết định trồng hơn 2 ha. "Cuộc sống gia đình tôi đã thay đổi nhờ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất thuốc nam", anh Tuấn nói.
TTND.TS Đào Thị Ngọc Lan, Giám đốc dự án cho biết, chúng tôi thiết lập một chuỗi từ trồng dược liệu sạch ở người nông dân kết nối đến người chủ bài thuốc rồi mời chuyên gia trực tiếp đứng lớp, khảo sát thực địa phối hợp với chính quyền địa phương thành lập mỗi xã một nhóm sở thích trồng cà gai leo, cây khôi nhung, cây lá gan.
Các chuyên gia về dược liệu đều khẳng định hiệu quả kinh tế của các cây dược liệu tham gia dự án mang lại thu nhập tăng từ 3-5 lần so với cây trồng khác trên cùng một diện tích.
Dự án nâng cao năng lực quản trị chuỗi giá trị cây thuốc nam của tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ xây dựng thành công chuỗi giá trị cho 3 cây thuốc nam của địa phương, tạo ra sự kết nối giữa người nông dân – doanh nghiệp- chính quyền, tạo ra những sản phẩm hữu ích bảo vệ sức khỏe.
Một trong những thành công của dự án là đã xây dựng được diễn đàn cây thuốc nam online, diễn đàn nhằm chia sẻ các chủ đề về cây thuốc, bài thuốc, những thông tin liên kết thị trường cây thuốc tạo lập thói quen cho người dân tiếp cận công nghệ thông tin với kỹ thuật mới cũng như đưa sản phẩm của Yên Bái đến khắp mọi miền.