Hà Nội

Thoái hóa khớp gối khiến sụn bị mài mòn theo năm tháng

18-11-2021 09:00 | Y học 360
google news

Theo nghiên cứu thống kê, thoái hóa khớp gối ở Việt Nam chiếm khoảng 15-19% dân số.

Thoái hóa khớp gối là nguyên nhân chính gây ra tàn tật ở người cao tuổi. Mặc dù tuổi là một yếu tố nguy cơ chính gây thoái hóa khớp gối, nhưng hiện nay, người trẻ cũng có xu hướng mắc phải căn bệnh này. Nguyên nhân thoái hóa khớp gối có thể do di truyền, chấn thương, nhiễm trùng hoặc thừa cân.

Thoái hóa khớp gối khiến sụn bị mài mòn theo năm tháng - Ảnh 1.

Thoái hóa khớp gối là gì?

Thoái hóa khớp là tình trạng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp - sụn bị mòn đi. Khi điều này xảy ra, xương của các khớp cọ xát với nhau và sụn bị giảm tính chống sốc cho khớp. Sự cọ xát dẫn đến đau, sưng, cứng, giảm khả năng cử động và hình thành các gai xương.

Thoái hóa khớp gối khiến sụn bị mài mòn theo năm tháng - Ảnh 2.

Trong đó, khớp gối chịu lực tác động của toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất so với các khớp khác, chính vì thế, khớp gối rất dễ bị thoái hóa. Thoái hóa khớp gối gây đau kéo dài, làm biến dạng khớp gối, giảm chức năng sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến mất khả năng vận động, tàn phế và thậm chí phải ngồi xe lăn.

Triệu chứng thoái hóa khớp gối

- Đau tăng lên khi hoạt động, nhưng sẽ đỡ hơn một chút khi nghỉ ngơi.

- Sưng tấy.

- Cảm giác nóng trong khớp.

- Cứng khớp gối, đặc biệt là vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu.

- Giảm khả năng vận động của đầu gối, gây khó khăn khi ra vào ghế hoặc ô tô, đi cầu thang hoặc đi bộ.

- Âm thanh lạch cạch phát ra khi đầu gối cử động.

Biến chứng của thoái hóa khớp gối

- Thoái hóa khớp gối gây đau kéo dài, làm biến dạng khớp gối, giảm chức năng sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến mất khả năng vận động, tàn phế và thậm chí phải ngồi xe lăn.

photo-1637112834498

Điều trị thoái hóa khớp gối

Mục tiêu chính của việc điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau và duy trì khả năng vận động. Kế hoạch điều trị thường sẽ bao gồm sự kết hợp của những điều sau:

- Giảm cân.

- Tập thể dục: Tăng cường các cơ xung quanh đầu gối giúp khớp ổn định hơn và giảm đau. Các bài tập kéo căng giúp khớp gối di động và linh hoạt.

- Thuốc giảm đau và thuốc chống viêm: Không tự ý dùng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

- Tiêm corticosteroid hoặc axit hyaluronic vào đầu gối.

- Các liệu pháp thay thế bao gồm kem bôi có chứa capsaicin, các chất bổ sung (glucosamine, chondroitin,…).

- Sử dụng nạng, nẹp hỗ trợ giảm trọng lượng ra khỏi phía đầu gối bị thoái hóa; và nẹp "hỗ trợ" cho toàn bộ đầu gối.

- Vật lý trị liệu và vận động nhằm tăng cường cơ bắp và tăng tính linh hoạt cho khớp, vận động nhẹ nhàng như làm việc nhà.

- Phẫu thuật: Khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, phẫu thuật là một lựa chọn tốt.

Yếu tố nguy cơ thoái hóa khớp gối

- Nữ giới có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới.

- Người trên 60 tuổi, tuổi càng cao thì nguy cơ càng tăng.

- Người béo phì, thừa cân nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn, do khớp phải chịu lực tác động lớn từ chính cơ thể.

- Chấn thương (gãy xương khớp, lệch…), tổn thương viêm tại khớp gối và lâu dần dẫn đến thoái hóa khớp gối.

- Bất thường trục khớp gối bẩm sinh (khớp gối quay ra ngoài, quay vào trong, quá duỗi…).

- Chấn thương khớp hoặc hoạt động quá sức chẳng hạn như gập đầu gối và căng thẳng lặp đi lặp lại trên khớp, có thể làm hỏng khớp và tăng nguy cơ viêm khớp ở khớp đó.

Nếu có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ trên, cần đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh thoái hóa khớp gối

- Cứng khớp dưới 30 phút.

- Lục khục khi cử động khớp.

- Biến dạng khớp.

Khi có một trong các dấu hiệu kể trên, bạn cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị.

Thoái hóa khớp gối khiến sụn bị mài mòn theo năm tháng - Ảnh 4.

Ảnh: ADCREW

Truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe về các bệnh cơ xương khớp thường gặp nằm trong chương trình chăm sóc sức khỏe Việt, do Cục Y tế dphòng - Bộ Y tế và Công ty Davipharm phối hợp thực hiện, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về dự phòng, phát hiện sớm nguy cơ mắc một số BKLN phổ biến cũng như chẩn đoán sớm và kiểm soát tốt BKLN.

Phòng, chống BKLN hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải y tế, cải thiện sức khỏe cho người Việt Nam đặc biệt trong đại dịch toàn cầu COVID-19. Đây là mục tiêu đầy tính nhân văn của chương trình Chăm sóc sức khỏe Việt, thông qua chương trình, Davipharm (https://davipharm.info/vi/) trở thành công ty trong nước tiên phong với cam kết đồng hành dài hạn cùng Cục Y tế dphòng, chung tay giảm gánh nặng các BKLN và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam. Bạn có thể truy cập vào Fanpage Chăm sóc sức khỏe Việt để có những thông tin hữu ích và hỗ trợ từ chuyên gia. Chúng tôi luôn ở đây để hỗ trợ bạn.

Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị.


PV
Ý kiến của bạn