Thổ phục linh - vị thuốc đa công dụng

SKĐS - Thổ phục linh là thân rễ của cây thổ phục linh, hay còn gọi là củ khúc khắc, củ kim cang (Smilax glabra Roxb.), họ khúc khắc (Smilacaceae), phơi hay sấy khô để làm thuốc.

Ở nước ta, thổ phục linh mọc hoang hầu như ở khắp các tỉnh miền núi cũng như trung du. Ngày nay, thổ phục linh được trồng nhiều để làm thuốc bằng cách lấy các đầu mầm của thân rễ, trồng thành luống, có dàn leo; hoặc trồng bằng hạt, vào mùa xuân.

Thổ phục linh thuộc loại cây leo, sống lâu năm, cao đến 4-5m, phân nhiều cành. Cành nhỏ mềm, không gai. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc trái xoan, dài 7-12cm, rộng 3-5cm, gốc tròn, đầu nhọn. Mặt trên lá nhẵn, sáng bóng, mặt dưới hơi trắng nhạt. Lá có 3 gân chính nổi rõ. Cuống lá dài. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, mang một tán đơn, màu vàng nhạt. Quả mọng, hình cầu, khi chín màu đen.

Cây và vị thuốc thổ phục linh.

Cây và vị thuốc thổ phục linh.

Hàng năm có thể khai thác thân rễ, rửa sạch đất cát, phơi khô, hoặc sấy khô. Đóng gói vào bao chống ẩm. Bảo quản nơi cao ráo, thoáng gió. Trước khi dùng, ngâm nước, ủ mềm, thái phiến dày 2-3mm; sao vàng. Hoặc ngay sau khi thu hoạch, rửa sạch, để ráo nước, thái phiến, phơi khô, hoặc sấy khô; trước khi dùng sao vàng.

Về mặt hóa học, trong thành phần thổ phục linh có diosgenin, β - sitosterol, dioscin. Ngoài ra còn có các hợp chất astibin, engeletin, quercetin, kaemferol, tanin, nhựa, tinh dầu, alcaloid, acid shikinic, acid ferulic, đa đường...

Về mặt tác dụng sinh học, thổ phục linh có hoạt tính trị giun (giun móc), sán lá gan nhỏ; chống viêm trên thực nghiệm, kể cả viêm cấp tính và mạn tính, trên mô hình gây phù bàn chân chuột bằng cao lin và mô hình u hạt thực nghiệm gây bằng amian; Thổ phục linh còn có tác dụng lợi tiểu rõ rệt; Tác dụng kháng histamin, làm giảm co thắt cơ trơn ruột của động vật thí nghiệm; Hạ huyết áp.

Theo y học cổ truyền, thổ phục linh có vị ngọt, nhạt, tính bình. Quy vào các kinh can, vị. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, khử phong, trừ thấp. Trị đau nhức xương khớp, phong thấp, lở ngứa, giang mai, mụn nhọt, vẩy nến, mề đay mẩn ngứa, rôm sảy... Liều dùng chung 12-30g, bằng cách sắc với nước uống; Có thể dùng dưới dạng bột, thuốc hoàn. Sau đây là một số cách dùng thổ phục linh làm thuốc:

Trị các bệnh sang lở, mụn nhọt, tràng nhạc, giang mai: thổ phục linh 16g; ké đầu ngựa, kim ngân hoa, liên kiều, hạ khô thảo, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Trị trẻ mới sinh bị giang mai xoang miệng, hoặc người lớn bị giang mai:

Bài 1: Thổ phục linh 30g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 2: Thổ phục linh 60g; kim ngân hoa, cam thảo, mỗi vị 30g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 3: Thổ phục linh, kim ngân hoa, mỗi vị 20g; bạch tiễn bì, uy linh tiên, cam thảo, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 4: Thổ phục linh 60g, thương nhĩ tử, bạch tiễn bì, mỗi vị 15g, cam thảo 9g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Trị vẩy nến: Thổ phục linh 40g, cải trời (hạ khô thảo nam) 80g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Trừ phong thấp, lợi khớp, dùng trị đau nhức xương khớp, đau mỏi lưng, gối:

Bài 1: Thổ phục linh 20g; dây đau xương, cốt toái bổ, tục đoạn, cẩu tích, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày 1 thang, chia 3 lần, trước bữa ăn 1 giờ.

Bài 2: Thổ phục linh 20g; cỏ nhọ nồi, hy thiêm, mỗi vị 16g; ngưu tất, ngải cứu, thương nhĩ tử, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Bài 3: Thổ phục linh 20g; lá lốt, hy thiêm, ngưu tất, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Lợi niệu, dùng khi bí tiểu tiện, tiểu đục, đái dắt, buốt, hoặc xích bạch đới: Thổ phục linh 20g; thông thảo, kim tiền thảo, râu mèo, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Trị giun móc, sán lá gan: Thổ phục linh 30g, sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Trị lao hạch: Thổ phục linh 20g, hoàng dược tử 10g, bồ công anh 30g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Trị nước ăn chân, tổ đỉa: Thổ phục linh 20g, lá lốt 20g, vỏ núc nác 16g, rễ cỏ xước 16g, kim ngân hoa 16g, rễ gấc 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Chú ý: Khi dùng thổ phục linh không nên uống nước trà xanh, vì có thể gây rụng tóc.


GS.TS. PHẠM XUÂN SINH
Ý kiến của bạn