Hà Nội

Thoái hóa khớp là gì, có chữa được không?

15-03-2023 09:09 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp háng, thoái hóa khớp cổ chân... là những vị trí thoái hóa khớp thường gặp. Nếu không được điều trị sẽ rất nguy hiểm.

Thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa của khớp theo tuổi. Điều này tương tự như các biểu hiện tóc bạc hay da đồi mồi. Đầu tiên trong quá trình thoái hóa khớp là sụn khớp bị hủy hoại. Tiếp đến, phần khớp bị bong tróc thành mảng có những vị trí loét thành ở sụn đến tận đáy làm trơ xương ra. Dần dần làm tổn thương tất cả các cấu trúc khác của khớp như bao hoạt dịch khớp, xương, dây chằng, gân, cơ.

Thoái hóa khớp là gì, có chữa được không? - Ảnh 1.

PGS.TS.BS Nguyễn Vĩnh Ngọc - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Vì sao bị thoái hóa khớp, nguyên nhân thoái hoá khớp

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp là gì? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp.

- Tuổi tác. Tuổi càng cao thì quá trình thoái hóa khớp xảy ra càng nhiều và càng mạnh. 

- Di truyền. Do sự hư hỏng của các gen giúp quá trình hình thành sụn khớp. Cơ thể sản xuất ra các sụn, khớp yếu ớt làm cho quá trình thoái hóa khớp diễn ra sớm. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới thoái hóa khớp chính, thậm chí là ở người trẻ tuổi.

- Tình trạng thừa cân, béo phì. Điều này làm tăng tải trọng lên khớp, từ đó dẫn đến việc khớp bị hư hỏng sớm. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng các phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp cao gấp 4 lần phụ nữ bình thường. Nam giới béo phì có nguy cơ mắc thoái hóa khớp cao gấp 5 lần so với nam giới bình thường.

- Nguyên nhân chấn thương. Chấn thương từ tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, tai nạn lao động… gây hủy hoại sụn khớp trực tiếp. Một khi đã làm tổn thương một thành phần của khớp như dây chằng, sụn trên sẽ kéo theo sự hủy hoại của toàn bộ khớp. Điều này giống như hiệu ứng domino.

Thoái hóa khớp là gì, có chữa được không? - Ảnh 2.

Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ tàn tật cho người bệnh.

- Sử dụng khớp quá nhiều với tần suất cao. Những người làm công việc bốc vác nặng, mang vác vật nặng ở tư thế xấu, thợ thủ công, sử dụng máy công nghiệp nặng…

- Các bệnh cơ xương khớp khác như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, loãng xương…  Các bệnh xương khớp này sẽ làm hư hỏng khớp ở các mức độ khác nhau dẫn đến hậu quả là khớp bị yếu và thoái hóa sớm. 

Thoái hóa khớp có chữa được không

Vì thoái hóa khớp là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể nên gần như khó tránh khỏi. Tuy nhiên chúng ta có thể làm chậm quá trình thoái hóa đó. Ngoài ra có thể phục hồi được những cấu trúc khớp bị thoái hóa và phục hồi được những khả năng vận động của bệnh nhân. Đã có những bệnh nhân được điều trị và giữ được tình trạng ổn định trong vòng chục năm. 

Thoái hóa khớp là gì, có chữa được không? - Ảnh 3.

Thoái hóa khớp ngày càng có xu hướng trẻ hóa.

Làm sao để không bị thoái hóa khớp, cách phòng ngừa thoái hoá khớp

- Duy trì cân nặng hợp lý. Việc kiểm soát cân nặng hoặc giảm cân ở những người thừa cân, béo phì là cách để phòng ngừa thoái hóa khớp. Nếu trọng lượng cơ thể càng lớn, áp lực đè lên các khớp cũng tăng theo. Đặc biệt là với các vùng lưng, khớp háng, khớp gối và bàn chân.

- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường cơ bắp và sức mạnh của khớp. Cơ bắp khỏe sẽ giúp giảm bớt áp lực đè nén lên khớp xương trong quá trình vận động. Tuy nhiên nên lựa chọn các môn thể thao vừa với sức lực cơ thể. Việc gắng tập quá sức hay nóng vội trong lúc tập luyện sẽ dễ gây ra chấn thương hoặc ảnh hưởng tới các lớp sụn mới còn non yếu.

- Hạn chế mang vác vật nặng, ngồi sai tư thế.

- Chế độ ăn uống khoa học và hợp lý. Trong trường hợp cần thiết thì bổ sung các dưỡng chất tốt cho sự phát triển của cơ xương khớp. Giảm bớt những loại thực phẩm có hàm lượng purin và fructozo cao. Hạn chế các món ăn làm tăng mỡ máu. Tăng cường các loại hoa quả trái cây có nhiều vitamin C... 

Xem thêm video được quan tâm:

Những cách tự nhiên giúp trẻ giảm ho, sổ mũi hạn chế dùng thuốc


PGS.TS.BS Nguyễn Vĩnh Ngọc
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn