Liên tiếp các vụ cháy xảy ra trong vài ngày gần đây làm thiệt mạng hàng chục người càng cho thấy tầm quan trọng của kỹ năng thoát hiểm, sinh tồn khi gặp hỏa hoạn.
Để có thể kéo dài thời gian an toàn chờ đội cứu hộ tới ứng cứu thì bắt buộc người dân phải trang bị cho mình những kỹ năng "sinh tồn" khi xảy ra hỏa hoạn.
90% số ca tử vong trong các đám cháy là do ngạt khí
Còn bàng hoàng trước vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương tối ngày 6/9 vừa qua, ông Đỗ Sơn - Trung tâm huấn luyện Sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa TP.HCM chia sẻ, 90% số ca tử vong trong các đám cháy là do ngạt khí và ngạt khói.
Khí và khói tại các đám cháy thường chứa khí độc Carbonmonoxit. Khí độc này thường không màu, không mùi cho nên nạn nhân thường không nhận biết được mình đang bị nhiễm độc. Khi nồng độ phơi nhiễm cao thì khả năng nạn nhân hôn mê và tử vong rất là cao.
Một trong những đặc tính quan trọng của khí Carbonmonoxit đó chính là ngay khi chất này xâm nhập vào cơ thể sẽ nhanh chóng liên kết với chất Emotobin và tạo ra khí Carbonemotobin.
Carbonemotobin là chất rất háu oxy nên sẽ kết dính với oxy. Khi nạn nhân hít phải càng nhiều Carbonemotobin thì sẽ dẫn tới tình trạng thiếu oxy và cuối cùng nạn nhân sẽ tử vong.
Trên thực tế, chúng ta chỉ có thể biết được nạn nhân có bị ngạt khí hay không khi đã đưa nạn nhân ra khu vực an toàn. Người bị ngạt khí sẽ bị chẹt đường thở, không có oxy lên não nên sẽ xuất hiện tình trạng tím tái, tím môi, mặt.
"Nguyên tắc vàng" để không ngạt khói và khí độc
Là một nạn nhân vừa thoát khỏi đám cháy tại karaoke An Phú, thuộc phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương vào đêm ngày 6/9, chị N. sợ hãi nhớ lại: "Khi chúng tôi ngồi trong phòng nghe mùi khét và mở cửa ra thì khói đã cuộn vào tới phòng. Lúc đó tiếng la hét vang lên, tôi đã chạy vào toilet để tránh nạn nhưng khói vẫn tràn vào. Cuối cùng tôi quyết định chạy lên tầng thượng".
Theo chị N., quá trình để lên được tầng thượng lúc này rất khó khăn, khói lửa đã bùng lên dữ dội tại khu vực cầu thang. Thấy một vài người nhảy từ tầng thượng xuống để thoát thân nên tôi cũng định nhảy lầu. May thay lúc đó nhiều người phía dưới hô lên đừng nhảy nên tôi đã bình tĩnh lại. Ít phút sau đó chị N. đã được các chiến sĩ lính cứu hỏa giải cứu thành công.
Việc trang bị các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, các kỹ năng thoát hiểm và sinh tồn khi xảy ra hỏa hoạn là điều vô cùng cần thiết và cấp bách. Tại vụ cháy quán karaoke An Phú vừa mới đây, nhiều người lựa chọn trốn vào toilet để tránh nạn. Song chính hành động này lại đã gây ra cái chết cho rất nhiều nạn nhân trong đám cháy này.
Theo các chuyên gia, trong một đám cháy thường sẽ hình thành 2 vùng cơ bản đó là vùng có khói và khí độc, và vùng không khí ít khí độc hơn. Theo nguyên tắc, vùng không gian sát trần nhà sẽ chứa nhiều khói và khí độc hơn so với vùng gần dưới sàn.
Vậy nên, tuyệt đối không di chuyển trong tư thế đứng vì sẽ có thể hít phải khí độc và khói, lúc này nguy cơ nạn nhân rơi vào tình trạng hôn mê, tử vong là rất lớn. Các nạn nhân có thể tử vong chỉ sau 5-10 phút hít phải khí độc từ đám cháy.
Thay vào đó, để có thể di chuyển ra khỏi đám cháy một cách an toàn nhất thì nạn nhân nên di chuyển bằng cách ngồi hoặc bò sát sàn nhà. Đồng thời, dùng khăn, vải, quần áo ướt che đường hô hấp để giảm thiểu lượng khí độc đi vào phổi, tránh tình trạng ngạt, rối loạn chuyển hóa hô hấp,...
Theo ông Đỗ Sơn, điều quan trọng nhất là nạn nhân phải thật sự bình tĩnh, không hoảng loạn, xô đẩy nhau. Sau đó, tìm lối thoát hiểm và di chuyển bằng cách bò sát mặt sàn hoặc tìm vị trí an toàn để chờ đội cứu hộ.
Lưu ý, ngay sau khi thoát khỏi đám cháy và khói lớn, các nạn nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm do ngạt hoặc ngộ độc khí. Vậy nên, ngay khi đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và cấp cứu kịp thời.