Hà Nội

Bệnh thoái hóa điểm vàng trẻ hóa, triệu chứng cảnh báo cần lưu ý

23-08-2022 16:30 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Thoái hóa điểm vàng là tình trạng bệnh có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng. Hiện nay thoái hóa điểm vàng đang là căn bệnh có xu hướng trẻ hóa.

Ở giai đoạn đầu, dấu hiệu thoái hóa điểm vàng thường không rõ ràng. Phần lớn bệnh nhân đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn nghiêm trọng.

1. Thế nào là thoái hóa điểm vàng ở người trẻ?

Thoái hóa điểm vàng (thoái hóa hoàng điểm) là sự thoái hóa các tế bào điểm vàng ở mắt làm cho mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở vùng trung tâm thị giác.

Trước kia bệnh hay gặp ở những người có tuổi. Tuy nhiên hiện nay, bệnh hay gặp ở những người trẻ, xảy ra khi điểm vàng, võng mạc làm cho mắt bị thay đổi cấu trúc và ngày càng suy giảm chức năng.

Nếu so với người già căn bệnh này là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể thì thoái hóa điểm vàng ở người trẻ là sự loạn dưỡng điểm vàng mới chính là nguyên nhân chủ yếu.

Bệnh thường âm thầm trong cơ thể ngay từ khi sinh ra, đa số khởi phát ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên được gọi là thoái hóa điểm vàng bẩm sinh hay thoái hóa điểm vàng vị thành niên. Thêm vào đó, bệnh dễ có khả năng di truyền cao từ bố mẹ sang con cái.

2. Phân loại thoái hóa điểm vàng

Bệnh bao gồm thoái hóa điểm vàng thể ướt và thoái hóa điểm vàng thể khô. Trong đó, các ca bệnh là ở thể khô phổ biến hơn

- Thoái hóa điểm vàng thể khô: Điểm vàng nằm sâu trong võng mạc của người bệnh có hiện tượng mỏng dần và những khối cặn tích tụ trên võng mạc ngày càng lớn làm cho thị lực của người bệnh sẽ bị suy giảm dần dần.

- Thoái hóa điểm vàng thể ướt: Đây là trường hợp có những mạch máu phát triển bất thường ở dưới võng mạc. Khi những mạch máu này vỡ ra hoặc chảy dịch hay gây sẹo ở điểm vàng sẽ khiến thị lực của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng

3. Ai có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng?

Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thoái hóa hoàng điểm. Mặc bệnh có xu hướng trẻ hóa nhưng, người già trên 60 tuổi là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Những nguy cơ khác bao gồm:

  • Hút thuốc
  • Béo phì,
  • Chủng tộc: Những người có màu da sáng dễ mắc bệnh AMD hơn những người có màu da tối hơn.
  • Tiền sử gia đình
  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.
photo-1661225511163

Thoái hóa điểm vàng đang có xu hướng trẻ hóa.

4. Biểu hiện triệu chứng thoái hóa điểm vàng ở người trẻ

Điểm vàng là khu vực trung tâm quan trọng nhất trên võng mạc mắt. Khi mới bị bệnh có thể tầm nhìn chưa bị ảnh hưởng. Sau khoảng một thời gian triệu chứng mới xuất hiện nhiều và rõ rệt hơn như:

  • Mắt cảm thấy mỏi, mờ khi nhìn lâu như sách, báo, tivi,...
  • Gặp khó khăn khi nhận diện khuôn mặt người khác
  • Nhìn màu sắc có xu hướng nhạt hơn bình thường.
  • Cần nhìn gần hơn bình thường mới có thể thấy rõ nét.
  • Cần độ sáng cao hơn khi nhìn.
  • Định hình mọi vật xung quanh khá khó khăn.

Nếu không được nhận biết sớm và kịp thời điều trị, bệnh có thể dẫn đến tình trạng mù lòa, suy giảm thị lực

4. Làm thế nào để phát hiện thoái hóa điểm vàng?

Bệnh có thể phát hiện được thông qua kiểm tra:

  • Kiểm tra thị lực
  • Khám mắt có giãn đồng tử (kiểm tra đáy mắt)
  • Đo nhãn áp
  • Dùng lưới Amsler

5. Điều trị thoái hóa điểm vàng

Tùy vào thể bệnh và nguyên nhân bác sĩ sẽ cho chỉ định cụ thể. Bác sĩ có thể chỉ định:

- Bổ sung kẽm, vitamin A, C, E, B2 liều cao để ngăn ngừa bệnh tiến triển

- Sử dụng thuốc điều trị thoái hóa điểm vàng: Các thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu gồm: Bevacizumab (Avastin), Ranibizumab (Lucentis), Aflibercept (Eyle),... có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới, ngăn chặn sự chảy máu và chảy dịch từ các mạch máu bất thường trong mắt.

- Trị liệu bằng laser: Được sử dụng để phá hủy các mạch máu bất thường phát triển trong thoái hóa điểm vàng.

- Liệu pháp laser quang động võng mạc (PDT): một loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng được dùng để điều trị các mạch máu bất thường. Sau đó, tia laser được chiếu vào mắt để kích hoạt thuốc, phá hủy các mạch máu bị rò rỉ mà không gây tổn hại đến các phần khác của mắt.

Thoái hóa điểm vàng có xu hướng trẻ hóa - Ảnh 4.

Cần khám ngay khi mắt có biểu hiện bất thường.

6. Phòng ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng

- Ăn uống lành mạnh: Nên có chế độ ăn uống lành mạnh, phong phú, tập trung vào các loại rau màu xanh đậm và thực phẩm giàu acid béo omega-3 như cá hồi, các loại hạt... giúp cải thiện thị lực.

- Bổ sung vitamin và khoáng chất: không chỉ làm giảm nguy cơ mắc bệnh mà nó còn giúp trì hoãn sự tiến triển của căn bệnh thoái hóa điểm vàng. Các loại vitamin khoáng chất cần bổ sung: vitamin C, vitamin E, lutein, zeaxanthin, kẽm...

- Kiểm soát huyết áp: Khi bạn bị tăng huyết áp, các mạch máu sẽ bị tổn thương, lượng oxy đến mắt sẽ giảm. Khi đó sẽ gây tổn thương đến điểm vàng.

- Khám mắt định kỳ: sẽ giúp bạn sớm phát hiện các bệnh về mắt sớm, từ đó có những phương án chữa trị bệnh kịp thời.

Tóm lại: So với thoái hóa điểm vàng ở người già thì ở người trẻ căn bệnh này hiếm gặp hơn, tuy nhiên mức độ nguy hiểm và tỷ lệ gây mù lòa thì cao hơn. Có đến 50% trường hợp mắc thoái hóa điểm vàng ở người trẻ dẫn đến mù lòa, trong khi ở người trên 60 tuổi, chỉ khoảng 10%.

Bệnh không chỉ có thể gây mù lòa, mà thoái hóa điểm vàng ở người trẻ còn là một mối đe dọa lớn của thị lực. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh mắt phức tạp, khó điều trị: lác mắt (nhược thị), co giật nhãn cầu… Chính vì thế khi mắt có những biểu hiện bất thường cần đi khám ngay để được bác sĩ điều trị kịp thời, tránh nguy cơ biến chứng.

Thực phẩm người mắc bệnh thoái hóa điểm vàng nên ăn và nên kiêngThực phẩm người mắc bệnh thoái hóa điểm vàng nên ăn và nên kiêng

SKĐS - Thoái hóa hoàng điểm (thoái hóa điểm vàng) gây giảm thị lực và có thể dẫn tới mù lòa. Chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp bạn phòng ngừa và chậm lại quá trình thoái hóa điểm vàng.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Rota Virus lây truyền như thế nào- - SKĐS

BS. Nguyễn Minh Châu
Ý kiến của bạn