Thỏ ty tử - vị thuốc bổ chữa đau lưng, mỏi gối

18-06-2024 10:00 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - Thỏ ty tử là hạt phơi hay sấy khô của cây tơ hồng, có vị cay ngọt, tính bình, quy vào kinh can, thận có tác dụng bổ can thận, sáng mắt, cố tinh sáp niệu và ôn tỳ chỉ tả.

1. Đặc điểm của cây tơ hồng

Thỏ ty tử còn gọi là cây tơ hồng, miễn tử, đậu ký ninh, hạt cây tơ hồng…

Tên khoa học Cuscuta sinensis Lamk (Cuscuta hygrophitae Pears., C. hyalina Wight), thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae).

Thỏ ty tử là hạt phơi hay sấy khô của cây tơ hồng. Cây tơ hồng hay dây tơ hồng là một loại dây ký sinh cuốn trên các cây khác, thân thành sợi màu vàng hay đỏ nâu nhạt, không có lá, lá biến thành vẩy, cây có rễ mút để hút các thức ăn từ cây chủ.

Loài cây này mọc hoang khắp nơi, hay gặp cây tơ hồng ký sinh trên cây Cúc tần (Pluchea indica) thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Mặc dù thỏ ty tử là một loài cây mọc dại, nhưng hiện nay bị làm giả khá nhiều, đặc biệt bị làm giả với hạt cải. Lý do bị làm giả, bởi để lấy được hạt của dây tơ hồng thì khá khó vì cây mọc lơ lửng, hạt dễ bị gió thổi bay, ngoài ra thỏ ty tử phải mọc ký sinh trên các cây khác nên khó đưa vào trồng.

Hiện nay, thỏ ty tử vẫn phải nhập từ Trung Quốc. Tại Trung Quốc, vào các tháng 8 - 9 người ta hái cả cây về phơi khô, đập lấy hạt, sảy sạch tạp chất là được.

Thỏ ty tử  - vị thuốc bổ chữa đau lưng, mỏi gối- Ảnh 1.

Cây tơ hồng.

2. Công dụng và liều dùng của thỏ ty tử

Theo các nghiên cứu cho thấy, thỏ ty tử chứa nhiều hoạt chất như flavonoid, alkaloid, lignan, polysaccharides, steroid, dầu dễ bay hơi và nhựa glycoside. Xét trong các thứ hạt, không có loại nào có chất nhựa tốt như thỏ ty tử.

Khi nấu chín, hơi thơm man mác, đượm nhiều tinh chất mềm nhuận mà không trơn chảy cho nên thường có tác dụng bổ và giữ được tinh tủy, lại giúp tiêu hóa tốt.

Theo y học cổ truyền, thỏ ty tử có vị cay ngọt, tính bình, quy vào kinh can, thận có tác dụng bổ can thận, sáng mắt, cố tinh sáp niệu và ôn tỳ chỉ tả.

Trong trường hợp can thận hư gây mắt mờ, nhìn không rõ dùng thỏ ty tử với tác dụng dưỡng can thận, minh mục làm sáng mắt. Những trường hợp tỳ thận dương hư gây tiêu chảy cũng có thể dùng thỏ ty tử, vì thỏ ty tử vừa làm ôn ấm tỳ thận dương, vừa có tác dụng cầm tiêu chảy rất tốt.

Tuy nhiên, các tác dụng trên của thỏ ty tử không phải là điểm nổi bật của vị thuốc này, vì nhiều vị thuốc khác cũng có. Tác dụng hay nhất của thỏ ty tử chính là bổ thận tráng dương, cố tinh chỉ di.

Thỏ ty tử  - vị thuốc bổ chữa đau lưng, mỏi gối- Ảnh 2.

Vị thuốc thỏ ty tử.

Theo BSNT. Phan Bích Hằng - Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Hà Nội, thỏ ty tử là một trong những vị thuốc hàng đầu có tác dụng tăng cường chất lượng tinh dịch, tăng cường số lượng tinh dịch. Thỏ ty tử còn tác động vào phần sản xuất tinh trùng, thời gian làm tình và xuất tinh. Bởi thỏ ty tử có tác dụng cố tinh (cố - tức là giữ lại), vì cố được tinh nên tăng được thời gian làm tình. Chính vì thế trên lâm sàng, thỏ ty tử được ứng dụng nhiều làm cố tinh, tăng cường chất lượng tinh trùng.

Ngoài ra, thỏ ty tử còn có tác dụng làm mạnh gân cốt, dùng nhiều trong các trường hợp đau lưng, mỏi gối do can thận hư.

Liều dùng: Ngày uống 8 - 16g.

Những người dễ cường dương, bí đại tiện không nên dùng.

3. Một số bài thuốc có thỏ ty tử

BSNT. Phan Bích Hằng giới thiệu đơn thuốc có thỏ ty tử như sau:

1. Thuốc bổ thận khí, tráng dương, chữa đau lưng chân: Thỏ ty tử hoàn:

Thỏ ty tử (chưng rượu, sấy khô) 1 kg, phụ tử chế 160g, tán bột, làm thành viên hoàn, to bằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 50 viên với rượu.

2. Trị thận hư, liệt dương, di tinh, đau lưng, tiểu nhiều:

- Thỏ ty tử, ngũ vị tử, tế tân, trạch tả đều 40g, sung úy tử, thục địa đều 80g, hoài sơn 60g, tán bột, trộn mật làm hoàn.

Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g.

- Thỏ ty tử 8g, ngũ vị tử 1g, xa tiền tử 1g, khởi tử 8g, phúc bồn tử 4g. Các vị tán nhỏ trộn với mật ong, làm thành viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 4g.

Thỏ ty tử  - vị thuốc bổ chữa đau lưng, mỏi gối- Ảnh 4.

Phụ tử chế kết hợp với thỏ ty tử trong thỏ ty tử hoàn chữa đau lưng.

3. Đơn thuốc chữa đi đái đêm, di tinh

Thỏ ty tử 7g, phúc bồn tử 4g, kim anh tử 6g, nước 400ml. Sắc còn 100ml. Lọc bỏ bã. Chia 2, 3 lần uống trong ngày.

4. Trị mắt mờ do can thận suy:

Thỏ ty tử, thục địa, xa tiền tử đều 12g. Tán bột, trộn mật làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g với rượu.

4. Món ăn bài thuốc có thỏ ty tử

Rượu thỏ ty ngũ vị tử (Thỏ ty ngũ vị tửu): Thỏ ty tử 30g, ngũ vị tử 30g, rượu trắng ngon 500ml, ngâm 7 ngày, mỗi ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 20-30ml.

Dùng tốt cho người can thận hư, đau lưng, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, di tinh liệt dương.

Rượu thỏ ty tử: Thỏ ty tử 100g, rượu trắng ngon 500ml. Ngâm 7 ngày đêm, gạn bỏ bã.

Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 - 30ml. Dùng tốt cho người phù nề mặt và tay chân.

Nước sắc thỏ ty tử: Thỏ ty tử 60g sắc nước uống. Dùng làm nước giải khát, cho bệnh nhân đái tháo đường khát nước uống nhiều.

Cháo thỏ ty tử: Thỏ ty tử 30 - 60g, gạo tẻ 100g vo sạch. Thỏ ty tử sắc hãm lấy nước, bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo, cháo chín thêm đường.

Dùng thích hợp cho nam giới thận hư, đau lưng liệt dương di tinh, di niệu.

Thỏ ty tử tán: Thỏ ty tử 100g, tẩm rượu sao giòn tán bột. Mỗi lần dùng 10g khuấy với 1 quả trứng gà và nước sôi. Người bị mờ mắt giảm thị lực dùng rất tốt.

Kiêng kỵ: Người đại tiện táo không được dùng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người đàn ông đau thắt lưng, đi khám phát hiện ung thư di căn.


Hải Long
Ý kiến của bạn