Hà Nội

Thoát hiểm ngoạn mục nhờ phương pháp ECMO cải tiến

02-06-2016 23:20 | Thành tựu y khoa
google news

SKĐS - Chỉ sau 15 ngày điều trị, từ ngấp nghé cửa tử, ngày 2/6/2016, bệnh nhân đã khỏe mạnh xuất viện trở về với cuộc sống đời thường...

Chỉ sau 15 ngày điều trị, từ ngấp nghé cửa tử, ngày 2/6/2016, bệnh nhân đã khỏe mạnh xuất viện trở về với cuộc sống đời thường, với người thân. Đánh giá về thành công của ca bệnh này, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW đã nói: “Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam bỏ thở máy ngay trong khi chạy ECMO. Chính biện pháp này là yếu tố then chốt góp phần vào sự thành công trong điều trị”.

Nguy cơ tử vong trên 80%

Bệnh nhân (BN) là một người phụ nữ 44 tuổi ở Nam Từ Liêm - Hà Nội. Chị bị sốt và tự điều trị bệnh tại nhà cho tới khi các triệu chứng khó thở nặng lên. Nhập viện 198 Bộ Công an, BN được xác định viêm phổi nặng, sau đó đã được cho thở máy qua nội khí quản do suy hô hấp và chuyển tới bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TW ngày 18/5/2016. Tại khoa Hồi sức tích cực, sau 24 giờ theo dõi và điều trị, tình trạng BN không được cải thiện, bắt đầu sốc, tụt huyết áp (HA), phổi tổn thương lan tỏa chiếm ¾ phổi, rối loạn đông máu, tiên lượng rất xấu. Những chỉ số của bệnh nhân đều chỉ ra nếu không can thiệp tích cực, nguy cơ tử vong trên 80%. Khoa đã tiến hành hội chẩn cấp cứu đồng thời xin ý kiến Giám đốc và thống nhất triển khai áp dụng kỹ thuật Trao đổi oxy ngoài cơ thể (ECMO) cho BN. Đây là một kỹ thuật hàng đầu trong việc cứu sống các trường hợp suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) không đáp ứng với các biện pháp điều trị truyền thống. Sau khi triển khai ECMO, tình trạng BN tiến triển tốt dần lên, sau 7 ngày BN được bỏ máy thở và rút ống nội khí quản, 24 tiếng sau đó, BN đã có thể tự thở mà không cần sự hỗ trợ của ECMO nữa. Bệnh nhân tiếp tục được cho thở oxy thêm 4 ngày nữa và dần dần hồi phục sức khỏe. Tới lúc này tất cả các thầy thuốc mới cảm thấy thở phào nhẹ nhõm. Giám đốc Nguyễn Văn Kính cho biết: Kỹ thuật ECMO là một kỹ thuật mới được áp dụng tại một số BV tuyến trung ương trong đó có BV Bệnh nhiệt đới TW. Việc triển khai kỹ thuật này đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân bệnh nặng nguy kịch. Trong trường hợp đặc biệt này ở BV bệnh nhiệt đới TW, kỹ thuật ECMO đã có một bước cải tiến khác với cách thức thông thường vẫn áp dụng tại các bệnh viện trước đây.

Bệnh nhân Th. cùng tập thể bác sĩ BV Bệnh nhiệt đới trong ngày ra viện.

Cải tiến góp phần rút ngắn thời gian điều trị

ThS. BS Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cho biết: trong các trường hợp ARDS, phổi bị tổn thương phần lớn, suy hô hấp, kỹ thuật ECMO giúp cho phổi được nghỉ ngơi gần như hoàn toàn, giảm thiểu di chứng tổn thương phổi so với phương pháp điều trị thở máy truyền thống. Sau 3 ngày áp dụng ECMO với chế độ thở máy cho phép phổi BN được nghỉ, BN được ngừng thuốc giãn cơ, thuốc an thần, nhờ đó BN tỉnh táo, có thể tự vận động nhẹ, ho khạc, giúp giảm nguy cơ ứ đọng đờm dãi. Thông thường quy trình ECMO sẽ áp dụng cho đến khi tình trạng bệnh nhân ổn định được với biện pháp thở máy thường quy trong ARDS. Sau khi cai ECMO, BN tiếp tục được thở máy cho tới khi chức năng phổi hồi phục để có thể bỏ thở máy. Nhưng trong trường hợp này, các thầy thuốc BV Bệnh nhiệt đới TW đã quyết định thay đổi. Sau 7 ngày thở máy BN được bỏ thở máy và rút ống nội khí quản. Tất nhiên lúc này, chức năng phổi của BN chưa đảm nhiệm được do thông khí còn kém, vì thế BN vẫn được hỗ trợ bằng ECMO. Lý giải cách làm này, BS Phú cho biết, khi bỏ thở máy và rút ống nội khí quản sớm sẽ giúp làm giảm thiểu các tác hại của thở máy đồng thời giúp các cơ chế bảo vệ tự nhiên của cơ thể được hồi phục, BN ho khạc bình thường nhờ thế chức năng phổi phục hồi nhanh hơn.

Đánh giá hiệu quả của cách làm “không theo thông thường” này, BS Phú cho rằng, có thể giảm đáng kể thời gian hồi phục của BN. Theo quy trình ECMO thông thường, có thể bệnh nhân phải thở máy kéo dài, có trường hợp hơn 1 tháng. Đương nhiên, theo đó chi phí điều trị cũng tăng lên. Ước tính 1 ca điều trị ECMO tổng chi phí lên tới 300 triệu -500 triệu đồng, thời gian kéo dài có thể hàng tháng. Còn trong ca bệnh này của BV Bệnh nhiệt đới TW, thời gian điều trị rút xuống còn 15 ngày, chi phí khoảng  200 triệu đồng.

BS Phú cũng chia sẻ rằng, việc áp dụng kỹ thuật ECMO thực sự không đơn giản, đi cùng với nó cần rất nhiều những biện pháp điều trị phối hợp khác. Khi một ca bệnh cần phải sử dụng đến kỹ thuật này tức là tính mạng của họ gần như đã vào bước đường cùng, BN ở tình trạng rất nguy kịch đòi hỏi sự nỗ lực, tâm huyết và năng lực chuyên môn cao về hồi sức cấp cứu của cả tập thể các thầy thuốc may ra mới cứu sống được người bệnh. Tuy nhiên, đứng trước tính mạng của người bệnh, chẳng có gì có thể so sánh được.

Tuy kỹ thuật ECMO có khá nhiều nguy cơ, rủi ro trong điều trị như nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, tắc mạch nhưng đây vẫn là một công cụ hữu hiệu cho các BS hồi sức cấp cứu. Việc không ngừng tìm kiếm, cải tiến phương pháp điều trị để cứu sống người bệnh chính là y đức sáng chói của người thầy thuốc.


Bài, ảnh: Minh Thúy
Ý kiến của bạn
Tags: