Theo thống kê, có 80% bệnh nhân thoái hóa khớp hạn chế vận động, 20% không thể làm công việc thường ngày.
Tuổi nào khớp thoái hóa?
Thoái hóa khớp (THK) là một loại tổn thương viêm khớp do tổn thương và mất sụn mặt khớp. Sụn khớp là các cấu trúc che phủ bề mặt của xương, có tác dụng bảo vệ và đóng vai trò như miếng đệm giữa các xương. THK còn gọi là viêm khớp thoái hóa là tổn thương thường gặp nhất trong hơn 100 loại tổn thương viêm khớp khác nhau. Tại Mỹ, khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng bởi tổn thương này. THK tăng dần theo tuổi và khác nhau 1 chút giữa 2 giới. Trước 55 tuổi, thường gặp ở nam còn sau 55 tuổi thường gặp ở nữ. THK cũng liên quan đến vấn đề chủng tộc, ví dụ tỉ lệ mắc cao ở người Nhật trong khi người da đen Bắc Phi, người Đông Ấn Độ và người Bắc Trung Quốc thì rất thấp.
Những khớp nào dễ bị thoái hóa?
Các khớp bị ảnh hưởng thường là các khớp lớn chịu sức nặng của trọng lượng cơ thể như khớp háng, khớp gối, cột sống, bàn chân và bàn tay. Tuy nhiên, theo quy luật của tự nhiên, ở người trưởng thành, khả năng sinh sản và tái tạo sụn giảm dần và hết hẳn. Các tế bào sụn với thời gian tích tuổi lâu dần sẽ già, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharide sẽ giảm sút và rối loạn, chất lượng sụn sẽ kém dần, tính chất đàn hồi và chịu lực giảm. Bệnh THK háng và khớp gối là chứng bệnh hay gặp, càng cao tuổi thì bệnh lý càng diễn biến nặng, sau tuổi trung niên, người ta bắt đầu có biểu hiện của bệnh, nữ thường gấp 2 lần nam giới và THK ngày càng trẻ hóa. Sụn khớp bị phá hủy gây nên những cơn đau buốt, hạn chế vận động và gây biến dạng khớp làm mất khả năng đi đứng bình thường của người bệnh. Trên phim Xquang, có đến 50% dân số có hình ảnh thoái hóa xương - khớp nhưng chỉ một nửa trong số này là có triệu chứng lâm sàng ở khớp và đa số (75%) là ở khớp háng và khớp gối.
Cần khám định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh (ảnh minh hoạ).
Nguyên nhân gây ra THK là gì?
Phần lớn các trường hợp không xác định được nguyên nhân gây THK nên gọi là THK nguyên phát. Khi mà nguyên nhân của THK được xác định rõ thì được gọi là THK thứ phát.
THK nguyên phát thường liên quan chặt chẽ đến yếu tố tuổi. Khi tuổi cao, hàm lượng nước trong sụn khớp tăng lên, hàm lượng protid giảm xuống đồng thời giảm chất lượng của protid trong sụn khớp. Do đó, sụn khớp bắt đầu thoái hóa với việc xuất hiện các vết nứt sụn, mòn sụn hoặc bong các mảnh sụn và nặng nề nhất là mất sụn. Việc vận động khớp bị tổn thương sụn khớp do thoái hóa sẽ kích thích và tạo ra tình trạng viêm sụn, triệu chứng đau khớp và sưng nề tràn dịch khớp. Sự ma sát giữa hai đầu xương do mất sụn khớp sẽ kích thích phát triển mô xương mới tạo nên các chồi xương (hay gai xương) ở quanh khớp. Tình trạng mất sụn khớp gây tăng ma sát dẫn đến triệu chứng đau và hạn chế vận động khớp.
THK thứ phát là THK gây ra bởi các nguyên nhân rõ ràng. Các nguyên nhân đó có thể là: tình trạng béo phì, các chấn thương lặp đi lặp lại vào khớp, phẫu thuật vào khớp, bệnh gút, đái tháo đường hay do bất thường cấu trúc khớp bẩm sinh và đôi khi là các rối loạn hormon khác.
Béo phì gây THK do tăng tải trọng lên khớp và sụn khớp. Bên cạnh yếu tố tuổi, béo phì là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với THK, đặc biệt là khớp gối. Tổn thương THK cũng có thể gặp ở những người mang vác nặng thường xuyên. Những chấn thương tái diễn các thành phần của khớp như dây chằng, xương và sụn cũng là nguyên nhân gây THK, gặp với tần suất lớn hơn ở khớp gối của các cầu thủ bóng đá và vận động viên chạy marathon.
Sự lắng đọng các tinh thể trong sụn khớp có thể gây THK, nếu lắng đọng tinh thể urat có thể gặp trong bệnh gút còn lắng đọng tinh thể canxi pyrophosphate gây ra viêm khớp giả gút.
Một số người khi sinh ra đã có bất thường cấu trúc khớp, dễ tổn thương sụn khớp do yếu tố cơ học, có thể dễ bị THK hơn. Những rối loạn hormon như đái đường hay rối loạn hormon tăng trưởng cũng liên quan chặt chẽ với tổn thương sụn khớp do thoái hóa.
Phòng THK
Tuổi trung bình của người bị THK thường là 45- 50 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, do lối sống, tính chất công việc nên nhiều người mới bước vào độ tuổi ngoài 30 đã gặp những triệu chứng của căn bệnh này. Vì THK diễn ra âm thầm bên trong khớp, bào mòn và phá hủy lớp sụn bao phủ nên nhiều bệnh nhân còn chủ quan về bệnh. Đến khi các khớp bị tổn thương có biểu hiện nghiêm trọng mới nhập viện, thậm chí có rất nhiều bệnh nhân tự mua thuốc điều trị hoặc điều trị theo cách truyền miệng hay theo các bài thuốc “gia truyền” không rõ nguồn gốc khiến bệnh ngày càng nặng thêm và gây tổn thương nặng đến các cơ quan khác như dạ dày, thận, tim mạch… của người bệnh.
Chính vì thế, để phòng ngừa bệnh THK ngay từ khi còn trẻ, cần tập thể dục đều đặn đi bộ, chạy bộ, rèn luyện sức mạnh của đôi chân, tránh bị thừa cân, tránh những động tác quá mạnh, quá đột ngột, nhất là những động tác có thể làm lệch trục khớp và cột sống. Trong ăn uống, cần giảm đường, mỡ, tăng protid, canxi và vitamin. Đối với những người bị thoái hóa thì cần có phương pháp tập luyện và chế độ ăn riêng biệt do thầy thuốc chỉ định. Để phát hiện sớm tình trạng THK, cần khám định kỳ. Khi đã có các dấu hiệu của bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa xương khớp để kiểm tra và có biện pháp điều trị phù hợp, tránh để hậu quả nặng nề sau này.