Thơ, từ Trường Sơn đến thành phố mang tên Bác

30-04-2015 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một đặc điểm dễ nhận ra là thơ ca chống Mỹ được sự cộng hưởng rất lớn của không khí thời đại. Những bài thơ cổ vũ lòng yêu nước...

Một đặc điểm dễ nhận ra là thơ ca chống Mỹ được sự cộng hưởng rất lớn của không khí thời đại. Những bài thơ cổ vũ lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc có vị thế rất cao trong văn học thời đó. Những bài thơ đánh giặc (theo cách gọi của Chế Lan Viên) dễ dàng đi vào lòng công chúng như món ăn tinh thần không thể thiếu của người lính và người thân của họ ở hậu phương bao la.

Trong hoàn cảnh đó thì Trường Sơn, với vị trí địa chính trị và quân sự của nó như một lẽ tự nhiên trở thành tâm điểm và nguồn cảm hứng lớn của thi ca. Một số bài thơ hay viết về Trường Sơn ra đời đã tạo được âm hưởng mới, phong cách mới cho dòng thơ cách mạng.

Thanh niên xung phong Trường Sơn với niềm tin thắng lợi. Ảnh: Đoàn Công

Thanh niên xung phong Trường Sơn với niềm tin thắng lợi. Ảnh: Đoàn Công

Hiện thực cuộc sống đậm chất huyền thoại và anh hùng ca là mảnh đất màu mỡ cho thơ tỏa sáng. Núi rừng, con đường, người lính lái xe, bộ binh, pháo binh..., cô giao liên, cô thanh niên xung phong bước vào thơ thật nét. Thơ cho ta những hình dung khá rõ về cuộc sống chiến đấu, lao động ở Trường Sơn thời ấy. Trường Sơn in dấu chân hàng triệu người ra trận, từ thuở đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng đến mùa xuân 1975 hành quân thần tốc giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu: Nước chưa kịp nấu bi đông cạn/ Ngầm rộng: xe đi chậm đội hình/ Ta múc sông mời nhau uống tạm/ Mũ cối chuyền tay tôi với anh (Nguyễn Đức Mậu - Hành quân thần tốc). Trường Sơn tỏa sáng với hình ảnh rất đẹp của các cô giao liên, cô thanh niên xung phong: Mấy năm rồi chạy trên tuyến Trường Sơn/ Có đêm nào như đêm nay nhớ mãi/ Những cọc tiêu là những cô em gái/ Thanh thản đứng bên đường trọng điểm xe lên (Trần Nhật Thu - Cái điểm sáng ấy)... Đặc biệt, bài Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ đã nâng hình tượng cô gái thanh niên xung phong lên một tầm cao mới lung linh ánh sáng nhân văn: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những vầng mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em/ Vầng dương thao thức...

Cuộc sống bước vào thi ca thật giản dị tự nhiên, hay hiện thực ấy đã mang chất thơ đích thực rồi. Cái sự tự tin, đĩnh đạc pha chút ngang tàng của những lái xe Trường Sơn được Phạm Tiến Duật đưa vào thơ rất sinh động: Không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất nhìn trời, nhìn thẳng/ Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng/ Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim... (Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Chưa hết, Phạm Tiến Duật còn có những thi phẩm Trường Sơn xuất sắc nữa; những bài thơ khi đọc lên ta không thể không xôn xao thương mến như Gửi em, cô thanh niên xung phong; Áo của hôm nào, người của hôm nay... Cô thanh niên xung phong là một hình tượng đẹp trong thơ anh: Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà/ Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa/ Thương em, thương em, thương em biết mấy...

Sinh ra trong khói lửa đạn bom, từng phút từng giây đối mặt với mất mát hy sinh, điều rất kỳ lạ là thơ chống Mỹ nói chung và thơ Trường Sơn nói riêng vẫn rất yêu đời và lãng mạn. Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống đã nâng cánh cho không ít bài thơ bay bổng. Chất trữ tình làm cho những bài thơ chính trị không còn khô khan và ta nhận ra trong đó chiều sâu tâm hồn dân tộc cũng như văn hoá Việt Nam. Từ Lửa đèn mà Phạm Tiến Duật rưng rưng suy ngẫm về nguồn cội và sức sống dồi dào của dân tộc: Trên đất nước đêm đêm/ Sáng những ngọn đèn/ Mang lửa từ nghìn năm về trước,/ Lấy từ thuở hoang sơ,/ Giữ qua đời này đời khác/ Vùi trong tro trong trấu nhà ta. Ôi ngọn lửa đèn/ Có nửa cuộc đời ta trong ấy! Và Trường Sơn thuở ấy đâu chỉ có đạn bom chết chóc tro bụi mà còn có những thời khắc nên thơ, như là những minh chứng đẹp đẽ cho tâm hồn người lính. Vì sao trong hoàn cảnh nghiệt ngã của chiến tranh, cái nhìn của người lính vẫn tươi trẻ dịu lành đến thế này: Gió từng hồi se sẽ đưa nôi/ Trăng tủm tỉm như miệng người sắp hát/ Qua binh trạm nhiều thang dây bậc đất/ Tiếng chim ngon như ngụm nước lưng đèo (Hữu Thỉnh - Giấc ngủ trên đường ra trận). Phải được trang bị bằng nhân sinh quan trong sáng, được chiếu rọi bởi hào quang lý tưởng cao cả thì con người ta mới sống đẹp đến độ huyền thoại như vậy. Cũng như giữa sục sôi bom lửa chiến trường, dưới mái tăng (được ví là bầu trời vuông) người lính chợt trở nên mơ mộng: Mặt trời là trái tim anh/ Mặt trăng vành vạnh là tình của em/ Thức là ngày, ngủ là đêm/ Nghiêng nghiêng hai mái hai miền quê xa (Nguyễn Duy - Bầu trời vuông)...

***

Trên con đường dài dựng nước và giữ nước của dân tộc, năm 1975 là một mốc son chói lọi. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã toàn thắng khi lá cờ giải phóng tung bay phấp phới trên Dinh Độc lập ở Sài Gòn vào trưa 30 tháng 4 năm ấy. Nhiều nhà thơ cách mạng đã có thi phẩm viết về sự kiện này với sự cộng hưởng rất lớn của thế trận thần tốc, táo bạo và không khí tưng bừng hân hoan của chiến thắng vĩ đại.

Với niềm tin tất thắng son sắt ấy, trong trận đánh cuối cùng, quân và dân ta đã làm nên một cơn lốc hùng vĩ. Vốn là một người lính thiết giáp, nhà thơ Hữu Thỉnh vừa tài hoa vừa nhạy cảm đã dựng thành công chân dung người chiến sĩ trong chiến dịch mang tên Bác với một chiều sâu tâm hồn rất trung thực và cảm động: Chiến dịch này ăn cơm không phải độn/ Mừng thì mừng mà thương mẹ bao nhiêu/ Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng/ Đêm còn lạnh ở ngoài ta đấy bạn/ Ngoài ta độ nay đang giáp hạt/ Cây rơm gầy xay giã cũng thưa đi/ Ngày mai chúng ta đánh trận cuối cùng/ Một nửa nhân dân ngày mai ta nhận mặt/ Nhân dân trở về từ bên kia mặt trăng/ Lại vằng vặc những bến bờ thương nhớ (Đường tới thành phố). Và đây, Sài Gòn òa vỡ ra trong niềm vui toàn thắng: Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta./ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người rực rỡ cờ hoa... (Tố Hữu - Toàn thắng về ta).

Hình ảnh anh bộ đội giải phóng trong ngày Sài Gòn giải phóng được khắc họa khá nhiều trong thơ ca thời ấy. Nguyễn Thành Vân trong bài thơ Ngôi sao trên đầu, khẩu súng trên vai đã rưng rưng ghi lại: Tôi bị vây tròn vòng ngoài vòng trong/ Tôi bị hỏi dồn, phía sau phía trước/ Cô bác nhìn tôi từ đầu đến chân/ Tôi phải trả lời bằng tay bằng mắt.

Ngày 30 tháng 4 và Sài Gòn giải phóng đã trở thành bản giao hưởng chiến thắng sau những tháng năm chiến đấu bất khuất kiên cường và bi thương khổ đau của dân tộc. Bao nhiêu máu, bao nhiêu mồ hôi đã đổ xuống đầm đìa trên con đường giải phóng đất nước. Cái giá của độc lập tự do, hòa bình thống nhất đất nước vô cùng to lớn. Có phải vì thế mà khi được thưởng thức một đêm giao hưởng giữa Sài Gòn, nhà thơ Anh Ngọc đã xao xuyến với những liên tưởng rất đẹp: Cát bụi đường xa khẩu súng ngọn cờ/ Ngửa bàn tay gặp bàn tay nhạc trưởng/ Mở tấm lòng gặp tấm lòng giao hưởng/ Bổng trầm cung bậc tìm nhau/ Sài Gòn trong ta là trái chín vẹn nguyên/ Chiến thắng đặt vào lòng hai đứa/ Một nửa anh và em một nửa (Sài Gòn đêm giao hưởng).

Khẩu súng ngọn cờ đã trở thành linh vật tượng trưng cho một giai đoạn lịch sử bi tráng đã qua của dân tộc. Những bông sen đã mọc lên từ mảnh đất Việt Nam thấm máu trở thành thông điệp giao hòa thân thiện của chúng ta. Sự tốt đẹp ấy đã được bắt đầu, được tính từ ngày 30 tháng 4 lịch sử mà âm hưởng hào hùng của nó còn vang vọng trong những vần thơ sinh ra cùng cái thời mãi mãi không bao giờ quên ấy.

   Nguyễn Hữu Quý

 

 


Ý kiến của bạn