Thoái hóa khớp, dùng thuốc nào để ứng phó?

02-12-2021 09:02 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thoái hóa khớp thường bắt đầu từ tuổi trung niên và người cao tuổi càng gặp nhiều hơn. Việc điều trị nhằm mục đích cải thiện triệu trứng và ngăn ngừa tiến triển bệnh.

1. Biểu hiện của thoái hóa khớp

Triệu chứng chính của thoái hóa khớp là đau nhức, đôi khi kèm theo cảm giác cứng khớp. Cơn đau thường âm ỉ và thành cơn đau cấp khi vận động ở tư thế bất lợi. Thường đau nhiều vào buổi chiều và khi co duỗi các khớp, giảm đau về đêm và sáng sớm, những lúc nghỉ ngơi.

Khớp có cảm giác bị cứng lại sau khi nghỉ ngơi, nhưng thường là sẽ giảm sau một vài phút vận động. Thoái hóa khớp càng nặng thì cảm giác đau hoặc cứng khớp càng dai dẳng hơn.

Khớp có thể bị sưng, các cơ xung quanh trở nên mỏng hoặc yếu đi gây khó vận động.

Các triệu chứng này thường rất đa dạng, diễn biến thất thường và không có nguyên nhân cụ thể. Khi thời tiết thay đổi, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi thời tiết ẩm đi kèm với giảm áp suất không khí giảm.

photo-1638103465772

Thoái hóa khớp khiến bệnh nhân đau và hạn chế vận động.

2. Các khớp thường bị thoái hóa

- Thoái hóa khớp gối.

- Thoái hóa khớp háng.

- Thoái hóa khớp ngón và bàn tay.

- Thoái hóa cột sống thắt lưng.

- Thoái hóa đốt sống cổ.

- Thoái hóa khớp bàn chân và cổ chân.

- Thoái hóa khớp gót chân.

photo-1638103467736

Các vị trí dễ bị thoái hóa khớp.

3. Thuốc nào dùng điều trị thoái hóa khớp?

3.1 Thuốc giảm đau, chống viêm

- Thuốc giảm đau như paracetamol có tác dụng giảm đau nhanh khi đau ở mức độ nhẹ và vừa. Thuốc khá an toàn khi sử dụng đúng liều khuyến cáo. Tuy nhiên, khi quá liều thuốc gây độc cho gan.

Trong trường hợp đau vừa và nặng, bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc giảm đau opioid như tramadol. Tuy nhiên đây là thuốc có thể gây nghiện nếu lạm dụng, vì vậy, chỉ dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

- Các thuốc chống viêm non steroid (NSAIDs) như meloxicam, celecoxib, diclofenac, piroxicam, etoricoxia… được dùng phổ biến để giảm đau, giảm viêm trong viêm khớp. Nhưng thuốc có tác dụng phụ phụ trên đường tiêu hóa, gây loét dạ dày, xuất huyết tiếu tiêu hóa, gây độc tính ở gan, gia tăng biến cố tim mạch... Do đó khi bắt đầu sử dụng cần dùng ở liều thấp nhất đạt hiệu quả điều trị, dùng thuốc trong thời gian ngắn nhất để hạn chế tác dụng phụ bất lợi.

- Thuốc giãn cơ mydocalm, myonal được chỉ định trong các trường hợp thoái hóa khớp dẫn đến cơ bị co cứng, giúp giảm đau.

photo-1638103469371

Thuốc tiêm nội khớp điều phải do bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp chỉ định và thực hiện kỹ thuật tiêm.

Thuốc tiêm nội khớp như hydrocortison acetat, methylprednisolon, betamethasone dipropionate, acid hyaluronic (AH) chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ điều trị, tránh lạm dụng thuốc.

Các thuốc này chỉ có tác dụng giảm đau, giảm viêm, không cải thiện được tình trạng sụn, không điều trị được gốc rễ và loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây bệnh. Hơn nữa thuốc có tác dụng phụ là có khả năng gây viêm loét đường tiêu hóa. Do đó người bệnh không lạm dụng thuốc mà chỉ sử dụng theo đơn của bác sĩ chuyên khoa.

3.2 Thuốc giúp phục hồi, bảo vệ sụn khớp

- Glucosamine sulfate: Có tác dụng sửa chữa các mô sụn bị hư hỏng, phục hồi cấu trúc sụn khớp, ức chế các tác nhân gây phá hủy sụn khớp, cải thiện khả năng hấp thu canxi của xương, chống thoái hóa sụn xương, tăng cường sản xuất và nâng cao chất lượng dịch khớp, giảm khô khớp.

- Thuốc tiêm hyaluronat sodium: Có tác dụng ức chế sự phân hủy và thúc đẩy sinh tổng hợp tế bào sụn khớp, giảm đau, kháng viêm; được chỉ định trong trường hợp sử dụng thuốc NSAIDs không mang đến hiệu quả như mong đợi. Thuốc có tác dụng phụ như: Gây đau tại chỗ tiêm, sưng đỏ nhẹ.

- Thuốc chondroitin sulfate: Có tác dụng giảm đau, kích thích sự tổng hợp sụn khớp, giảm lão hóa tế bào sụn, ức chế tổng hợp các chất phá hủy sụn, bảo vệ sụn khớp, chống thoái hóa sụn.

Các thuốc này thường được sử dụng cùng với thuốc điều trị triệu chứng giúp giảm đau, phục hồi, tái tạo và bảo vệ các tổ chức sụn khớp, hoạt dịch, từ đó tăng cường hiệu quả điều trị.

Mời độc giả xem thêm video:

Lưu ý khi tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi

ThS. Nguyễn Thu Hiền
Ý kiến của bạn