Đang mùa nắng nóng, mọi người nhao xuống biển, nhưng cũng có người e ngại. Nhớ có cái ảnh biển Sầm Sơn ngày nào, người đông hơn kiến, san sát nhau như tăm đặt trong lọ. Thế nhưng không xuống biển thì đi đâu trong những ngày nắng khủng khiếp này. Mà tôi lại có đến mấy ngày nghỉ giữa 2 cuộc họp, bay về thì sân bay đang dừng bay để sửa chữa, phải trung chuyển rất vất vả. Thế thì... Sầm Sơn.
Hà Nội nóng nắng kiểu bê tông hóa và cây xanh bị bức tử, còn miền Trung thì nắng nóng kiểu gió Lào. Gió Lào là “đặc sản” ám ảnh của người miền Trung, dù Thanh Hóa chỉ có gió Lào rớt, không phải rốn... Nên ngay dân ở Thanh Hóa cũng nhăm nhăm trực chỉ Sầm Sơn.
Buâng khuâng biển Sầm Sơn.
Vợ chồng chú em rất nhiệt tình, lao xe từ thành phố Thanh Hóa xuống Sầm Sơn tìm tôi, tưởng chỉ mời ăn chiều xong thì về, té ra nó lấy phòng ngủ lại. Bữa ăn chiều đầy chất.... chủ nhà, bởi chúng chạy ra tận làng chài để ăn, tránh xa cái không khí du lịch đặc quánh ở thị xã trẻ này. Đồ rất tươi và rất rẻ. Tươi thì tôi biết, còn rẻ là cô em dâu công bố khi tôi tò mò muốn xem cái bill. Chủ quán đúng là dân chài thứ thiệt. Khi tôi hỏi cá khoai, ông nói mùa này không có. Hỏi có gỏi cá không, ông nói chỉ 3 loại cá làm gỏi được, nhưng hiện tại chỉ tươi chứ không sống. Như người ta khách đặt thì cứ vào làm, có đau bụng hay ngộ độc thì cũng ít nhất là mai mới bị. Nhưng ông này quyết không làm, bảo bác thông cảm, nhà em chỉ nói thật là nó tươi chứ không sống, mà ăn sống thì phải thật sống mới không bị.... sống...
Về lại phòng nghỉ thì đã hơn 10 giờ đêm, tôi rủ em dâu là giáo viên cấp 3 ở thành phố Thanh Hóa và 2 đứa cháu đi dạo Sầm Sơn đêm bằng xe điện. Cu em thì bị mấy chú nhân viên nhà khách mời nhập cuộc nhậu khuya...
Giá rất rẻ, 100 nghìn một vòng Sầm Sơn. Sở dĩ tôi muốn đi bởi lúc đi ăn chiều ngồi trên ôtô tôi vô cùng ngạc nhiên vì thấy có nhiều đoạn Sầm Sơn giờ giống hệt Hồng Công hoặc Ma Cao. Tôi đã nhiều lần đến Sầm Sơn, nói thật là thấy nó cứ nhếch nhác thế nào. Nhưng giờ thì khác hẳn, đâu ra đấy, dù thi thoảng vẫn đọc báo thấy chê trách điều này điều khác.
Điều lạ là, cả chú lái xe điện lẫn những người tôi gặp trên đường đều khen ông Triều, Chủ tịch thị xã Sầm Sơn hiện tại. Người thì khen có tầm nhìn, người khen ông minh bạch, người khen không tham, người khen quyết đoán... Ví dụ tay lái xe điện nói, từ hồi ông Triều lên thì công an thị xã không rình bắt bạc nữa. Tất nhiên đánh bạc chuyên nghiệp thì phải bắt, nhưng khách du lịch trong đoàn, đêm về rủ nhau đánh chơi thì không được bắt, bởi ông lập luận: Người ta đến mình du lịch, chả có trò gì chơi (lỗi của mình), người ta tự tổ chức chơi vui vẻ thì bắt cái gì. Các ki-ốt ngày xưa cũng rất lộn xộn, giờ thấy ngăn nắp trật tự. Dân chài chuyển sang làm dịch vụ du lịch, dẫu chân chất thô sơ nhưng bù lại lại đáng yêu ở khoản thật thà, trừ thi thoảng nổi máu tham hoang dã, thì lại bị tuýt còi ngay. Chuyện giá cả cũng thế, phải niêm yết rất rõ ràng, anh nào tự ý “nhô” lên là bị “beng” ngay. Đại loại thế, nghe dân nói thế, chứ tôi không có dịp kiểm chứng. Hay chuyện mại dâm, tôi hỏi có không? Tay lái xe bảo làm sao mà không có được hả anh, anh đi khắp nước, khắp thế giới, có chỗ nào làm du lịch mà không có sex không? nhưng ở đây giờ kín đáo và “lịch sự” hơn chứ không như xưa, cứ phơi ra như phơi... cá và nhốn nháo như tôm trong rổ...
Nghe dân khen ông Triều tôi liên tưởng đến ông Nguyễn Sự ở Hội An. Cả hai ông này tôi đều chỉ mới văn kỳ thanh. Ông Sự thì tôi nghe và đọc từ các đồng nghiệp của tôi. Còn ông Triều này mới chỉ nghe từ mấy người nông dân lao động thứ thiệt, những người lẽ ra là phải thường trực bao nỗi bức xúc trong lòng vì nhiều nhẽ, cả những oan ức thứ thiệt và a dua chửi cho sướng mồm. Nhưng cô em dâu là giáo viên văn cấp 3 ở thành phố Thanh Hóa và ông bạn nhà thơ Lê Quang Sinh người Thanh Hóa thứ thiệt đều đồng lòng nói, họ nói đúng đấy khi nghe tôi kể lại những gì mình vừa chứng kiến thì thấy những gì tôi nghe không phải là vô bằng nữa rồi, mà nó là thực tế. Và nếu thế thì... lạ. Sầm Sơn này, cũng như nhiều khu du lịch biển phía Bắc, chỉ có thể “làm ăn” được trong vài ba tháng. Nên cái câu “mài dao cả năm chặt chém vài ba tháng” mà dân hay nói là đúng, và có lý, và về mặt nào đó cũng nên thông cảm thể tất. Các vùng biển phía Nam quanh năm nắng gió nên quanh năm là mùa du lịch. Ở đây, năm chỉ được vài ba tháng, còn là ngồi co ro nhìn biển động, nhìn mưa, nhìn lạnh. Nữa nhé, đất Sầm Sơn đang biến thành nhà hàng, khách sạn, các resort... mà các ông chủ yếu là từ nơi khác đến. Còn chủ thật sự, tất nhiên có một cục tiền đền bù, nhưng không căn cơ, giờ đi làm thuê cho các ông chủ, hoặc buôn bán nhỏ. Số này là hay gây ra những vụ chặt chém. Nhưng giờ ai nấy an tâm làm ăn. Hỏi tay xe điện, anh ta nói đầu tư cái xe mấy trăm triệu, chạy một năm được vài tháng, giá cả công khai, nhưng nếu chăm chỉ cũng có ăn. Ông chủ quán võng Đức Hạnh ở làng chài tôi ngồi cũng bảo, so với ngày xưa thì cũng “đủ gạo ăn” anh ạ. Tôi nói đùa, gạo giờ rất rẻ, đủ ăn là đương nhiên, còn lại thì sắm vàng chứ, chỉ thấy cười rất mãn nguyện…
Cũng khác ngày xưa, Sầm Sơn giờ thức rất khuya. Nửa đêm rồi mà còn nhộn nhịp lắm, cũng có thể nóng quá, khách nằm dài trong phòng lạnh, khuya mới đổ ra phố mua sắm và ăn. Đến Sầm Sơn mới thấy con ghẹ ở đây cũng khác các nơi khác, nó to và tròn gần như cua, chứ không dẹt và dài như ghẹ tôi thường thấy. Tất nhiên như thế thì thịt sẽ nhiều hơn.
Đau đớn nhất là đã lên xe rồi còn chạy lên phòng lấy cái máy ảnh đeo toòng teng trên cổ. Đến lúc cần chụp, bấm xong, máy báo: No memory card. Té ra card máy ảnh đang nằm trong máy tính, đành chụp bằng điện thoại. Mà nhà báo chuyên nghiệp thì không bao giờ chấp nhận dùng ảnh từ điện thoại nên bài này không có ảnh Sầm Sơn đêm mà chỉ có ảnh biển Sầm Sơn chiều chụp lúc ăn ở làng chài…
Sáng sau trả phòng, chú em tôi trả 600 ngàn cho một phòng ngủ 2 giường ở cái nhà khách đúng nghĩa nhà khách. Nghe nói đúng giá là 800, nhưng hôm qua chú ấy có... cò kè trả giá, bớt được 200...
Bài&ảnh: VĂN CÔNG HÙNG