Thơ xuân chữ Hán của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

23-01-2012 08:06 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nguyễn Khắc Viện sành tiếng Pháp, đó là điều hầu như ai cũng rõ. Ông là người dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp.

Nguyễn Khắc Viện sành tiếng Pháp, đó là điều hầu như ai cũng rõ. Ông là người dịch Truyện Kiềura tiếng Pháp.

Tuy nhiên, có lẽ nhiều người còn chưa biết ông khá thạo chữ Hán và thỉnh thoảng vẫn làm thơ luật Đường bằng thứ chữ vuông khó học bậc nhất thế giới này. Đọc hiểu chữ Hán đã khó. Tư duy bằng Hán ngữ, làm thơ chữ Hán càng khó hơn nhiều; ngoài sự thông tuệ còn cần mỹ cảm, tài hoa.

Giữa Paris lạnh cóng, sáng mùng 1 Tết Nhâm Dần (1962), Nguyễn Khắc Viện gửi về nước cho các em ông bài thơ khai bút bằng chữ Hán:

Tha hương liêm hàm tuyết
Phong phiêu vạn lý tình
Viễn xứ vong ly biệt
Đắc tri mẫu đệ tranh.

Một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt chỉ gọn gàng 20 chữ nhưng dư âm man mác:

Chốn quê người, ngoài rèm tuyết ngậm
Gió đưa tình quê muôn dặm tới
Nơi xa thẳm, quên nỗi sầu biệt li
Do được biết mẹ và em mạnh khỏe.

Ông ghi thêm, câu thứ tư có thể đổi thành:

Đắc tri Tổ quốc vinh.

Có  nghĩa:

Được biết Tổ quốc vẻ vang.

Sau bài thơ chữ Hán, ông tái bút mấy dòng bằng tiếng Việt:

 Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.

“Lúc nào các em về làng mình, viết rõ cho anh biết làng xã thay đổi ra sao, tả con đường từ ngoài sông về bãi Côi, Trường Thịnh Xá, chợ Bè, mấy cây đa ngày nay ra sao, đã đắp con đường nào mới, có công trình thủy lợi nào không, hợp tác xã tổ chức đến đâu...”.

Biết bao cảm xúc chứa chan đối với gia đình, quê hương, đất nước ẩn chứa trong bài thơ và mấy dòng thư ngắn ngủi ấy! Xa nhà, xa quê gần 30 năm, thế mà ông vẫn nhớ như in mấy câu ca dao ông được mẹ ru từ thuở nhỏ:

Nước sông Ngàn Phố  trong veo
Chiếc đò xuôi ngược mái chèo thảnh thơi
Khi mô lặng gió êm trời
Ta về  làng cũ tắm nơi bãi Bè.
Chiếc  đò ông Cháu xuôi Vinh
Bưởi bòng chuối mít linh tinh một đò
Đêm khuya nghe giọng ai hò
Nhớ sông Ngàn Phố nhớ đò chợ  phiên...

Chúng ta càng cảm phục trí tuệ sáng suốt và lòng yêu nước sâu xa của ông khi nhớ lại, trong cải cách ruộng đất, phụ thân ông, cụ Tiến sĩ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm bị đấu tố, không chịu đựng nổi đã uất ức qua đời. Thế nhưng, ông không hề vì vậy mà mang lòng thù hận. Bằng lý trí khách quan, tỉnh táo, ông hiểu rằng lúc này hay lúc khác cách mạng có thể phạm sai lầm, nhưng xét toàn cục, cách mạng vẫn mang lại những đổi thay to lớn, vẻ vang cho đất nước, quê hương...

Là  cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Phong trào người Việt Nam yêu nước tại Pháp từ năm 1952 cho đến khi bị chính quyền Pháp - lúc đó thân Mỹ - trục xuất về nước vào năm 1963, nhiều lúc Nguyễn Khắc Viện phải hoạt động bí mật, được các đồng chí cộng sản Pháp cưu mang.

Nguyễn Khắc Viện là một người theo chủ nghĩa quốc tế chân thành và trong sáng. Tết Nguyên đán Quý Mão - 1963, đồng cảm với nỗi nhớ quê hương của Nguyễn Khắc Viện, các đồng chí Pháp không quản khó khăn, gửi mua cho bằng được một cành đào thắm từ Hà Nội để tặng ông. Cảm kích trước tấm lòng bè bạn, Nguyễn Khắc Viện khai bút bằng thơ chữ Hán:

Song hàm bạch tuyết tha hương cảnh
Các mãn đào hoa hữu nghị tình
Tuyết thượng đào hoa tăng diễm sắc
Khán hoa trường dạ đãi bình minh

Có  thể tạm dịch nghĩa:

Ngoài khung cửa, tuyết bay trắng xoá
Trong căn gác, hoa đào thắm tình bè bạn
Trên tuyết trắng, đào càng lộng lẫy hơn
Ngắm hoa suốt đêm dài, đợi ngày mai sáng đẹp.
 
Nguyễn Khắc Viện học chữ Hán từ bao giờ? Con trai một vị Hoàng giáp, nhưng thuở nhỏ, Nguyễn Khắc Viện không được học chữ Hán, có lẽ vì tình hình lúc đó đúng như Tú Xương than thở: “Nào có ra gì cái chữ nho/  Ông nghè, ông cống cũng nằm co”! Cụ Hoàng giáp đành gửi cậu con trai vào Trường Pháp - Việt. Nguyễn Khắc Viện học tiểu học tại Trường Paul Bert ở phía ngoài cửa Thượng Tứ, Huế; học trung học tại Trường Quốc học Huế, rồi Trường Bưởi Hà Nội; thi đỗ tú tài toán và tú tài triết. Sau 3 năm theo học Đại học Y Hà Nội,  năm 1937, ông sang Pháp học tiếp tại Đại học Y Paris, rồi thi đỗ bác sĩ nội trú (từ mấy chục bác sĩ bình thường mới tuyển được một bác sĩ nội trú).
 
Nhưng sau đó, ông bị bệnh lao phổi, lúc bấy giờ chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị, cho nên phải lên bàn mổ 7 lần, cắt bỏ hẳn lá phổi bên phải, 1/3 lá phổi bên trái và 8 xương sườn. Do sức yếu, mỗi lần mổ chỉ cắt 2 xương sườn, 2 tháng sau lại mổ cắt tiếp 2 cái khác. Trong thời gian gần 10 năm nằm điều dưỡng, từ năm 1942 - 1951, ông vừa luyện yoga - khí công, vừa học chữ Hán. Mỗi chữ ông vừa học âm Hán - Việt, vừa học âm Bắc Kinh. Ông đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh, chép tay để suy ngẫm về các danh ngôn của Khổng Tử, Mạnh Tử.
 
Ông cũng đọc sách của Lão Tử, Trang Tử như Đạo đức kinh, Nam Hoa kinh, đọc cả Hán thư, Sử ký, Chiến Quốc sách... rồi đọc thêm Đường thi, Tống thi... Nghĩa là tự học một cách khá cơ bản cổ văn Trung Quốc. Nhưng, đồng thời cũng không quên học ngữ pháp tiếng Hán hiện đại, các mẫu câu hội thoại, mẫu thư từ... Ông chép toàn bộ bản Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn, đôi câu đối dài 160 chữ của Văn thân Nghệ Tĩnh khóc Phan Đình Phùng bằng nét bút lông chân phương. Ông còn tập viết bút lông chữ thảo theo thể Vương Hi Chi - thường gọi là Thiếp Lan Đình - thể chữ đẹp nhất Trung Hoa được lưu truyền từ đời nhà Tấn đến nay, qua 15 thế kỷ chưa ai vượt nổi.

Mặc dù thời trẻ đã được đào tạo rất chính quy, bài bản ở những trường chất lượng cao, nhưng Nguyễn Khắc Viện không vì thế mà  tự mãn. Ông tự học thêm suốt đời, ngay cả trong điều kiện sức khỏe  gần như tuyệt vọng.

Tất nhiên, thơ chữ Hán của Nguyễn Khắc Viện chưa phải là tuyệt tác. Tuy nhiên, điều làm cho chúng ta hứng thú là những bài thơ ấy đã phản ánh rõ nét “dấu ấn phương Đông”, phong độ Nho gia trong tâm hồn, nhân cách của ông - một nhà khoa học ngay từ thời tiểu học đã được đào luyện gần như hoàn toàn bằng văn hoá phương Tây duy lý.

Kể lại cảm tưởng lần gặp Nguyễn Khắc Viện vào năm 1960, Tiến sĩ sử học Charle Fourniau, Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt viết:

“Ngay từ những phút đầu tiên, tôi đã nhận ra ngay rằng ông là bậc thầy của tôi. Và ông sẽ mãi mãi vẫn là bậc thầy của tôi. Vốn văn hoá của ông, hay nói đúng hơn, vốn các văn hóa của ông - bởi lẽ ở ông có tới ba nền văn hóa: Việt Nam, Trung Hoa và Pháp - dường như vô tận (...). Ông là một trong những người thông minh nhất mà tôi đã gặp trong đời. Nhưng sự thông minh ấy không kèm theo chút nào hào nhoáng (...). Ta không bị lấn át khi tiếp xúc với ông (...). Một phần tác phẩm của ông được trực tiếp viết bằng tiếng Pháp, một thứ tiếng Pháp truyền thống trong sáng, chính xác...”.

Theo C.Fourniau thì Nguyễn Khắc Viện là “một nhà  văn Pháp và là nhà văn thực thụ”, đồng thời là “một dịch giả phi thường”. C. Fourniau cho biết, ông không thể mở Truyện Kiều ra đọc mà lại không xúc động, vì kiệt tác này và vì tài dịch thuật của Nguyễn Khắc Viện. Viện Hàn lâm Pháp đã tặng Nguyễn Khắc Viện giải thưởng lớn về các công trình nghiên cứu và dịch thuật của ông bằng tiếng Pháp.

Riêng tôi, tác giả bài này, có lần nghe Giáo sư Trần Hữu Tước nói: “Anh Viện viết văn Pháp tinh tế, giàu mỹ cảm”.

Hàm Châu


Ý kiến của bạn