Bệnh nhân Hoàng Thị Vịnh (77 tuổi, Hoàng Cầu, Đống Đa, Hà Nội) là một trong những bệnh nhân đầu tiên được áp dụng phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu điều trị bệnh thoái hóa khớp tại BV Hữu Nghị cách đây 2 năm. Sau đó, bệnh thoái hóa khớp của bà tiến triển tốt, có thể đi lại bình thường, hàng ngày bà có thể đi chợ - điều mà trước khi tiêm bà không thể làm được. Tự mình có thể sinh hoạt và giúp đỡ cho con cháu việc nhà cửa, cơm nước, bà Vịnh thấy cuộc sống rất vui vẻ, phấn khởi.
Tháng 10/2019, bà Vịnh quay lại BV Hữu Nghị để tiêm huyết tương giàu tiểu cầu lần thứ 2. Theo BS. Phạm Phương Thảo - Phó trưởng Khoa Cơ Xương Khớp, bệnh nhân Vịnh vốn có tiền sử bệnh tật rất phức tạp: bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, đã từng đặt stent mạch vành, thoát vị đĩa đệm và đau khớp gối. Khi điều trị bằng phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, các bác sĩ đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng vì phải điều trị phối hợp nhiều bệnh khác nhau làm sao để đạt kết quả tốt nhất cho người bệnh.
Trường hợp khác, bệnh nhân Nguyễn Huy Ngọc (82 tuổi, trú tại Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) mắc bệnh thoái hóa khớp hơn 5 năm nay, đã điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Bệnh ngày càng tiến triển nặng, khớp gối "lạo xạo" mỗi khi cử động, đi lại khó khăn nhất là khi cụ đi lên, xuống cầu thang cảm giác không thể nhấc chân lên nổi.
Bác sĩ Phạm Phương Thảo thăm khám cho bệnh nhân Ngọc.
Bệnh nhân Ngọc chia sẻ, trước đây cụ hay đi tập thể dục quanh hồ Ngọc Khánh nhưng thời gian gần đây thì hầu như không thể đi được. Lần này cụ đến BV Hữu Nghị khám và được các bác sĩ tư vấn nên tiến hành tiêm huyết tương giàu tiểu cầu. Bởi lẽ theo các bác sĩ, bệnh của bệnh nhân đang ở giai đoạn 3, nếu áp dụng phương pháp này sẽ đạt được hiệu quả tốt.
Nên tiêm sớm để đạt hiệu quả điều trị cao
Các bác sĩ cho biết, trước đây thoái hóa khớp thường xảy ra ở người già tuy nhiên, hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hoá, những người khoảng hơn 20 tuổi đến 30 tuổi đã bị thoái hóa khớp. Các vị trí thoái hóa thường gặp nhất bao gồm: Cổ, thắt lưng, vai, gáy… Bệnh gây ra những cơn đau dữ dội, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đời sống sinh hoạt hàng ngày của người mắc phải. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, người bệnh phải đối mặt với nhiều nguy cơ như tàn tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Theo BS. Thảo, phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu thường được áp dụng cho bệnh nhân thoái hóa khớp ở giai đoạn sớm 2 hoặc 3, tránh các cuộc mổ không cần thiết, liệu trình tiêm 2 mũi trong vòng 2 tháng. Với bệnh nhân ở giai đoạn 1 thì có thể áp dụng các biện pháp điều trị nội khoa; còn nặng như giai đoạn 4 dính khớp lệch trục thì phải thay khớp.
"Các bác sĩ sẽ lấy khoảng 30ml máu của người bệnh cho vào máy chiết tách li tâm ngay tại chỗ. Sau đó tiêm trực tiếp huyết tương giàu tiểu cầu cho bệnh nhân. Trong huyết tương giàu tiểu cầu có yếu tố giúp phục hồi, tái tạo sụn khớp tốt. Do lấy máu tự thân của chính bệnh nhân, qua quá trình chiết tách li tâm sau đó tiêm vào khớp của bệnh nhân nên tính an toàn rất cao"- chuyên gia xương khớp cho hay.
Bác sĩ tiến hành tiêm huyết tương giàu tiểu cầu cho bệnh nhân để điều trị thoái hóa khớp.
Huyết tương giàu tiểu cầu là huyết tương có lượng tiểu cầu nhiều gấp 2-10 lần so với huyết tương bình thường (chỉ chứa khoảng 6% tiểu cầu) do quá trình ly tâm. Tiểu cầu khi bị vỡ sẽ giải phóng ra nhiều loại protein như: Yếu tố tăng trưởng có nguồn gốc tiểu cầu, yếu tố biến đổi tăng trưởng, yếu tố tăng sinh mạch, yếu tố tăng trưởng biểu bì... các protein này có tác dụng kích thích phân bào, kích thích tạo mạch máu, kích thích tăng sinh sụn, tái cấu trúc xương, giảm hủy xương, chống phản ứng viêm... do đó có tác dụng giảm đau mạnh, kéo dài, chống hủy sụn, hủy xương ở khớp bị thoái hóa.
BS. Nguyễn Thị Lan cho hay, khi chưa có phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu thì thường điều trị bằng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu hoặc can thiệp ngoại khoa nội soi khớp (cắt lọc, rửa khớp, tiêm thuốc tại khớp..), thay khớp. Song các phương pháp này đa số chỉ giải quyết triệu chứng, hiệu quả còn nhiều hạn chế.
Phương pháp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào khớp để điều trị thoái hóa khớp là phương pháp hiện đại, được áp dụng trong những năm gần đây đã cho thấy hiệu quả, an toàn rất cao khi điều trị thoái hóa khớp gối giúp giảm đau nhanh, hồi phục chức năng vận động khớp tốt, tác dụng lâu dài.
Các bác sĩ khuyến cáo, với các bệnh nhân thoái hóa khớp nên đi khám và điều trị sớm để đạt kết quả tốt. Bệnh nhân nên tập các môn thể thao như bơi, đạp xe và tập các động tác hạn chế dồn trọng lượng cơ thể lên các khớp. Nếu muốn đi bộ, người bệnh nên đeo băng chun, và cứ mỗi từ 5-10 phút thì nên nghỉ ngơi.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, giai đoạn 2010 – 2020 được WHO lựa chọn là “Thập niên của xương khớp”. Các bệnh liên quan đến xương khớp cũng như cột sống là 1 trong 10 nguyên nhân gây tàn phế.
Tại Việt Nam, thống kê chưa đầy đủ thì tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp hiện nay vào khoảng 80%.