Thoái hóa khớp gối khi nào cần phẫu thuật?

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Khánh

Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức

09-08-2021 15:38 | Phòng mạch online
google news

Thoái hóa khớp gối là bệnh mạn tính, gây đau đớn kéo dài, giảm và mất khả năng vận động… Nhiều người băn khoăn thoái hóa khớp gối phải làm thế nào, khi nào cần phẫu thuật? PGS.TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh- Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình 1, BV Việt Đức chia sẻ về vấn đề này.

Thoái hóa khớp gối

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh, thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý hay gặp với khá nhiều phiền toái cho người bệnh. Mức độ nhẹ có thể điều trị bằng thuốc, chế độ vận động, sinh hoạt hợp lý. Tuy nhiên, khi đã thoái hóa nặng, khớp biến dạng, đi lại khó khăn, điều trị thuốc không hiệu quả thì thay khớp gối nhân tạo là một giải pháp mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

Khớp gối thoái hóa khi nào?

Khớp gối có vai trò quan trọng đối với hoạt động sống của con người, gánh toàn bộ cơ thể và vận động nhiều nhất nên rất dễ bị thoái hóa. Thoái hóa khớp gối là quá trình hủy hoại, bào mòn sụn và xương dưới sụn của khớp, gây nên những biến đổi ở bề mặt khớp, tăng sự lắng đọng can xi và các gai xương, dẫn đến các biến dạng khớp, làm hư khớp.

Thoái hóa khớp gối khi nào cần phẫu thuật? - Ảnh 1.

PGS.TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh-Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình 1, BV Việt Đức

Thoái hóa khớp gối là tình trạng lão hóa hoặc tổn thương ở mức độ nặng nơi sụn khớp gối và xương dưới sụn. 

 Kèm theo đó là các phản ứng sưng, viêm khớp gối, giảm dịch khớp dẫn đến sụn khớp hao mòn gây ra tình trạng cọ xát giữa xương đùi và xương chày… khiến bệnh nhân phải chịu những cơn đau buốt khi vận động, làm giới hạn vận động, biến dạng khớp gối, mất khả năng đi đứng bình thường.

Ai dễ bị thoái hóa khớp gối

Chia sẻ về những người dễ thoái hóa khớp, theo PGS.TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh, nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối có nhiều nhưng chủ yếu là do tuổi tác. 

Xong ngày nay do cuộc sống công nghiệp việc thoái hóa khớp gối cũng có thể gặp ở người trẻ tuổi.  Nguyên do là viêm khớp, chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn giao thông, rối loạn chuyển hóa, nội tiết, béo phì, vận động gắng sức, chế độ ăn uống thiếu khoa học…

Thoái hóa khớp gối khi nào cần phẫu thuật? - Ảnh 2.

Một ca phẫu thuật cho bệnh nhân thoái hóa khớp gối tại Bệnh viện Việt Đức.

Đối với thoái hóa khớp gối do tuổi tác thì thường gặp ở phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ mặc bệnh cao hơn. 

Thoái hóa khớp gối gây đau kéo dài, làm biến dạng khớp gối, giảm chức năng sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nếu không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn đến teo cơ, tràn dịch khớp tái diễn, mất khả năng vận động, tàn phế. BS Khánh chia sẻ thêm.

Thoái hóa khớp gối có cần phẫu thuật?

Giải đáp những thắc mắc này, PGS.TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh cho rằng, phẫu thuật thay khớp gối là giải pháp điều trị cuối cùng. Hiệu quả nhất cho các bệnh nhân thoái hóa khớp gối độ 3, 4, đặc biệt sau khi các biện pháp điều trị nội khoa không đáp ứng với tình trạng bệnh.

"Nếu các biện pháp can thiệp nội khoa, tập luyện không cải thiện, bệnh nhân thoái hóa khớp gối thể nặng (độ 3, 4) kéo dài lâu năm sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, sinh hoạt giảm… các bác sĩ sẽ cân nhắc có nên phẫu thuật hay không". BS. Khánh nói.

Nhiều bệnh nhân thoái hóa khớp gối mệt mỏi, đau nhức mất ngủ nhiều đêm…, dùng thuốc điều trị nội khoa dài ngày gây nhiều biến chứng như viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tổn thương gan, thận… 

Do đó, phẫu thuật khớp gối là giải pháp tối ưu. Nếu việc thoái hóa khớp gối được giải quyết điều này giúp bệnh nhân trở lại với sinh hoạt, lao động thường ngày. BS. Khánh khẳng định.

Thoái hóa khớp gối khi nào cần phẫu thuật? - Ảnh 3.

Tập vật lý trị liệu sau thay khớp gối.

Nói về kỹ thuật thay khớp gối BS Khánh cho biết, kỹ thuật thay khớp gối được triển khai tại Việt Nam từ những năm 2000. 

Với những bệnh nhân thoái khớp gối độ 1,2 hoặc bệnh nhân liên quan chấn thương khớp gối có thể được chỉ định phẫu thuật nội soi. Đây là một kỹ thuật ít xâm lấn đã thay thế phẫu thuật mở trong chấn thương chỉnh hình, giảm thiểu các tai biến phẫu thuật trong điều trị.

Tuổi thọ trung bình của khớp gối nhân tạo hiện nay trong khoảng 30-40 năm. Nên sau khi phẫu thuật, để tăng tuổi thọ, bệnh nhân nên hạn chế các vận động nặng, tuân thủ chế độ dinh dưỡng, tập luyện phục hồi chức năng thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ, kiểm tra khớp gối định kì để duy trì độ bền, phát hiện và xử trí những hao mòn của khớp gối, đảm bảo chất lượng cuộc sống hàng ngày. BS.Khánh khuyến cáo.

Người bệnh đi lại khó khăn, chân trái vẹo trong nhiều do thoái hóa khớp.


Hình ảnh người bệnh sau thay khớp gối trái 3 tuần, hết đau, đi lại không cần nạng, chân trái thẳng trục


Khánh Mai
Ý kiến của bạn