Thổ phục linh trị gân cốt đau tê

SKĐS - Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, thổ phục linh (củ khắc) có vị ngọt nhạt, tính không độc, tác dụng làm cứng gân, mạnh dạ dày, trị giang mai và phong thấp.

Mô tả cây

Thổ phục linh còn được gọi với nhiều tên khác như: khúc khắc, kim cang, dây chắt, dây khum, cậm cù, khau đâu (Tày), mọt hoi đòi (Dao), tơ pớt (Kho)… tên khoa học Smilax glabra Roxb., thuộc họ Kim cang (Smilacaceae).

Cây sống lâu năm, dây leo dài 4 - 5m (có khi tới 10m), có nhiều cành mảnh không gai. Rễ củ vặn vẹo. Lá mọc so le, hình bầu dục thuôn, đầu nhọn, dài 5 - 12cm rộng 1 - 5cm, mang 2 tua  cuốn do lá kèm biến đổi, thường tiêu giảm thành mũi nhọn ngắn, có khi kéo dài; cuống lá dài 1cm, gân lá chính có 3 cái hình cung và nhiều gân con. Cụm hoa ở nách lá. Tán đơn độc có 20 - 30 hoa. Hoa nhỏ, màu lục nhạt, cuống hoa dài hơn cuống tán. Hoa đực và hoa cái riêng rẽ. Quả mọng, hình cầu, gần như 3 cạnh, có 3 hạt; quả chín có màu tím đen.

Cây ra hoa tháng 5 - 7, có quả tháng 8 - 12.

Thổ phục linh là cây mọc hoang, thấy nhiều ở các nước châu Á như: Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Myanma. Ở Việt Nam, thường gặp ở các vùng đồi núi, rừng thưa, thung lũng, từ các tỉnh miền núi Tây Bắc, dọc Trường Sơn, cho đến các tỉnh Nam Trung bộ (Khánh Hòa, Bình Thuận). Cây phát triển tốt ở vùng đất đỏ Tây Nguyên. Người ta thu hái thân rễ tươi quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa hè, thu. Đào thân rễ về, cắt bỏ rễ con và gai, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô. Có thể ủ mềm, thái lát mỏng rồi phơi hoặc sấy khô để làm vị thuốc thổ phục linh - Tufuling (Rhizoma Smilacis Glabrae).

Cây phục linh


Những công dụng

Danh y Hải Thượng Lãn Ông viết về thổ phục linh trong sách Lĩnh Nam bản thảo như sau:

Thổ phục linh là củ khúc khắc

Ngọt nhạt, tính bình, chữa đắc lực

Mạnh gân, khỏe vị, thu miệng ghẻ

Đuổi phong, trừ thấp, rất có sức.

Người Trung Quốc sử dụng thổ phục linh từ rất lâu đời. Sách Trung Quốc thường dụng Trung thảo dược thái sắc đổ phổ viết: “Thổ phục linh có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi quan tiết, trừ thấp. Dùng cho các chứng: mụn nhọt rôm sảy, nhiệt độc sưng lở, chứng thấp chẩn (da nổi những hột lấm tấm đỏ, rát, ngứa do nóng ẩm gây ra), chứng xích bạch đới, chứng lâm trọc (đi tiểu đục, đường tiểu sưng đau), chứng cước khí (bàn chân phù nề, đau nhức), chứng gân cốt co rút, nhức mỏi, đau tê; các quan tiết và các khớp không co duỗi được; ngoài ra còn dùng chữa giang mai, nhiễm độc thủy ngân, khinh phấn”…

Ngày nay, người ta phân tích thấy trong lá và ngọn non của thổ phục linh có chứa: nước 83,3%, protein 2,4%, glucid 8,9%, xơ 2,2%, tro 1,2%, caroten 1,6mg%, vitamin C 18mg%. Trong thân rễ có nhiều tinh bột, bêta-sitosterol, stigmasterol, smilax saponin, tigogenin.

Thổ phục linh thường được dùng để chữa tiêu hóa không bình thường, đau bụng tiêu chảy, viêm thận, viêm bàng quang, phong thấp, viêm khớp, chấn thương do té ngã, mụn nhọt độc, lở ngứa, viêm da có mủ, giang mai, vẩy nến, tổ đỉa, lao hạch, giải độc cơ thể, chống dị ứng, lợi tiểu, làm ra mồ hôi. Liều dùng 15 - 20g dạng thuốc sắc cao thuốc hoặc hoàn tán. Không dùng nước trà (nước chè) để uống thuốc có thổ phục linh.

Người ta còn chế Phục linh cao để trị thấp độc ngoài da, nhọt độc, lác, ghẻ lở… gồm có các vị: thổ phục linh 2kg, mao căn (rễ tranh) 600g, tang chi (cành dâu) 600g, sinh địa hoàng 200g.

Cách chế như sau: cho tất cả thuốc đã xắt lát mỏng hoặc giã nát vào một cái nồi đất lớn, đổ nhiều nước, chụm lửa to, nấu liên tục 8 - 9 giờ, sau đó lọc lấy nước thuốc, bỏ bã. Đổ nước thuốc vào một cái nồi khác, dùng lửa nhỏ cô lại thành cao. Liều dùng 6 - 8 thìa canh pha nước sôi để uống, chia làm 2 lần sáng chiều, trước bữa ăn 1 - 2 giờ.

Phục linh cao còn chữa phong thấp đau nhức tay chân, dị ứng, đại tiện bị rối loạn do uống thuốc bổ quá nhiều (đi tiểu nhiều lần, phân thối, hơi thở có mùi hôi khó chịu, không ngủ được).

MỘT SỐ BÀI THUỐC CÓ DÙNG THỔ PHỤC LINH

Trị viêm mủ da: thổ phục linh 30g, kim ngân hoa 15g, cam thảo 15g, sắc với 500ml nước còn 200ml, uống một lần vào lúc 9 - 10 giờ sáng.

Trị phong thấp, gân cốt đau tê: thổ phục linh 20g, thiên niên kiện 8g, tang chi 10g, lá lốt 8g, cốt toái bổ 10g, hà thủ ô 12g, đinh lăng 12g, trần bì 6g, bạch chỉ 6g. Sắc với 750ml nước còn 250ml, chia làm 2 lần uống trước bữa ăn.

Trị các bệnh ngoài da do thấp nhiệt: thổ phục linh 20g, kim ngân hoa 16g, bồ công anh 12g, sài đất 12g, ké đầu ngựa 12g, nhân trần 16g, cam thảo nam 12g, rễ tranh 12g. Sắc với 750ml nước còn 250ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Người ta còn dùng thổ phục linh làm thực phẩm trong các món ăn trị bệnh như:

Thổ phục linh hầm thịt heo:

- Nguyên liệu: thịt heo nạc 160g rửa sạch, xắt thành những thỏi như ngón tay. Thổ phục linh 80g, sinh địa 20g, trần bì 1 miếng nhỏ, tất cả rửa sạch.

- Cách làm: nấu 1/2 lít nước trong nồi đất cho sôi, đổ các thứ trên vào, đậy kín. Hầm khoảng 2 giờ, nêm thêm chút muối vừa ăn rồi nấu sôi lần nữa là được.

Món này dùng nóng, có tác dụng bổ dưỡng lại tiêu độc rất tốt. Có khi người ta dùng thêm mai rùa hoặc da heo để tăng cường tác dụng của món ăn. Phụ nữ có thai và người tỳ vị hư hàn không dùng được.

Thổ phục linh, hạt sen, long nhãn:

- Nguyên liệu: hạt sen 50g ngâm nước khoảng 30 phút, luộc sơ qua rồi vớt ra để ráo. Thổ phục linh 8g, long nhãn nhục 12g, của sen 50g, tàu hủ ky 100g (hoặc tim heo).

- Cách làm: cho tất cả vào một cái thố, đổ nước ngập quá mặt khoảng 3cm, đậy nắp rồi chưng cách thủy độ 2 giờ, nêm thêm ít muối rồi chưng thêm 10 phút là được.

Món này dùng nóng, rất tốt cho những người bị suy tim, mất ngủ, hồi hộp, lo âu, ngủ hay gặp ác mộng.

Chú ý phân biệt cây thổ phục linh với một số cây khác trong họ Kim cang (Smilacaceae) như: cây khúc khắc (Heterosmilax gaudichaudiana (Kunth) Maxim), hoặc các cây kim cang khác như: kim cang lá quế, kim cang lá mỏng, kim cang lá thuôn, kim cang lá xoan, kim cang lá bắc, kim cang Trung Quốc, kim cang Campuchia… cũng được dùng để thay thế thổ phục linh nhưng tác dụng kém hơn.

Thổ phục linh có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi quan tiết, trừ thấp


Lương y Đinh Công Bảy
Ý kiến của bạn