Theo quan niệm y học cổ truyền thịt thỏ còn có tên thỏ nhục, vị ngọt, cay, tính bình, không độc, có tác dụng bổ trung ích khí, hoạt huyết giải độc, chống đau tê, chữa suy nhược gầy yếu, chứng tiêu khát (nhất là những người vừa ốm dậy),…
Một số bài thuốc thường dùng:
Bài 1: Suy nhược cơ thể sau khi ốm, gầy yếu: Thịt thỏ 200g, thái nhỏ, hấp cách thủy hoặc nấu chín nhừ với táo tàu 15 - 20g, rồi ăn nóng. Ngày làm một lần, một tuần ăn 2 lần. Mỗi liệu trình ăn 10 ngày.
Hoặc: Thịt thỏ 200g, đại táo 20g. Thịt thỏ chặt nhỏ, đại táo xé. Hấp cách thủy hay nấu chín, ngày ăn 1 lần ăn liền 10 ngày.
Bài 2: Phục hồi cho người bệnh mỡ trong máu cao: Thịt thỏ 200g, vỏ quít (trần bì) 8g. Thịt thỏ chặt miếng to, cho muối, dầu, rượu, hành, gừng trộn đều, ướp trong 30 phút; vỏ quýt ngâm rửa, thái lát. Đun sôi dầu rán, cho thịt thỏ vào rán vừa chín; tiếp tục cho vỏ quýt, ớt tươi, gừng, hành vào xào với thịt thỏ, sau đó nêm gia vị, đảo đều, đun đến khi thịt khô chuyển màu đỏ nâu sậm, đổ ra đĩa, gắp bỏ gừng hành, đổ ít dầu vừng lên. Ăn nóng, ngày ăn 1 lần, ăn liền 1 tuần.
Bài 3: Chữa thiếu máu, bổ ích gan thận, bổ trung ích khí: Câu kỷ tử 15g, thịt thỏ 250g. Rửa sạch câu kỷ tử cùng thịt thỏ thái miếng cho vào nồi với lượng nước vừa, dùng lửa nhỏ đun đến nhừ, nêm gia vị vừa đủ là được. Ngày một bữa, làm thức ăn vào bữa cơm.
Bài 4: Chữa chứng bệnh mất ngủ ở người bệnh tăng huyết áp: Thịt thỏ 500g, bách hợp, tam thất mỗi vị 12g, rửa sạch thịt thỏ, thái thành miếng, bách hợp, thái tam thất rửa sạch. Cho cả ba thứ vào trong nồi, cho nước vừa đủ ngập, đun sôi xong để nhỏ lửa cho sôi lăn tăn đến khi thịt chín nhừ, cho các gia vị vào là được. Dùng ăn nóng, ngày một lần, dùng liền 10 ngày.
Bài 5: Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Thịt thỏ 200g, câu kỷ tử 15g. Đun nhỏ lửa với nước đến khi thịt nhừ, thêm ít muối, ăn làm một lần trong ngày. Dùng 12 ngày.
Bên cạnh đó, các bộ phận của thỏ đều được dùng làm thuốc như xương thỏ (thỏ cốt) có vị ngọt, chua, tính bình, có tác dụng trấn tĩnh, giải độc, tiêu sưng, háo khát dưới dạng nước sắc. Gan thỏ (thỏ can) có vị ngọt, đắng, mặn, tính hàn, có tác dụng bổ gan, làm sáng mắt chữa choáng váng do gan yếu. Tuy nhiên, muốn sử dụng các bài thuốc trên cho hiệu quả và phù hợp với từng cơ địa phải đến các cơ sở Đông y để được bắt mạch và điều trị.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn không dùng.
Bác sĩ Nguyễn Nam