Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không bỏ lỡ cơ hội để thể hiện tham vọng xây dựng một lực lượng vũ trang hùng mạnh, tự chủ và có khả năng răn đe trước bất kỳ mối đe dọa nào trong khu vực.

Tên lửa tầm xa Tayfun của Thổ Nhĩ Kỳ được thử nghiệm. (Nguồn: Getty Images)
Ngay sau khi Israel mở màn chiến dịch không kích ồ ạt vào các mục tiêu trọng yếu của Iran, ông Erdogan tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất tên lửa tầm trung và tầm xa để "đảm bảo khả năng răn đe quốc gia trước những diễn biến gần đây".
Đầu tư mạnh vào tên lửa đạn đạo
Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã nuôi tham vọng sở hữu năng lực tên lửa đạn đạo riêng. Khởi đầu từ những năm 1990, Ankara hợp tác với Trung Quốc để sản xuất tên lửa B-611 theo giấy phép, đặt nền móng cho các chương trình nội địa.
Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã ra mắt tên lửa Bora-1 tầm ngắn vào năm 201, thử nghiệm loại tên lửa đạn đạo tầm xa Tayfun vào năm 2022 và đầu năm 2025.
Một bước tiến quan trọng khác là việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung Cenk. Nếu được triển khai, Cenk sẽ làm tăng đáng kể phạm vi của kho vũ khí tấn công của nước này.
Ankara cũng đang thu hút sự quan tâm của nước ngoài đối với các dòng tên lửa đạn đạo do mình sản xuất. Một ví dụ điển hình là việc Indonesia ký hợp đồng mua Khan SRBM (phiên bản xuất khẩu của Bora-1) vào năm 2022. Trong bối cảnh Iran chủ yếu xuất khẩu tên lửa sang Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một đối thủ tiềm năng đáng gờm trên thị trường vũ khí.
Phòng thủ nhiều lớp: Thổ Nhĩ Kỳ rút ra bài học từ Iran
Tuy nhiên, Erdogan không chỉ đặt cược vào khả năng tấn công. Ông hiểu rõ rằng năng lực phòng thủ hiện đại mới là yếu tố răn đe tối thượng. Vì vậy, Ankara đã và đang phát triển lá chắn thép nội địa "Steel Dome", được thiết kế như một mạng lưới phòng không tích hợp và nhiều lớp, tương tự nhưng tham vọng hơn cả hệ thống Iron Dome nổi tiếng của Israel.
Dù đã sản xuất nhiều hệ thống phòng không tầm ngắn đến tầm xa, hệ thống chủ lực Siper của Thổ Nhĩ Kỳ hiện vẫn thiếu khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo hiệu quả. Bên cạnh đó, hệ thống S-400 mua từ Nga, hiện là lá chắn duy nhất của Ankara trước các mối đe dọa tầm cao, lại không thể tích hợp vào mạng lưới Steel Dome hoặc hệ thống phòng không chung của NATO.
Xung đột Israel–Iran vừa qua là một lời cảnh tỉnh. Khi tên lửa Israel xuyên thủng hệ thống phòng không của Iran, vốn sử dụng S-300 Nga và Bavar-373 nội địa và thực hiện các cuộc không kích sâu trong lãnh thổ đối phương, ông Erdogan lập tức yêu cầu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho phép Thổ Nhĩ Kỳ cùng sản xuất hệ thống phòng không SAMP/T của châu Âu.
Hồi sinh không quân: Mục tiêu 120 chiến đấu cơ mới
Song song với tên lửa và phòng không, Ankara đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng không quân sau nhiều năm gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt và căng thẳng chính trị. Việc mua hệ thống S-400 vào năm 2019 đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình tiêm kích F-35 của Mỹ, đồng thời bị cản trở trong nỗ lực nâng cấp phi đội F-16 già cỗi.
Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ mới đây tiết lộ rằng một giải pháp cho vấn đề F-35 có thể đạt được "trước cuối năm 2025". Cùng lúc đó, Ngoại trưởng Anh David Lammy tuyên bố rằng các bên liên doanh Eurofighter đang đạt "tiến triển tích cực" để cung cấp chiến đấu cơ Typhoon cho Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đặt mục tiêu mua tổng cộng 120 chiến đấu cơ mới gồm 40 chiếc F-16, 40 chiếc F-35A và 40 chiếc Eurofighter Typhoon.