Thoái hóa khớp gối và biện pháp phòng ngừa

04-06-2020 20:10 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Khớp gối chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất so với các khớp khác, chính vì thế, khớp gối rất dễ bị thoái hóa.

Thoái hóa khớp gối làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và lao động hàng ngày của người bệnh. Nếu không chữa trị sớm và đúng phương pháp có thể gây biến chứng, thậm chí tàn phế.

Nguyên nhân do đâu?

Thoái hóa khớp là hậu quả của quá trình sinh học và cơ học là mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp và hủy sụn khớp, xương dưới sụn, dây chằng, các cơ cạnh khớp và màng hoạt dịch.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối rất đa dạng, thường hay gặp nhất là lão hóa, nhất là ở những người có tiền sử lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều (công nhân bốc vác...), đứng lâu do nghề nghiệp (người nội trợ, công nhân đứng máy...) hoặc béo phì càng ngày càng tăng cân, đặc biệt là những người bị béo phì từ lúc còn trẻ, tăng dần theo tuổi tác cho đến khi có tuổi. Nhiều trường hợp thoái hóa khớp gối do bị chấn thương khớp gối (đứt dây chằng khớp gối, vỡ, nứt lồi cầu dưới xương đùi hoặc xương chày hoặc nứt, vỡ xương bánh chè... bởi các nghề nghiệp khác nhau). Thoái hóa khớp gối có thể do yếu tố thuận lợi của trục chi dưới, bởi bất thường về giải phẫu (hoặc lệch sang trái hoặc lệch sang phải) hoặc do tổn thương ở khớp gối bởi các nguyên nhân do viêm nhiễm (nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp...). Ngoài ra, thoái hóa khớp gối có thể bởi chấn thương xương đùi, xương chậu (vỡ, rạn, nứt, gãy...).

Thoái hóa khớp gối nếu không chữa trị sớm và đúng cách có thể gây biến chứng.

Thoái hóa khớp gối nếu không chữa trị sớm và đúng cách có thể gây biến chứng.

Thoái hóa khớp tiến triển thế nào?

Thoái hóa khớp gối là tình trạng loạn dưỡng của khớp gối, trước hết biểu hiện sự biến đổi ở bề mặt sụn khớp, sau đó là biến đổi ở bề mặt khớp, hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến biến dạng khớp gọi là hư khớp (thoái hóa khớp), ảnh hưởng lớn đến vận động.

Ở giai đoạn đầu, khớp gối chưa hư ngay do dịch trong bao khớp chưa bị ảnh hưởng nhiều (chưa hao hụt nhiều). Khi khớp bị thương tổn nhiều làm ảnh hưởng đến bao khớp (biến đổi ở bề mặt khớp, hình thành gai xương...), dịch khớp sẽ càng ngày càng kém đi cả về lượng và chất. Vì vậy, làm cho độ ma sát giữa các đầu khớp sẽ tăng lên, trong khi lực tác động của trọng lực cơ thể vẫn không đổi hoặc tăng lên (tăng cân, béo phì...), càng ngày mặt sụn khớp gối càng bị hao mòn dần dần dẫn đến hẹp khe khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp gối, gây đau, vận động khó khăn. Một số trường hợp do mất sụn khớp hoàn toàn cho nên sự tiếp xúc chỉ xảy ra giữa xương với xương nên rất đau, nhất là khi cử động, vận động cơ thể, thậm chí gây tàn phế rất khó đi lại.

Ở người trẻ cũng có thể bị thoái hóa do chấn thương không hồi phục gây ra (chạy nhảy, chơi thể thao, lao động chân tay, mang vác nặng kéo dài...), tuy vậy, đại đa số thoái hóa khớp gối thường xảy ra ở người lớn tuổi, đặc biệt là người cao tuổi.

Dấu hiệu nhận biết

Đau ở khớp gối bị thoái hóa là dấu hiệu xuất hiện sớm nhất (đau quanh khớp gối hoặc chỉ đau một vài điểm quanh khớp gối), lúc đầu đau chỉ xuất hiện nhẹ, nhất là lúc đi lại nhiều hoặc lúc lên xuống cầu thang hoặc lên dốc. Đau thường xuất hiện vào ban đêm. Khớp gối có thể bị sưng lên do viêm hoặc do tràn dịch khớp, nếu được chọc hút dịch ra, đau sẽ giảm nhưng có thể tái phát vài ngày sau đó. Càng về sau, người bị thoái hóa khớp gối có thể bị cứng khớp, biểu hiện rõ nhất là lúc sáng sớm, khi vừa ngủ dậy làm cho vận động khó khăn, đau khớp, nếu xoa bóp, co duỗi nhẹ nhàng, sau vài phút, hiện tượng cứng khớp sẽ giảm, đỡ đau hơn và đi lại bình thường, nhưng ngày hôm sau có thể lại xuất hiện giống như ngày hôm trước.

Hình ảnh trên phim chụp Xquang của bệnh thoái hóa khớp gối.

Hình ảnh trên phim chụp Xquang của bệnh thoái hóa khớp gối.

Những biến chứng

Biến chứng hay gặp nhất, thể hiện sớm nhất là cứng khớp. Cứng khớp sẽ ngày một gia tăng làm hạn chế vận động, hạn chế gấp, duỗi khớp gối, càng về sau có thể làm biến dạng khớp gối (chi dưới bên khớp gối thoái hóa bị cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài), nếu thoái hóa cả hai khớp gối thì việc di chuyển cực kỳ khó khăn cho người bệnh. Cứng khớp và biến dạng khớp càng ngày càng rõ rệt hơn, vì vậy, đi lại khó khăn, thậm chí phải dùng nạng, xe đẩy hoặc ngồi xe lăn hoặc phải có người hỗ trợ mới đi lại được.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng ngừa thoái hóa khớp gối, cần phải kiểm soát cân nặng, chống béo phì bằng cách tập thể dục điều  đặn, vừa sức, có một chế độ ăn khoa học. Nên bổ sung canxi và các thực phẩm giàu canxi như thịt, tôm, cua. Bổ sung vitamin D, C, acid folic trong các loại rau. Dùng dầu có chứa acid béo không no, omega-3 trong sữa đậu nành, hạnh nhân, dầu oliu. Tăng cường các loại trái cây như chanh, cam, đu đủ, bưởi. Tránh ăn mỡ, bơ, xúc xích, nước ngọt, kiêng uống rượu và hút thuốc lá. Chú ý khi làm việc và khiêng vác vật nặng, chỉnh tư thế cho thẳng, cúi, khom khi nâng vật gì không được nghiêng qua nghiêng lại nhiều sẽ ảnh hưởng đến khớp gối, cột sống lưng. Tránh ngồi lâu, đứng lâu, nằm lâu. Khi làm việc hay lao động, tập luyện, nếu thấy đau ở khớp gối thì ngừng, thư giãn, không gắng sức. Bảo vệ bất trắc khi đi ra đường và khi có biểu hiện đau, cần có sự trợ giúp của người thân hay tư vấn của bác sĩ.


BSCKII. Trần Văn Trung
Ý kiến của bạn