Hà Nội

Thoái hóa khớp gối: chữa sớm, tránh tàn phế

02-04-2020 13:13 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thoái hóa khớp gối (THKG) là tình trạng loạn dưỡng của khớp gối, trước hết biểu hiện sự biến đổi ở bề mặt sụn khớp, sau đó là biến đổi ở bề mặt khớp, hình thành các gai xương, cuối cùng dẫn đến biến dạng khớp gọi là hư khớp (thoái hóa khớp), ảnh hưởng lớn đến vận động.

Ở giai đoạn đầu, khớp gối chưa hư ngay do dịch trong bao khớp chưa bị ảnh hưởng nhiều (chưa hao hụt nhiều). Khi khớp bị thương tổn nhiều, làm ảnh hưởng đến bao khớp (biến đổi ở bề mặt khớp, hình thành gai xương...), dịch khớp sẽ càng ngày càng kém đi cả về lượng và chất, càng ngày mặt sụn khớp gối càng bị hao mòn dần dần, dẫn đến hẹp khe khớp ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp gối, gây đau, vận động khó khăn.

Đối tượng dễ bị THKG

Ở người trẻ cũng có thể bị thoái hóa do chấn thương không hồi phục gây ra (chạy nhảy, chơi thể thao, lao động chân tay, mang vác nặng kéo dài...), tuy vậy, đại đa số THKG thường xảy ra ở người lớn tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. Nguyên nhân gây THKG rất đa dạng, thường hay gặp nhất là lão hóa, nhất là ở những người có tiền sử lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều (công nhân bốc vác...), đứng lâu do nghề nghiệp (người nội trợ, công nhân đứng máy...) hoặc béo phì càng ngày càng tăng cân, đặc biệt là những người bị béo phì từ lúc còn trẻ. Nhiều trường hợp THKG do bị chấn thương khớp gối (đứt dây chằng khớp gối, vỡ, nứt lồi cầu dưới xương đùi hoặc xương chày hoặc nứt, vỡ xương bánh chè... bởi các nghề nghiệp khác nhau). Ngoài ra, THKG có thể bởi chấn thương xương đùi, xương chậu (vỡ, rạn, nứt, gãy...).

Lạm dụng tiêm khớp có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường, để lại hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc.

Lạm dụng tiêm khớp có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường, để lại hậu quả nghiêm trọng, đáng tiếc.

Biểu hiện của THKG

Đau ở khớp gối bị thoái hóa là dấu hiệu xuất hiện sớm nhất (đau quanh khớp gối hoặc chỉ đau một vài điểm quanh khớp gối), lúc đầu đau chỉ xuất hiện nhẹ, nhất là lúc đi lại nhiều, hoặc lúc lên xuống cầu thang hoặc lên dốc. Đau thường xuất hiện vào ban đêm. Khớp gối có thể bị sưng lên do viêm hoặc do tràn dịch khớp, nếu được chọc hút dịch ra, đau sẽ giảm nhưng có thể tái phát vài ngày sau đó. Càng về sau, người bị THKG có thể bị cứng khớp, biểu hiện rõ nhất là lúc sáng sớm, khi vừa ngủ dậy làm cho vận động khó khăn, đau khớp, nếu xoa bóp, co duỗi nhẹ nhàng, sau vài phút, hiện tượng cứng khớp sẽ giảm, đỡ đau hơn và đi lại bình thường, nhưng ngày hôm sau có thể lại xuất hiện giống như ngày hôm trước.

Biến chứng của THKG

Biến chứng hay gặp nhất, thể hiện sớm nhất là cứng khớp. Cứng khớp sẽ ngày một gia tăng làm hạn chế vận động, hạn chế gấp, duỗi khớp gối, càng về sau có thể làm biến dạng khớp gối (chi dưới bên khớp gối thoái hóa bị cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài), nếu thoái hóa cả hai khớp gối thì việc di chuyển cực kỳ khó khăn cho người bệnh. Cứng khớp và biến dạng khớp càng ngày càng rõ rệt hơn, vì vậy, đi lại khó khăn, thậm chí phải dùng nạng, xe đẩy hoặc ngồi xe lăn hoặc phải có người hỗ trợ mới đi lại được.

Làm gì để phòng tránh?

Thông thường, THKG là hiện tượng diễn ra ở hầu hết mọi người khi quá trình lão hóa bắt đầu, hiện tượng thoái khóa khớp gối gây đau nhức, sưng mỏi thường diễn ra chủ yếu ở người trong độ tuổi từ 55-60 trở đi. Tuy nhiên, hiện tượng thoái hóa khớp gối sẽ đến sớm hơn ở những đối tượng: Người béo phì, người thường xuyên phải đứng quá lâu, người ngồi xổm quá nhiều, người hay mang vác vật nặng...

Để chẩn đoán THKG, có thể chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính (CT), tốt hơn là chụp cộng hưởng từ (MRI). Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ cần tới cơ sở y tế để được thăm khám. Tuyệt đối không tự ý điều trị, không điều trị theo mách bảo.


BS. Trung Anh
Ý kiến của bạn