Đôi chân bước thấp, bước cao chênh lệch 5cm
Kể về hoàn cảnh của mình, bệnh nhân cho biết sau tai nạn trật khớp háng do bị ngã lúc 6 tuổi, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên không có điều kiện đưa đi thăm khám và chữa trị, cho nên đành chấp nhận cái chân bị tật từ đó. Chân phải ngắn hơn chân trái 4 đến 5 cm. Mỗi khi thay đổi thời tiết thì chỗ khớp bị trật lại đau nhức gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Lâu dần, bệnh nhân Thao đã quen sinh hoạt với đôi chân cái ngắn cái dài và nghĩ rằng không thể chữa trị được. Chỉ đến khi gần đây cái chân bị đau nhức không thể đi lại được, bệnh nhân mới chịu đến bác sĩ khám.
Tại Khoa ngoại Chấn thương, BVĐK Hà Đông, bệnh nhân Thao được chẩn đoán thoái hoá khớp háng trên, trật khớp háng mạn tính gây biến dạng hoàn toàn khớp háng phải. Do vậy đầu chỏm xương đùi bị đẩy lên phía trên khung chậu phần xương chi phát triển không cân xứng với chi lành, các gân bị co lại gây ra tật “chân ngắn, chân dài”.
Hình ảnh khớp kháng của bệnh nhân Thao trước và sau khi thay.
BSCKII Trần Quang Toản - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Thao cho biết: "Trước khi mổ, chúng tôi phải hội chẩn và tính toán rất cặn kẽ đưa ra nhiều phương án để cân nhắc lựa chọn. Bởi suốt 48 năm chỏm xương đùi đã thích nghi tại vị trí bị trật mới hình thành nên một ổ khớp mới tại vị trí trật này. Còn tại vị trí ổ khớp cũ đã biến dạng teo nhỏ lấp đầy tổ chức xơ, cấu trúc xương đùi, xương chậu, cột sống biến dạng theo. Kèm theo đó các cấu trúc xung quanh: cơ, dây chằng, bao khớp cũng co ngắn xơ dính co kéo. Lựa chọn thay khớp nhân tạo đặt tại vị trí ổ khớp mới hay đặt lại vị trí giải phẫu cũ của bệnh nhân là bài toán khó cần phải đươc tính toán tỉ mỉ.
Để ca mổ có kết quả tốt nhất cho bệnh nhân, chúng tôi quyết định đặt 1 đinh xuyên qua đầu giới xương đùi trên hệ thống ròng rọc kéo dài trục chi để lấy lại độ dài tối đa có thể của chi làm cho cơ gân giãn ra trước mổ. Và cuối cùng, các bác sĩ đã đưa được khớp về vị trí giải phẫu ban đầu trước khi trật. Kết quả đôi chân đã dài gần bằng nhau chứ không phải lệch 4 và 5 cm như ban đầu".
Thoát khỏi tàn phế
BS. Nguyễn Mạnh Trường - người cùng tham gia kíp mổ cho hay: "Đây là ca bệnh hiếm, lần đầu tiên tôi gặp phải, bệnh nhân có thể chịu đựng sống chung với khớp háng bị trật hơn 40 năm làm biến dạng các cấu trúc xương, đôi chân không cân đối, cong vẹo cột sống… Và chỉ đến khi khớp trật của bệnh nhân thoái hoá bệnh nhân không thể đi lại được bệnh nhân mới đến với bác sĩ. Nếu không được phẫu thuật bệnh nhân sẽ vĩnh viễn tàn phế không thể đi lại được".
BS. Nguyễn Mạnh Trường thăm khám cho bệnh nhân Thao.
Bệnh nhân Thao tập đi sau 5 ngày phẫu thuật.
Sau 5 ngày phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, bệnh nhân Thảo tập đi và có thể bước đi những bước đi đầu tiền mà không còn bị đau. Dự kiến, sau 7 -10 ngày bệnh nhân có thể xuất viện trở về nhà.
Bệnh nhân Thao xúc động nói: "Thật vui mừng và ý nghĩa đối với tôi khi các bác sĩ đã giúp tôi vượt qua được cuộc phẫu thuật một cách an toàn để sống hạnh phúc, an vui cùng gia đình. Đặc biệt mỗi khi thời tiết thay đổi tôi không còn sợ bị đau đớn nữa".
Bác sĩ Trường cũng khuyến cáo những chấn thương không may xảy ra ở người lớn cũng như trẻ em có thể gây trật khớp. Bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế sớm để được khám phát hiện sớm. Việc phát hiện sớm này giúp tránh khó khăn trong điều trị, cũng như giúp phục hồi hoàn toàn chức năng khớp bị trật tránh các nguy cơ tàn phế sau này cho người bệnh.