Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện “cuộc chiến kép”?

29-07-2015 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Dư luận đặt câu hỏi: Việc Thổ Nhĩ Kỳ mở tấn công trên quy mô lớn vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) có thực sự là mục đích tiêu diệt khủng bố?

Dư luận đặt câu hỏi: Việc Thổ Nhĩ Kỳ mở tấn công trên quy mô lớn vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) có thực sự là mục đích tiêu diệt khủng bố? Hầu hết các báo đều nhìn thấy chiến lược mới của Thổ Nhĩ Kỳ là một “mũi tên trúng hai đích”.

Từ nhiều tháng qua, vẫn bị nhiều chỉ trích vì thái độ mập mờ đối với ISIS và vì từ chối tham gia vào các cuộc không kích của liên quân phương Tây do Mỹ lãnh đạo, Thổ Nhĩ Kỳ giờ bỗng thay đổi chiến thuật. Lấy cớ là vụ khủng bố ở thành phố Suruç làm 32 người thiệt mạng, Ankara đã quyết định mở các cuộc không kích vào các vị trí của quân thánh chiến và cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự trên đất Thổ để tấn công ISIS.

Ankara tấn công mạnh vào lực lượng người Kurdistan.

Thế nhưng, cùng lúc Ankara cũng mở chiến dịch tấn công mạnh vào lực lượng người Kurdistan của đảng PKK tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ở miền bắc Iraq. Như vậy là “Tổng thống Erdogan hy vọng bắn một mũi tên trúng hai đích trong đó chủ yếu làm suy yếu đảng PKK, ngăn chặn người Kurdistan ở Syria mở rộng vùng lãnh thổ họ kiểm soát ở Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ”. Chiến dịch quân sự như vậy chỉ làm cho các lực lượng thánh chiến hồi sức lại trong lúc đang bị người Kurdistan đẩy lùi trên chiến trường. Càng ngày người ta càng thấy rõ ràng là chính quyền Ankara tiếp tục coi đảng PKK cũng nguy hiểm như ISIS, thậm chí là còn hơn. Việc “làm dấy lên trở lại cuộc xung đột với người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây hậu quả mất ổn định trên toàn vùng vốn dĩ đang trong hỗn loạn”.

Cuộc “chiến tranh kép” này của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bị tố cáo là lợi dụng tình hình phục vụ ý đồ chính trị nội bộ sau khi đảng của ông vừa bị thất bại nặng nề trong bầu cử Quốc hội hồi tháng 6/2015. Mở mặt trận chống ISIS để lấy cớ tấn công vào người Kurdistan chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị trong nước và Tổng thống Erdogan thì bị tố cáo là đẩy đất nước vào vòng khói lửa chết chóc để giành giật quyền lực.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục chiến dịch tấn công vào các vị trí của lực lượng Kurdistan PKK ở Iraq và của ISIS ở Syria. Tuy nhiên, ngày 26/7/2015, lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công vào lực lượng dân quân Kurdistan YPG ở thành phố Syria Kobane, giáp giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Có điều YPG hiện là một lực lượng tích cực chống ISIS, đã đẩy lùi quân thánh chiến tại Kobane.

Trong một thông cáo sáng 27/7/2015, lực lượng YPG đã tố cáo quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đánh vào vị trí của họ thay vì nhắm vào ISIS. YPG đồng thời kêu gọi chính quyền Ankara chấm dứt “gây hấn”. “Đây không phải là những vụ tấn công nhất thời, mà là một tiến trình dài hơi” - Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoghu đã nhấn mạnh khi nói về chiến dịch đang tiến hành. Ông giải thích là Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc chiến toàn diện chống những kẻ mang mầm khủng bố. Có điều ông hầu như chỉ gợi lên khía cạnh Kurdistan trong chiến dịch quân sự hiện nay và đã tỏ ra hài lòng khi cho là “Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ sức mạnh và đã làm đảo lộn thế cân bằng khu vực”.

Chiến đấu cơ F-16 của chính quyền Ankara đã luân phiên oanh kích các hậu cứ của lực lượng PKK ở vùng Kurdistan tại Iraq trong suốt 4 tiếng đồng hồ, có lẽ gây thiệt hại nhân mạng ở thường dân nhiều hơn là chiến binh Kurdistan. Cũng như những lần trước, các vụ oanh kích cũng nhắm vào một vài vị trí của lực lượng thánh chiến ở Syria, gần chốt biên giới Djarablous do ISIS. Thủ tướng Davutoglu đã hứa là “sẽ sớm không còn bóng dáng ISIS ở dọc biên giới”.

Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên là đạn pháo bắn đi từ xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ lại trúng đơn vị Kurdistan ở Kobane khiến Ban chỉ huy lực lượng Kurdistan ở Syria YPG phải lên tiếng cảnh cáo Ankara, yêu cầu tôn trọng tính chính đáng quốc tế, nếu không họ sẽ bắn trả. Đạn pháo Thổ Nhĩ Kỳ đã làm 4 chiến binh YPG và nhiều dân thường bị thương.

Dường như quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào một đơn vị của lực lượng quân đội Syria tự do chiến đấu bên cạnh lực lượng YPG từ mùa thu năm ngoái. Vấn đề là việc can thiệp vào vùng này của lực lượng Kurdistan không khác gì mở thêm một mặt trận thứ 3, rất nguy hiểm đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Không chỉ nhắm vào người Kurdistan tại Iraq hay Syria, chính quyền Ankara cũng tăng cường bố ráp người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vài ngày qua đã có hơn 850 người trong cộng đồng người Kurdistan bị bắt với lý do là có liên quan đến khủng bố. Các vụ bắt bớ đã làm dấy lên một làn sóng tức giận nhất là ở Istanbul, dẫn đến bạo động và xung đột với cảnh sát. Một nhân viên cảnh sát đã bị giết chết ở Istanbul.     

(Theo AFP, RFI, Le Monde)

Lê Sơn

 

 


Ý kiến của bạn