Hà Nội

Thỏa thuận ngừng bắn Syria đổ vỡ: “Bệnh” đã vô phương cứu chữa?

25-09-2016 16:31 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong một diễn biến mới nhất, Mỹ và Nga đã không đạt được nhất trí về khôi phục lệnh ngừng bắn tại Syria bên lề khóa họp 71 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại New York. Một lần nữa, sự khác biệt về quan điểm đã khiến các nước lớn không thể tìm được giải pháp chung trong cuộc khủng hoảng Syria.

Đây không phải là lần đầu tiên Thỏa thuận ngừng bắn Syria đổ vỡ. Cũng chẳng phải lần đầu tiên Nga - Mỹ bất đồng, tranh cãi nhau trong việc tìm kiếm một giải pháp chung giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 71 đang diễn ra, sự đối đầu lại tiếp diễn. Như những lần trước đây, kết quả đàm phán Syria lại là con số 0 tròn trĩnh.

Trong hơn 5 năm qua, người ta đã chứng kiến nhiều cuộc đối đầu như vậy giữa Nga và Mỹ, 2 quốc gia có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc khủng hoảng Syria. Mỗi bên một lý, một lẽ khác nhau. Mỗi bên đều cho rằng “chỉ có mình mới đúng”. Và khi không ai chịu ai, cả Nga và Mỹ vẫn như hai đường thẳng song song, dẫu nằm cùng trên một hệ quy chiếu nhưng không bao giờ có thể gặp nhau. Rốt cuộc chỉ có người dân Syria là người phải gánh chịu những hậu quả thảm khốc nhất của chiến tranh, khi máu và nước mắt của họ ngày ngày nhỏ xuống.

Syria chìm trong vòng xoáy bạo lực

Theo số liệu của Liên hợp quốc, hơn 300.000 người Syria đã thiệt mạng, nửa dân số của quốc gia này không còn nhà cửa và hầu hết hạ tầng cơ sở đã bị phá hủy trong cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua. Nguy hiểm hơn, gần 60% lãnh thổ của Syria đã nằm dưới sự kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các tổ chức khủng bố khác. Từ một quốc gia tươi đẹp, nay, Syria đã trở nên hoang tàn chết chóc trong sự khốc liệt và ám ảnh của chiến tranh.

syriaChiến sự lan rộng tại Alleppo sau khi thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ.

Không phải ngẫu nhiên mà phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuần qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, cuộc chiến Syria  là “cuộc xung đột tàn khốc nhất của thế kỷ 21” và bi kịch Syria là nỗi “hổ thẹn” của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra. Trong đó câu hỏi lớn nhất là: Phải chăng thế giới đã bất lực trước cuộc khủng hoảng Syria? Và con bệnh chiến tranh ở Syria đã vô phương cứu chữa?

Trên thực tế, đã từng có nhiều giải pháp được đưa ra, nhiều sáng kiến được áp dụng. Nhưng tất cả đều chết yểu do bất đồng về lợi ích giữa các nước lớn. Đơn giản là bởi Nga và Mỹ, 2 quốc gia trong vai trò “bà đỡ” giải quyết khủng hoảng Syria đều có những tính toán riêng và cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt ở quốc gia này. Việc Nga mở rộng sự hiện diện quân sự tại Syria, với lý do hỗ trợ quốc gia Trung Đông này chống khủng bố, đã không được Mỹ hào hứng đón nhận. Sau Ucraina, Gruzia, Ban-căng, SNG... nay  Syria đã trở thành một tâm điểm mới trong cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc Nga - Mỹ.

Sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, sự suy giảm tầm ảnh hưởng và thế “buộc phải đối đầu” với các quốc gia khác khiến Nga trở nên cương quyết và cứng rắn hơn. Nhưng nó cũng buộc Mỹ phải cân nhắc hành động để không tụt lại đằng sau trong cuộc đua giành ảnh hưởng địa chính trị. Và vì thế, cả Nga và Mỹ không bao giờ tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Syria - khiến cho mọi việc đều vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ”.

Phát biểu trong một chương trình tin tức trên truyền hình Nga ngày 24/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc khôi phục ngừng bắn tại Syria phụ thuộc vào tất cả các bên liên quan chứ không chỉ “những nhượng bộ đơn phương của Nga”. “Chỉ có thể nói về khôi phục ngừng bắn trên cơ sở tập thể”, ông Lavrov nói.

Ngày 9/9 vừa qua, Nga và Mỹ đã nhất trí về một thỏa thuận nhằm đưa tiến trình hòa bình Syria đi đúng hướng. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn đã đổ vỡ sau một tuần, khi một đoàn xe cứu trợ nhân đạo bị tấn công ngày 19/9, khiến 20 người thiệt mạng.

Ngoại trưởng Lavrov kêu gọi điều tra vụ tấn công trên, đồng thời khẳng định lại rằng các lực lượng không quân Nga và Syria không liên quan đến vụ này.

Ở thời điểm này, phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71 vẫn đang diễn ra và tranh cãi Nga - Mỹ xung quanh cuộc khủng hoảng Syria vẫn đang tiếp diễn. Một điều chắc chắn là sẽ không thể tìm ra một giải pháp lâu dài nếu các bên không gạt bỏ bất đồng hiện tại. Nhưng xem ra, điều này sẽ rất khó khăn khi cả Nga và Mỹ đều muốn chiếm lấy phần lợi hơn cho mình “miếng bánh lợi ích”.


N.Minh
Ý kiến của bạn